Không biết bao nhiêu lần xuôi thác tìm đến buôn Tơrđing, K’long nhưng không ai biết về huyền tích của cái tên dòng thác thơ mộng này. Chúng tôi đành rời núi Voi để ngược về với những buôn làng triền núi Langbian -Biđoup. Đây là khu vực quần cư của đồng bào Chill và Lạch (thuộc dân tộc Cơ - ho). Vẫn nghe đâu đó tiếng lóc cóc của vó ngựa xuôi về Dan Kia - Suối Vàng, về Pàngtiang, Dà Ngệt mỗi chiều sa, sương giăng mờ lối.
Một hôm, cùng thầy giáo Ha Lếch lang thang trong những cánh rừng thông tít tắp, tĩnh lặng và tuyệt đẹp của miệt Dà Sar, Dà Cas, bất ngờ gặp cụ Ha Đời. Cụ nói rằng, người dân ở đây đã lấy tên của loại cà đắng để đặt cho dòng thác với mong muốn con cháu không quên món quà của thần linh, của núi rừng ban tặng. Mấy năm nay, rong ruổi trên khắp cao nguyên Djirinh và Langbian, chúng tôi vẫn mang theo hai tiếng blơn prièn và những nỗi ám ảnh…
Tháng 10 năm trước, trên đường điền dã ở vùng đồng bào Chu - ru phía Nam sông Dà Nhim, khi lang thang trước ngôi nhà cụ bà Ma Hơng, mẹ của Y Soai, chúng tôi phát hiện ra một chi tiết nhỏ nhưng thú vị: Trong một mảnh vườn rộng trước nhà trồng đậu đã lên vài cặp lá vẫn còn một khoảnh đất nhỏ mọc đầy rau dền dại. Hỏi ra mới biết, người Chu - ru giữ lại để lấy rau, vì rau dền vừa ngon vừa sạch.
Bất giác nhớ lại câu chuyện món quà của thần linh với cụ Ha Đời dịp trước. Rau dền cũng chỉ là một thứ cỏ dại nhưng có lẽ từ xa xưa “tổ tiên” của nó đã thủy chung cả khi đói, khi no, khi mưa gió thất thường với đồng bào Chu - ru. Có màu xanh nào trong ngàn vạn màu xanh của núi rừng, đồng bãi và vườn tược của xứ Diom không tạo nên dòng máu ấm nóng chảy trong từng sinh linh đã sống và mãi mãi sống với hoa lá cỏ cây trên mảnh đất này?
Một ngày mùa Thu, trời mưa như trút nước. Chúng tôi lại về với các buôn làng ở dọc triền núi Brah Yàng và trải ra theo dòng Dà Rơyàm của huyện Di Linh. Đồng bào Cơ - ho nghĩ rằng, núi Brah Yàng là núi thiêng, chính là nơi ngự vì của Nhiên thần, Phúc thần. Đó là những vị thần luôn có mặt với buôn làng và giúp buôn làng mạnh cái tay, khỏe cái chân, trồng lúa đủ ăn, không làm cho con người phải đói khổ mãi.
Chúng tôi đến Krọt để tìm hương vị của mật ong rừng, đến Tô Klăn, Bột Be để tìm lại dấu tích của thung lũng trăn và đồi dê tế thần thuở trước. Câu chuyện giao tình giữa chủ và khách như càng sâu đậm, khi chai rượu đế vơi dần bên món cà đắng nấu với cá khô và măng chua nấu với cá trê.
Thấy chúng tôi ăn nhiều, ăn ngon, bà Ka Brệuh và ông K’Brít rất vui. Bà chủ nhà cho biết, đây là một loại cà dại mọc nhiều trên rừng, trên nương rẫy, thậm chí được bà con trồng trong vườn nhà và ra quả quanh năm. Thông thường, cà đắng được nấu với cá khô, cá hấp hoặc tôm tép khô với cà thường, cà chua và gia vị ớt để nhậu hoặc ăn cơm.
Bà Ka Brệuh nói rằng, cách làm măng chua là lấy măng tươi giã dập với ớt rồi đem ủ trong chóe, măng tự lên men chua chừng hai tuần thì có thể dùng được. Miếng măng không nát mà giòn tan, cả nước lẫn cái đều có vị chua, cay, đắng, ngọt. Đó là hương vị của rừng, là cái chất để tạo nên chính khí của đất trời và cốt cách con người Tây Nguyên.
K’Ninh, em trai K’Brít, một người đàn ông vạm vỡ, vui tính và khá hiểu biết. Anh ngồi trên sàn kể về các miếng ngon của rừng, nào biăp pờrùng (rau nse nướng trong ống tre), nào kơnàp (con mối cánh), gòl (đọt mây)... mà như dựng lên một cánh rừng già chân thực.
Qua lời kể của anh và ánh mắt mọi người, chúng tôi hiểu rằng, đó là nguồn mạch âm thầm, là bè trầm trong bài ca văn hóa của một vùng đất mênh mông trên cao nguyên miền Tây Tổ quốc...
Cách làm măng chua là lấy măng tươi giã dập với ớt rồi đem ủ trong chóe, măng tự lên men chua chừng hai tuần thì có thể dùng được. Miếng măng không nát mà giòn tan, cả nước lẫn cái đều có vị chua, cay, đắng, ngọt. Đó là hương vị của rừng, là cái chất để tạo nên chính khí của đất trời và cốt cách con người Tây Nguyên.
Bà Ka Brệuh