Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Vượt lên nghịch cảnh, cô giáo mầm non "bám trụ" dạy trẻ ở vùng cao

Quỳnh Trâm- Ngọc Thỏa - 09:14, 18/11/2022

Gần 14 năm, phải xoay sở nuôi chồng và con bị bệnh tâm thần, nhưng cô giáo Lữ Thị Thúy (dân tộc Thái) công tác tại trường Mầm non xã Tam Văn, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa), vẫn kiên trì "bám trụ" với nghề nuôi dạy trẻ, bằng trách nhiệm tình yêu nghề sâu sắc. Cô Thúy được phụ huynh yêu quý và các trẻ xem là người mẹ hiền thứ hai.

Cô giáo Lữ Thị Thúy đang miệt mài chỉ bảo các cháu học sinh nhóm nhà trẻ 2 – 3 tuổi
Cô giáo Lữ Thị Thúy đang chỉ bảo các cháu học sinh nhóm nhà trẻ 2 – 3 tuổi

Tôi tình cờ gặp cô giáo Lữ Thị Thúy trong chuyến công tác đến xã Tam Văn, huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa). Biết được hoàn cảnh của cô, chúng tôi không khỏi xúc động. Ở ngôi trường này, cô Thúy là một trong những giáo viên đã có thâm niên 28 năm làm nghề nuôi dạy trẻ. Cô vào nghề từ năm 1996, thời điểm ấy mọi thứ còn đang sơ khai, khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Cô kể, lớp học ngày ấy chỉ được lợp tạm bợ bằng tranh tre, nứa lá, trong khi đó, giáo viên chỉ được trả lương bằng 20kg thóc, sau đó lên 120 nghìn đồng/tháng.

“Đằng đẵng 18 năm đồng lương không đủ sống, có lúc tưởng chừng bỏ nghề, ấy vậy nhưng tình yêu trẻ đã giữ cô ở lại tiếp tục gắn bó. Đến nay, nhìn thấy nhà trường đổi thay, khang trang, đủ đầy, chế độ của giáo viên cũng tốt hơn xưa, tôi cảm thấy biết ơn và hạnh phúc vì mình đã kiên trì với nghề cho đến tận bây giờ”, cô Thúy tâm sự.

Những tưởng khi công việc thuận lợi hơn, cuộc sống của cô sẽ bớt khó khăn. Thế nhưng, cuộc sống gia đình cô lại gặp nhiều biến cố. Sau khi kết hôn, hai vợ chồng có con trai đầu lòng, niềm hạnh phúc ấy không kéo dài được lâu.

Cô giáo Lữ Thị Thúy bên bếp củi chuẩn bị bữa cơm gia đình
Cô giáo Lữ Thị Thúy bên bếp củi chuẩn bị bữa cơm gia đình

Năm 2007, người chồng bỗng dưng phát bệnh tâm thần, rồi đến người con trai cũng có biểu hiện căn bệnh giống bố, hai cha con đi viện nhiều hơn ở nhà. Chỗ dựa tinh thần lớn lao nhất là chồng và con đối với cô giờ đây đã không còn, từ chỗ suy sụp, tuyệt vọng, được sự động viên của đồng nghiệp, bạn bè và gia đình, cô tiếp tục cố gắng vượt lên hoàn cảnh để trở thành điểm tựa của chồng con.

Cô Thúy chia sẻ, cuộc sống của cô giờ có nhiều khó khăn, cả chồng và con đều không thể tự chăm sóc bản thân nếu thiếu bàn tay của cô. Trong khi đó, gánh nặng kinh tế của cả gia đình cũng đặt lên vai người phụ nữ này. Tiền lương không đủ trang trải tiền thuốc men cho 2 người bệnh trong nhà, cô thường xuyên phải vay mượn, thời gian rảnh rỗi thì tự trồng trọt, chăn nuôi ở nhà để có thêm thu nhập.

“Nhiều lúc tôi cũng mất hết động lực sống, nhưng thương chồng, con, mình lại phải cố gắng gấp đôi, gấp ba người thường, chỉ mong sao có phép màu giúp chồng con phục hồi sức khỏe”, cô giãi bày.

Gia đình nhiều bộn bề lo toan là vậy, nhưng cô Thúy luôn hoàn thành tốt công việc ở trường. Chỉ khi đến lớp, chăm sóc các em nhỏ, sự hồn nhiên, thơ ngây, tiếng khóc, tiếng cười của trẻ giúp cô xua tan đi những phiền muộn trong lòng.

Cô giáo Lữ Thị Thúy chăm sóc hoa, cây cảnh trong sân trường
Cô giáo Lữ Thị Thúy chăm sóc hoa, cây cảnh trong sân trường

Ngoài công việc đứng lớp, phụ bếp, cô còn tích cực tham gia các hoạt động lao động, vệ sinh khuôn viên cảnh quan trường lớp, trồng hoa, cây cảnh, cùng các đồng nghiệp làm đồ dùng, đồ chơi tự tạo…

Cô Hoàng Thị Hằng, Hiệu trưởng nhà trường đánh giá, cô giáo Lữ Thị Thúy là một giáo viên công tác lâu năm, gia đình hoàn cảnh khó khăn, nhưng cô rất đam mê và tích cực với công việc. Hiểu được hoàn cảnh của cô Thúy, các đồng nghiệp và phụ huynh cũng rất yêu quý và tạo điều kiện giúp đỡ cô trong công việc và cuộc sống để cô yên tâm công tác. "Ở trường, các cháu nhỏ rất thích cô Thúy, có những bé lười ăn, không chịu ngủ, chỉ cần có cô Thúy ở bên giỗ dành vài câu, là cháu ăn nghe lời hết bát cơm và ngủ rất ngon giấc." cô Hằng kể.

Năm 2021, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, cô Thúy cũng đã nhận được sự hỗ trợ giúp đỡ của Liên đoàn lao động huyện Lang Chánh, số tiền 50 triệu đồng để góp vào xây dựng được căn nhà kiên cố hơn, thay thế căn nhà tranh dột nát trước kia.

Ngoài ra, công đoàn nghành Giáo dục, nhà trường, bà con Nhân dân trong bản cũng giúp đỡ về vật chất, tinh thần, ngày công lao động để hoàn thành ngôi nhà mới khang trang, giúp gia đình có nơi ở ổn định và an toàn.

 "Những năm qua, lúc cảm giác bế tắc, mình được các thầy cô trong trường, các tổ chức ở địa phương, rồi bà con trong bản quan tâm chia sẻ, động viên hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần, mình rất cảm động và có thêm nghị lực để vượt qua", cô Thúy bộc bạch.

Chia tay chúng tôi, cô Thúy còn nói  thêm là cô rất tâm đắc với một triết lý sống đó là: “Có thể bạn không được chọn cho mình một hoàn cảnh sống, nhưng bạn có thể lựa chọn một thái độ của mình trước hoàn cảnh đó”.

Tin cùng chuyên mục
Hà Nội chốt phương án thi vào lớp 10 với 3 môn

Hà Nội chốt phương án thi vào lớp 10 với 3 môn

Ngày 28/3, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ban hành Kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025. Theo đó, học sinh Hà Nội tham gia kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025 sẽ thực hiện 3 bài thi độc lập gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.