Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Cơ sở kinh doanh/hộ sản xuất cá thể: Nhân tố tích cực trong Chương trình OCOP

Hoàng Quý - 11:10, 30/04/2020

Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) đang thu hút sự tham gia của các chủ thể là cơ sở kinh doanh/hộ sản xuất cá thể trên địa bàn TP. Hà Nội. Vì vậy, Thành phố cần định hướng xây dựng những cơ chế, chính sách để thúc đẩy các chủ thể này trở thành những nhân tố tích cực của “sân chơi” OCOP.

Nghề làm miến làng So được hưởng lợi từ sản phẩm miến dong Dương Kiên đạt hạng 4 sao trong “sân chơi” OCOP
Nghề làm miến làng So được hưởng lợi từ sản phẩm miến dong Dương Kiên đạt hạng 4 sao trong “sân chơi” OCOP

Phát huy lợi thế

Làng So, xã Tân Hòa (huyện Quốc Oai) được bao quanh bởi 4 ngọn núi Long - Ly - Quy - Phượng, phủ kín cây xanh. Thiên nhiên còn ban tặng cho làng So nguồn nước giếng vừa trong, vừa ngọt. Bởi thế, ở đây có nghề làm miến dong nức tiếng xứ Đoài xưa nay. Theo thời gian, quy mô làm nghề giảm dần. Theo thống kê của UBND xã, hiện làng So chỉ còn khoảng 60 hộ làm nghề.

Tuy nhiên, số hộ làm miến giảm thì nghề làm miến ở làng So lại chú trọng nâng cao giá trị sản phẩm, từ đó tăng lợi nhuận từ nghề. Điều đáng mừng là, nhiều hộ sản xuất cá thể trong làng đã không ngừng đổi mới, mạnh dạn đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm để khẳng định thương hiệu miến làng So trên thị trường.

Cơ sở kinh doanh miến dong Dương Kiên, do anh Dương Đình Khôi làm chủ hộ là một ví dụ điển hình. Năm 2016, gia đình anh Khôi đầu tư trên 2 tỷ đồng để mua sắm máy móc, chuyển từ tráng miến thủ công sang sản xuất bằng máy, theo dây chuyền khép kín… 

Sản phẩm miến dong của gia đình anh Khôi được đóng gói tiêu chuẩn 500g/túi, có tem, nhãn mác, với đầy đủ thông tin về thành phần dinh dưỡng, tiêu chuẩn chất lượng,… Hiện, sản phẩm miến dong của cơ sở này đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, có mặt ở khắp các tỉnh, thành phố lớn.

Để khẳng định thương hiệu miến dong của mình, anh Dương Đình Khôi đã đăng ký tham gia “sân chơi” OCOP. Mới đây, theo kết quả đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn TP. Hà Nội đợt 3 - năm 2019 (theo Quyết định số 813/QĐ-UBND ngày 19/2/2020 của UBND TP. Hà Nội), miến dong Dương Kiên là 1/151 sản phẩm đạt hạng 4 sao. 

Thêm cơ chế để phát triển

Một tín hiệu tích cực trong thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” trên địa bàn Thành phố là số lượng cơ sở kinh doanh/hộ sản xuất cá thể có sản phẩm OCOP ngày càng tăng. Kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2019 trong đợt 1 và đợt 2, Thành phố chỉ có 5 chủ thể là cơ sở kinh doanh/hộ sản xuất cá thể với 5 sản phẩm đạt hạng 3 sao. 

Nhưng kết quả đánh giá, phân loại đợt 3 theo Quyết định số 813/QĐ-UBND ngày 19/2/2020, toàn Thành phố có 51 chủ thể OCOP thì có 15 chủ thể là cơ sở kinh doanh/hộ sản xuất cá thể. Đặc biệt, trong 15 chủ thể này có 5 chủ thể, với 17 sản phẩm đạt 4 sao (11 chủ thể còn lại đạt 3 sao); trong đó có sản phẩm miến dong của cơ sở kinh doanh Dương Kiên nêu trên.

Việc được “gắn sao” và “tăng hạng” là điều kiện đủ để các cơ sở kinh doanh/hộ sản xuất cá thể khẳng định thương hiệu sản phẩm trên thị trường, từ đó đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Muốn vậy, các cơ sở kinh doanh/hộ sản xuất cá thể cần được trợ lực từ cơ chế, chính sách, nhất là về vốn và các hoạt động tuyên truyền, quảng bá sản phẩm.

“Thời gian tới Hà Nội sẽ tổ chức 6 sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng tại Không gian văn hoá - ẩm thực phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ. Đồng thời, tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, phấn đấu đưa OCOP trở thành một thương hiệu có sức thu hút, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng”, ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP. Hà Nội cho biết.