Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Những trang giáo án nhòe sương...

Trương Hữu Thiêm - 09:45, 16/11/2022

Điều khiến chúng tôi không thể nào quên khi đến với vùng cao Điện Biên là những lớp học - những lớp học bám vào sườn núi như thể mọc ra từ lòng đất. Tre nứa đơn sơ, nắng mưa dầu dãi, những trang sách giáo khoa cũng bạc màu như đất và trên những gương mặt lấm láp của học trò, chúng tôi như đọc được những khát vọng lấp lánh, tinh khôi.

Lớp học vùng cao Điện Biên
Lớp học vùng cao Điện Biên

Nếu bạn lên vùng cao, biên giới, vùng đồng bào DTTS, xin hãy một lần ghé thăm các lớp học. Nơi có những cô giáo, mà theo chúng tôi, chỉ riêng việc họ đến đây và trụ lại đây, cũng đủ để chúng ta nói về họ như nói về những người anh hùng, như nói về những tấm lòng hy sinh cao cả.

Thông thường, như một cặp vận trù học, bên cạnh mỗi lớp học tre nứa đơn sơ bao giờ cũng có ít nhất một căn nhà đơn sơ tre nứa. Căn nhà ấy là nơi “an cư” của các cô giáo, trong suốt một năm học với những ngày dài vui buồn lẫn lộn, thương nhớ mênh mang. Ở đó, trên cái bàn ghép tạm bằng mảnh ván xù xì, có một cái đèn dầu lụi bấc, trang giáo án sương gieo ẩm mốc và mấy lá thư nhàu nhĩ vết thời gian. 

Đặc biệt, không có mùi phấn son như ta thường thấy trong các căn phòng thiếu nữ, mà thay vào đó là mùi nước mắm, mùi cá khô để lâu ngày và cả mùi hoai ngải của rau tàu bay vừa hái nhân một lần các cô vượt quãng đường rừng gần chục cây số đi tắm nhờ ở khe suối bản bên.

Ngày lại ngày, mấy cô giáo ở điểm trường lẻ thui thủi vào ra. Các cô không chờ kỳ phát lương, bởi tiền ở đây cũng chả để làm gì; mà các cô chờ bác bưu tá xã với cái túi thổ cẩm trong đựng cái công văn cho trường và, lạy giời, có cả dù chỉ là bức thư gửi cách đây một tháng giờ mới tới. Suốt mấy tháng mùa mưa, sáng sáng các cô ra đứng ngoài đầu dốc, dõi mắt về phía con đường mòn vắt hững hờ trên lưng chừng núi, lẩm nhẩm đếm từng cái bóng nhạt nhòa và bé xíu của các em học sinh đang cặm cụi đến lớp.

Đêm qua mưa nhiều, nước suối bản Hạ dâng cao, vậy là hôm nay có lớp vắng tới một nửa học sinh. Bàn ghế thừa ra, chỗ ngồi thừa ra, còn cô giáo thì cảm thấy lòng mình thiếu vắng - một nỗi thiếu vắng mà càng yêu nghề các cô càng cảm thấy rõ nhất, rõ như nỗi đau của kẻ bất lực, không biết làm gì hơn.

Đêm tháng Năm mà ở bản Hạ, gió rít từng hồi, mái lán run bần bật dưới những cơn mưa nguồn xối xả. Sóng điện thoại di động chỉ đến đầu bản, gặp ngọn núi cao rồi dừng lại như một trò “đùa dai”, thành thử mọi thông tin đều nhờ vào đường thư, nếu là việc cần kíp thì đi xe máy.

Bể nước ăn của cô giáo vùng cao
Bể nước ăn của cô giáo vùng cao

Vùng cao, nơi có các em tôi - một thế hệ nhà giáo mang trí tuệ, tâm huyết và tuổi trẻ cống hiến cho đời. Tôi đã gặp ở đây những cô giáo 5 - 6 năm không về phép thăm quê, những cô giáo gần 40 tuổi mới lần đầu tiên xây dựng gia đình, với một anh trai bản mà giả thử trong điều kiện khác, môi trường công tác khác thì vĩnh viễn không bao giờ có cuộc hôn nhân vui ít buồn nhiều ấy...

Cách đây hơn 20 năm, tại Trường Tiểu học Sa Dung (xã Sa Dung, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên), có một cô giáo dạy ở bản lẻ, đi bộ ra trường trung tâm để xin về thành phố Điện Biên Phủ nghỉ đẻ. Ban giám hiệu chưa kịp giải quyết, thì chuyến đi bộ hơn chục cây số đường rừng đã khiến cô giáo nọ trở dạ ngay tối hôm đó.

Trạm y tế xã không có người trực đêm, cô hiệu trưởng đề xuất một ý kiến táo bạo là lập biên bản rồi phá khoá trạm y tế, mượn bàn đẻ và một số dụng cụ phụ khoa. Ca đẻ tương đối khó, tuy nhiên cái khó hơn cả là hội đồng nhà trường không ai biết gì về kỹ thuật hộ sinh. Trong tình thế không còn cách lựa chọn nào khác, cô hiệu trưởng đã làm một việc hết sức mạo hiểm là tự tay đỡ đẻ cho cô giáo. Gần hai chục thầy, cô giáo quây xung quanh sản phụ, thay nhau làm hô hấp nhân tạo. Lúc đứa bé ra được thì toàn thân đã bắt đầu tím tái vì ngạt, được cắt rốn bằng dao cạo râu của các thầy.

Cuối cùng, cũng may là “mẹ tròn con vuông”, kể cả cái rốn cũng không bị nhiễm trùng. Có lẽ, tạo hoá công bằng đã sinh ra khó khăn này, thì cũng rộng lòng cho người ta nghị lực và sự may mắn để vượt qua khó khăn khác. Câu chuyện cô hiệu trưởng Trường Tiểu học Sa Dung đỡ đẻ, bây giờ nhiều người ở Sa Dung còn nhắc, chẳng biết có giống ở đâu không?

Trường THCS Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên (Tư liệu)
Trường THCS Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên (Tư liệu)

Cụm lớp bản Hạ có 2 phòng học hai ca, gồm một lớp 1, một lớp 2, một lớp 3 và một lớp 4, thuộc biên chế trường tiểu học số 1 của xã. Tại đây có 2 cô giáo đơn thân và một gia đình nhà giáo có chồng là thầy Vũ Khắc Ph. dạy lớp 1 và vợ là cô Phạm Thị T. dạy lớp 2. Họ đã có một con gái 9 tháng tuổi, sáng chồng lên lớp thì vợ ở nhà trông con và ngược lại.

Có thời, người ta thường nói: “Một mái nhà tranh, hai trái tim vàng”. Nhưng ở đây, không biết trái tim thầy Vũ Khắc Ph. và cô Phạm Thị T. đã hoá vàng chưa, chứ túp lều hạnh phúc của họ thì trông mà ái ngại. Hàng tháng, để có được ít bột cho con, thầy Vũ Khắc Ph. phải vượt chặng đường gần 40 cây số ra trung tâm huyện mới có chỗ xay thuê. So với anh chị em giáo viên độc thân, những gia đình nhà giáo vất vả gấp nhiều lần. Không có ti vi, không có sách báo và lắm khi, thèm có được ai đấy để nói chuyện, thậm chí, thèm cả nghe một tiếng còi ôtô...

Có một triết gia từng nói, rằng hạnh phúc là sự hi sinh, còn các cô giáo thì hi sinh hạnh phúc cho sự nghiệp chung. Các cô giáo vùng cao vĩ đại là ở chỗ ấy, ở chỗ mà nhiều người chúng ta không bao giờ làm được. Cho dù chúng ta có thể thuyết giảng rất hay, bằng cấp rất cao, được tặng thưởng rất nhiều những danh hiệu thi đua, được ngợi ca rất nhiều bởi những thành tích, mà chính ta cũng không biết mình có xứng đáng như thế thật hay không...

Tin cùng chuyên mục
Định Hóa (Thái Nguyên): Chú trọng phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm cho đồng bào DTTS

Định Hóa (Thái Nguyên): Chú trọng phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm cho đồng bào DTTS

Giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác giảm nghèo. Với tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm trên 70%, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động.