Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Có một không gian ký ức ở Đà Lạt

Nguyễn Thế Lượng - 20:44, 10/06/2021

Trong hành trình về với Đà Lạt mộng mơ, có khi nào bạn rời nơi đông vui tấp nập, dạo bước, thả hồn mình trong một không gian thấm đẫm những dòng ký ức xa xăm mờ tỏ của những người từng sống, mưu sinh ở thành phố này. Đó là không gian ký ức của những người bán hàng rong, mưu sinh trên đường phố.

Không gian Đà Lạt XQ Sử quán (Ảnh TL)
Không gian Đà Lạt XQ Sử quán (Ảnh TL)

 XQ Sử Quán là một địa điểm tham quan hấp dẫn du khách với sự kết hợp của lối kiến trúc độc đáo và nghệ thuật trưng bày ấn tượng đem đến cho mọi người cảm giác thân mật, ấm cúng. Đến đây ngoài được ngắm nhìn khung cảnh tuyệt đẹp, các bạn còn được hòa mình vào không gian của nghề thêu tranh và chiêm ngưỡng những tác phẩm nổi tiếng, xem các buổi biểu diễn tranh thêu, trưng bày tranh tượng nghệ thuật sắp đặt… mang lại những cảm giác khác lạ, độc đáo hơn so với các điểm du lịch còn lại ở Đà Lạt.

Khu tham quan và trưng bày sản phẩm bên trong XQ Sử quán
Khu tham quan và trưng bày sản phẩm bên trong XQ Sử quán (Ảnh TL)

Cái tên XQ Sử quán là tên viết tắt của hai nghệ nhân Võ Văn Quân và Hoàng Lệ Xuân, đây là hai nhân vật đã vạch hướng đi mới cho nghề tranh thêu tay, kết hợp giữa nghệ thuật thêu và tính nghệ thuật của hội họa tạo nên sắc màu mới cho tranh thêu VIệt Nam.

Những ngày đầu thành lập (năm 1996), XQ Sử quán chỉ có vẻn vẹn 20 nghệ nhân, trải qua nhiều năm phát triển, cùng với những thăng trầm, đến nay ngôi làng XQ đã có hơn 3.000 thợ thêu, trong đó có hơn 2.000 nghệ nhân và 6 công ty trong và ngoài nước.

XQ Sử quán trải dài trong khuôn viên 12.000 mét vuông và xây dựng với 6 khu vực đặc trưng đó là: Khu trưng bày tranh thêu, khu tham quan, khu tôn vinh các nghệ nhân thêu, khu vườn hoa nghệ thuật, khu ẩm thực và khu trưng bày lịch sử nghệ thuật sắp đặt ngành thêu. Khi đến đây, ngoài các sản phẩm tranh thêu, tôi như bị hút hồn vào những đồ vật, những dòng chữ vừa đơn sơ, vừa giản dị về những con người cùng chung một việc trên thành phố ngàn hoa này: Bán hàng rong!

Không ồn ã, không trang hoàng và cũng không cần hướng dẫn viên thuyết minh, dọc khu XQ Sử quán, qua những khu nhà truyền thống về tranh thêu, tơ lụa là không gian ký ức về những người bán hàng rong.

Ở không gian nhỏ này, những chiếc hòm vừa đơn sơ, vừa mộc mạc ghi những dòng chữ bên ngoài như “Tủ đựng đồ của người bán hàng rong”, rồi “Nơi lưu giữ bảng tổng kết cuộc đời của người phụ nữ mưu sinh trên những nẻo đường phố”, những bức ảnh, bức tranh treo trên cây có kèm theo tên tuổi, địa chỉ và chữ kí của những người phụ nữ gắn cả cuộc đời mình với nghề bán hàng rong.

Hòm lưu giữ thông tin về những người bán hàng rong
Hòm lưu giữ thông tin về những người bán hàng rong

Tuy không gian ấy tĩnh lặng, thanh sơ nhưng ai ngờ rằng bên trong những chiếc hòm gỗ nhỏ kia, ẩn sâu đằng sau những nét chữ run run, những bức hình đơn sơ lại là một kho ký ức rất đời thường về quãng đường đời mưu sinh của phận nữ nơi đây.

Nghề bán dạo, bán hàng rong vốn tạo nên một sắc màu cho thành phố ngàn hoa Đà Lạt. Nghề nay chủ yếu là những người phụ nữ làm. Hàng ngày, họ rong ruổi khắp nơi trên những con phố, nơi ngõ hẻm và cả những nơi đông vui tấp nập để bán hàng. Vì thế, tại không gian ký ức ở Sử quán, người ta không quên ghi chép lại những mặt hàng mà những người phụ nữ ở Đà Lạt bán. Người bán dâu tây, người bán đĩa nhạc, người bán hoa quả, người bán nước…

Góc trưng bày chữ kí chia sẻ của người bán hàng rong
Góc trưng bày chữ kí chia sẻ của người bán hàng rong

Ký ức được lưu giữ ở không gian đặc biệt này khá phong phú. Vừa là những hình ảnh chân thực về bóng hình những người phụ nữ tần tảo, vừa là chữ ký của họ, vừa là mặt hàng mà họ bán, có khi lại là những bảng chữ ký chia sẻ của mọi người với những người bán hàng rong, đôi khi lại là bức họa của một họa sĩ nào đó phác thảo những chân dung của những cảnh đời. Tất cả chìm vào một miền kí ức vừa xa xăm vừa mờ tỏ nhưng sức sống và sự chuyển động của những hình ảnh, những nét chữ như đang hiện lên khá chân thực.

Nơi đón nhận những tâm tình của người bán hàng rong
Nơi đón nhận những tâm tình của người bán hàng rong

 Điều đặc biệt, không gian ký ức ở Đà Lạt không bị chìm vào quên lãng hay mang một sắc màu hoài cổ mà nó gắn liền với cuộc đời thực và dòng đời thực đang diễn ra. Nơi đây không chỉ ghi chép, lưu giữ kỷ niệm về những cuộc đời mưu sinh trên đường phố mà còn là nơi giao lưu, nghỉ ngơi của những người bán hàng rong trong hiện tại.

Nơi ngồi đợi xe buýt của người bán hàng rong ở không gian kí ức
Nơi ngồi đợi xe buýt của người bán hàng rong ở không gian kí ức

Tại đây, các mẹ, các chị và các em bán hàng rong được nghỉ miễn phí, được dùng nước, khăn và vệ sinh miễn phí. Đặc biệt là hàng tháng, những người phụ nữ bán hàng rong có thể đến đây, lấy giấy bút đặt sẵn trên những chiếc hòm nhỏ và ghi chép lại một điều gì đó về công việc và cuộc đời mưu sinh của mình rồi đặt vào chiếc hộp nhỏ. 

Mục đích của việc tạo ra không gian đặc biệt này ở Đà Lạt là xuất phát từ chương trình tôn vinh nét đẹp đường phố. Thì ra, Đà Lạt đẹp và mộng mơ đâu phải chỉ là cảnh sắc muôn màu, những biệt thự nguy nga, rừng thông vi vút… Đà Lạt còn đẹp bởi những thanh âm đang ngày đêm cất lên trong những điệu hồn mưu sinh.

Những bức vẽ về người bán hàng rong Đà Lạt
Những bức vẽ về người bán hàng rong Đà Lạt
Những hình ảnh và thông tin quen thuộc ở không gian kí ức
Những hình ảnh và thông tin quen thuộc ở không gian kí ức
Tủ đựng đồ của những người bán hàng rong ở không gian kí ức
Tủ đựng đồ của những người bán hàng rong ở không gian kí ức
Thông tin và hình ảnh về những người phụ nữ bán hàng rong
Thông tin và hình ảnh về những người phụ nữ bán hàng rong

Dạo bước trong không gian ký ức của Đà Lạt, chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy tâm hồn mình thanh nhẹ, ấm áp và tinh tế biết bao. Bạn sẽ tự cảm nhận về những hình ảnh, những chữ kí và những thông tin được lưu giữ nơi đây. 

Tin cùng chuyên mục
Trăn trở về một miền di sản: Gặp những người “níu giữ” di sản (Bài 2)

Trăn trở về một miền di sản: Gặp những người “níu giữ” di sản (Bài 2)

Trăn trở, đau đáu với những giá trị, bản sắc văn hoá của dân tộc trước nguy cơ mai một, biến mất… những người có trách nhiệm đã đánh cược với thời gian, chỉ để níu giữ di sản cho hậu thế.