Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Có một làng Chăm ở giữa Sài Gòn

PV - 09:47, 15/10/2018

Khu chung cư 86/1 đường Phan Văn Hân, quận Bình Thạnh nằm lọt thỏm giữa lòng Sài Gòn náo nhiệt đã hơn 20 năm qua, đây là nơi sinh sống của khoảng 300 người dân tộc Chăm. Mặc dù sống giữa một thành phố hiện đại, nhưng bà con vẫn lưu giữ khá tốt phong tục, tập quán sinh hoạt của dân tộc mình.

Giữ gìn văn hóa

Bà Sophia, dân tộc Chăm (50 tuổi) cho biết, người Chăm sống ở khu dân cư đều có nguồn gốc từ Châu Đốc (An Giang) lên Sài Gòn sinh sống từ thời Pháp thuộc. Trước kia, mọi người sống tập trung quanh bờ kênh Thị Nghè, khi khu này bị giải tỏa (từ năm 1995), thì bà con chuyển về ở chung cư 86/1 đường Phan Văn Hân, quận Bình Thạnh sinh sống. Ngoài ra, cộng đồng người Chăm còn sống rải rác ở quận 6, quận 8 và quận Phú Nhuận...

Điệu múa duyên dáng của những cô gái Chăm Islam. Ảnh Thanh Hà Điệu múa duyên dáng của những cô gái Chăm Islam. Ảnh Thanh Hà

Tại khu chung cư này, có một thánh đường Hồi giáo riêng cho người Chăm. Hàng ngày, cứ đến giờ cầu nguyện, những người đàn ông trong khu dân cư dù bận việc gì cũng phải thay đồ truyền thống để lên thánh đường đọc kinh, cầu sức khỏe và bình an cho gia đình cũng như cộng đồng. Còn phụ nữ thực hiện hành lễ tại nhà. Khi cầu nguyện phải trùm kín từ đầu đến chân, xá lạy liên tục và niệm thầm những bài kinh đã học thuộc. Đến tháng ăn chay (tháng Ramadan) vào tháng 6 âm lịch hàng năm, phụ nữ mới được đến thánh đường để thực hành nghi lễ.

Nói về tháng Ramadan, bà Maysam, một cư dân khác trong khu chung cư cho biết: Trong tháng ăn chay, mọi người phải nhịn ăn, nhịn uống từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn. Ăn uống bất cứ thứ gì đều phải trước 6h và sau 18h30.

Ngày kết thúc tháng ăn chay cũng được coi là ngày Tết của dân tộc Chăm. Những ngày lễ, Tết, cộng đồng người Chăm sẽ nấu đồ ăn rồi đem đến cùng ăn chung ở khu vực hành lang của chung cư.

Để không mai một những nét văn hóa truyền thống và tiếng nói của dân tộc, một lớp dạy tiếng Chăm miễn phí nằm sát khu chung cư đã được mở ra từ hơn 20 năm nay. Lớp học do thầy Amin ở tại khu dân cư làm chủ nhiệm. “Mỗi tối, lớp học lại sáng đèn để giúp trẻ em, phụ nữ, người già không quên tiếng mẹ đẻ và văn hóa dân tộc. Trẻ nhỏ thì học nói, tập viết, người lớn thì học kinh Koran để còn bảo tồn văn hóa dân tộc”, thầy Amin bộc bạch.

Hòa nhập cộng đồng

Nếu như cộng đồng người Chăm theo đạo Bani (ở vùng Ninh Thuận, Bình Thuận) vẫn còn bảo lưu chế độ mẫu hệ, thì người Chăm TP. Hồ Chí Minh (theo đạo Hồi Islam) đã chuyển sang chế độ phụ hệ khá rõ. Chị Rohymah, con dâu bà Sophia cho biết, ở đây, con trai phải đi hỏi vợ, có thể ở rể hoặc không, nhưng các con đều phải theo họ cha. Hôn nhân với người khác dân tộc cũng được chấp nhận với điều kiện những cô dâu hoặc chú rể là người ngoại đạo phải tự nguyện theo đạo Hồi Islam...

Đám cưới được xem là dịp vui nhất của người Chăm, mọi người được ăn uống, vui chơi thoải mái. Đặc biệt, khi đi đám cưới, người Chăm chỉ tặng quà chứ không tặng tiền và chủ nhà cũng không nhận tiền mừng cưới.

Bữa tiệc đãi khách trong đám cưới của người Chăm chủ yếu là món cà-ri gà hoặc cà-ri bò. “Đám cưới nào cũng đãi món này bởi nó là món truyền thống lâu đời của người Chăm, không thể thay thế bằng món khác”, chị Rohymah ở khu dân cư cho biết.

Xưa kia, phụ nữ Chăm sau khi kết hôn thường chỉ ở nhà làm nội trợ, không được tham gia công tác xã hội. Nhưng hiện nay, phụ nữ Chăm cũng làm thêm công việc ở nhà như mở tiệm tạp hóa, may mặc, bán hàng... Người trẻ hơn thì đi học, làm việc ngoài xã hội. Lúc này, để phù hợp với môi trường làm việc thì người phụ nữ được gia đình cho phép bỏ khăn trùm đầu và ăn mặc tương tự người Kinh.

Theo truyền thống, cộng đồng người Chăm thường cư trú tập trung thành từng nhóm gia đình và có quan hệ gần gũi với nhau như cùng quê hay có quan hệ họ hàng thân thích với nhau. Mặc dù trải qua những cuộc di cư đến vùng đất mới, nhưng họ vẫn tiếp tục sống tập trung thành nhóm, ở những địa bàn là những vùng đất thấp, gần kênh rạch, các bến sông để thuận lợi hơn trong việc sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cộng đồng và giúp đỡ lẫn nhau trong sinh hoạt, buôn bán.

Để không mai một những nét văn hóa truyền thống và tiếng nói của dân tộc, một lớp dạy tiếng Chăm miễn phí nằm sát khu chung cư đã được mở ra từ hơn 20 năm nay. Lớp học do thầy Amin ở tại khu dân cư làm chủ nhiệm. “Mỗi tối, lớp học lại sáng đèn để giúp trẻ em, phụ nữ, người già không quên tiếng mẹ đẻ và văn hóa dân tộc. Trẻ nhỏ thì học nói, tập viết, người lớn thì học kinh Koran để còn bảo tồn văn hóa dân tộc”. (Thầy Amin).

NHƯ Ý

Tin cùng chuyên mục
Mãn nhãn màn tranh tài của 64 nài ngựa ở thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái

Mãn nhãn màn tranh tài của 64 nài ngựa ở thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái

Giải Đua ngựa Shanrila Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) được diễn ra với sự tham gia thi đấu của 64 nài ngựa, đến từ 5 tỉnh: Điện Biên, Lào Cai, Tuyên Quang, Sơn La, Yên Bái. Đây là sự kiện thể thao Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2024).