Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Con Cuông (Nghệ An): Phát huy nội lực góp phần thực hiện hiệu quả các Chương trình MTQG

An Yên - 15:55, 16/10/2024

Con Cuông (Nghệ An) đang tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài, đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân trên địa bàn phát huy nội lực tham gia tổ chức, triển khai thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025. Từ thực tiễn triển khai các Chương trình MTQG những năm qua cho thấy, nguồn ngoại lực được phân bổ, cùng với sự chủ động phát huy nội lực, đang là “bàn đạp” quan trọng để góp phần làm đổi thay diện mạo cơ sở hạ tầng, cuộc sống người dân vùng DTTS và miền núi.

Nông thôn mới ở Con Cuông ngày càng khởi sắc - Trong ảnh: Một góc xã Môn Sơn
Nông thôn mới ở Con Cuông ngày càng khởi sắc - Trong ảnh: Một góc xã Môn Sơn

Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

Những năm qua, thực hiện các Chương trình MTQG, Đảng bộ huyện Con Cuông đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở thường xuyên quan tâm đến công tác dân tộc và thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách dân tộc và miền núi.

Cụ thể, Hội đồng nhân dân huyện đã xây dựng kế hoạch hằng năm về việc tổ chức giám sát thực hiện các chính sách dân tộc, miền núi và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Trên cơ sở này, UBND huyện đã chỉ đạo, điều hành, triển khai, ban hành các văn bản chỉ đạo hằng năm về công tác dân tộc và chính sách dân tộc...

Nhờ vậy, trong quá trình tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc, đảm bảo kịp thời đúng đối tượng, đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ, đảm bảo đúng quy định của pháp luật đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Bí thư Chi bộ bản Co Phạt, xã Môn Sơn La Văn Linh chia sẻ: Thực hiện các Chương trình MTQG, chúng tôi được tập huấn đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, nội dung thực hiện của từng chương trình. Khi về họp tại các thôn, bản, chúng tôi đã tuyên truyền, giải thích; từ đó tạo được sự đồng thuận, ủng hộ cao của mỗi người dân. Ngay như bản làng người Đan Lai chúng tôi, ai cũng có ý thức hỗ trợ đơn vị thi công từ việc giải phóng mặt bằng… nên khi các dự án của các Chương trình MTQG  được triển khai rất thuận lợi.

Cùng chung quan điểm này, ông Lộc Vĩnh Thương, Người có uy tín bản Chôm Lôm, xã Lạng Khê chia sẻ, là Người có uy tín của bản, ông đã tích cực tuyên truyền vận động, cung cấp thêm thông tin để bà con nắm rõ, hiểu rõ về ý nghĩa, mục đích của việc thực hiện các Chương trình MTQG, là sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước đầu tư dành cho vùng DTTS&MN. Vì thế, bà con cần phải ủng hộ cao để các dự án sớm triển khai, hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Người dân xã Bồng Khê hiến đất mở đường xây dựng Nông thôn mới
Người dân xã Bồng Khê hiến đất mở đường xây dựng Nông thôn mới

Qua tìm hiểu của chúng tôi, Ban Thường vụ Huyện uỷ, UBND huyện Con Cuông định kỳ hằng quý, năm đều nghe và cho ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo về việc thực hiện chính sách dân tộc nói chung và các Chương trình MTQG, trong đó có Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025. Việc kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách dân tộc, nhằm chỉ ra những hạn chế còn tồn tại để có biện pháp khắc phục.

Đối với Đảng uỷ, chính quyền cấp xã quan tâm chỉ đạo thường xuyên công tác dân tộc, triển khai chính sách kịp thời; theo dõi, nắm bắt tình hình tâm tư nguyện vọng, tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Chủ tịch UBND huyện Con Cuông Lô Văn Thao nhấn mạnh: Sự đồng thuận của mỗi người dân có ý nghĩa rất quan trọng để thực hiện có hiệu quả các Chương trình MTQG trên địa bàn huyện. Ngay khi bắt đầu triển khai, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; xem đây là nguồn nội lực quan trọng, quyết định sự thành công, hiệu quả của các Ctrình MTQG trên địa bàn.

Thực tiễn mấy năm qua cho thấy, sự đồng thuận, tin tưởng của các tầng lớp Nhân dân, nhờ sự vận động bền bỉ, dài lâu của cả hệ thống chính trị đã là yếu tố then chốt để các Chương trình MTQG được triển khai đúng tiến độ, giải ngân tỷ lệ cao và người dân sớm được hưởng thụ từ các dự án đã hoàn thành.

“Quả ngọt” từ sự đồng thuận

Xác định phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trọng tâm, trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết của HĐND tỉnh, HĐND huyện về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm, UBND huyện đã ban hành và tập trung chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch và tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025; định kỳ hằng quý, tổ chức giao ban với Chủ tịch UBND các xã, thị trấn và tổ chức các cuộc làm việc tại các xã, thị trấn để chỉ đạo phát triển kinh tế- xã hội.

Bà con Đan Lai đồng thuận tham gia hiến đất để xây dựng đường nối từ các bản làng vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát ra trung tâm xã Môn Sơn
Bà con Đan Lai đồng thuận tham gia hiến đất để mở đường nối từ các bản làng vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát ra trung tâm xã Môn Sơn

Từ các Chương trình MTQG được hỗ trợ, kết cấu hạ tầng được ưu tiên đầu tư khá đồng bộ, kiên cố, bảo đảm chất lượng. Các công trình được đầu tư đã phát huy hiệu quả sử dụng và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, toàn huyện đã có đường giao thông nhựa hóa, bê tông hóa với quy mô cấp IV-V đến trung tâm tất cả các xã.

Hệ thống điện được quan tâm cải tạo, nâng cấp với 97,5% hộ dân vùng đồng bào DTTS &MN được sử dụng điện lưới quốc gia. 100% thôn, xóm đã xây dựng được nhà văn hóa, có 6/13 xã có thiết chế văn hóa thể thao đạt chuẩn, có 80/115 nhà văn hóa thôn đạt chuẩn. Ở thời điểm hiện tại, Con Cuông có 3 xã đạt chuẩn NTM, 7 xã đạt từ 10-15 tiêu chí, 2 xã đạt dưới 10 tiêu chí.

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm đạt kết quả tốt. Trong những năm qua, huyện đã phối hợp, tổ chức đào tạo 6.341/5.250 lao động và đã giải quyết việc làm cho 4.627/4.200 lượt lao động, trong đó xuất khẩu lao động 661/551 đạt 119,96% kế hoạch giao; hỗ trợ trên 2.136 triệu đồng cho lao động là người DTTS, hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo... tham gia các lớp đào tạo nghề và người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Được đào tạo và định hướng nghề, đời sống vật chất người dân ngày một nâng lên. Hiện nay, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2021-2023 năm đạt 6,97%; giá trị gia tăng bình quân đầu người năm 2021 đạt 35,5 triệu đồng/năm, thì đến năm 2023 đạt 41,2 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo từ năm 2020 đến năm 2023 giảm 9,18%, còn 16,88%./.

Tin cùng chuyên mục
Nhiều hoạt động thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Kiên Giang lần thứ IV, 2024

Nhiều hoạt động thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Kiên Giang lần thứ IV, 2024

Nhằm chào mừng Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Kiên Giang lần thứ IV - năm 2024, Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa như thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách người DTTS, tổ chức các phong trào thi đua sôi nổi.... Chuỗi hoạt động không chỉ tôn vinh những đóng góp của đồng bào, mà còn thể hiện sự đoàn kết và quyết tâm xây dựng vùng đồng bào DTTS phát triển mạnh mẽ và bền vững.