Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Còn nhiều hạn chế trong phát triển các sản phẩm OCOP

Thuý Hồng - 09:21, 28/03/2022

Sau hơn 3 năm triển khai, sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định giá trị và chất lượng trên thị trường, được người tiêu dùng đánh giá cao và sử dụng ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, để sản phẩm OCOP phát triển và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, vẫn còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục.

Nhiều địa phương vẫn đang loay hoay tìm sản phẩm đặc trưng của địa phương để xây dựng sản phẩm OCOP
Nhiều địa phương đang loay hoay tìm sản phẩm đặc trưng của địa phương để xây dựng sản phẩm OCOP

Loay hoay tìm sản phẩm đặc trưng

Mặc dù Chương trình OCOP nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, sự tham gia, đồng lòng ủng hộ, sự nỗ lực của các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân và đã đạt kết quả bước đầu. Song quá trình triển khai chương trình OCOP ở nhiều địa phương cũng đang bộc lộ những khó khăn, thách thức.

Tìm hiểu thực tế tại xã An Sơn, huyện Văn Quan, Lạng Sơn, dù đã triển khai chương trình được 3 năm, nhưng xã vẫn đang loay hoay tìm và xây dựng sản phẩm riêng.

Ông Nông Trần Cảnh, Chủ tịch UBND xã An Sơn cho biết: Dù là một xã chủ yếu sản xuất nông nghiệp, với một số sản phẩm đặc trưng như: cải ngồng, bắp cải và có 7 hộ sản xuất bánh truyền thống khẩu sli, nhưng hiện tại, xã vẫn chưa xây dựng được sản phẩm OCOP. 

Nguyên nhân qua khảo sát, đánh giá thì, các sản phẩm trên người dân chỉ sản xuất theo mùa vụ với sản lượng ít, các hộ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa đáp ứng được yêu cầu về quy mô, tính độc đáo, đáp ứng nhu cầu thị trường với số lượng lớn, lâu dài.

Được biết, hiện nay toàn huyện Văn Quan mới chỉ có 4 sản phẩm OCOP được chứng nhận 3 - 4 sao cấp tỉnh. Theo ông Lý Văn Đàm, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Quan: Quy mô, năng lực quản trị của các chủ thể tham gia chương trình OCOP còn nhỏ và yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị; sự hiểu biết của một số cán bộ cơ sở và chủ thể sản xuất về quản lý chất lượng sản phẩm còn hạn chế, nhiều nội dung còn phụ thuộc vào tư vấn; một số sản phẩm chủ lực gặp khó khăn về vốn và công nghệ chế biến, bảo quản.

Ngay như ở tỉnh Quảng Ninh, địa phương đầu tiên thực hiện chương trình OCOP, và đã có nhiều sản phẩm đã mang dấu ấn của địa phương. Tuy nhiên, hiện không ít sản phẩm OCOP của tỉnh đang có sự suy giảm về mặt chất lượng, số lượng.

Đáng buồn hơn, nhiều sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường, nhưng do hạn chế của cơ sở sản xuất, sự thiếu quan tâm, sâu sát của các địa phương khiến cho nhiều sản phẩm không tiếp tục phát triển, hoặc không có thị trường dẫn đến dừng sản xuất phải đưa ra khỏi chương trình.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT trong năm 2021, Quảng Ninh đã rà soát đưa 56 sản phẩm ra khỏi chương trình OCOP, trong đó 13 sản phẩm đã cấp sao, và 43 sản phẩm chưa cấp sao.

Theo ông Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ninh, để khắc phục những khó khăn, tồn tại hạn chế, các địa phương phải có sự vào cuộc quyết liệt, quan tâm sát sao tới các bước phát triển của sản phẩm, của đơn vị sản xuất. Hằng năm, giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP cho các xã, phường gắn với xây dựng xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Chưa có nhiều sản phẩm OCOP tạo dựng được thị trường tiêu dùng
Chưa có nhiều sản phẩm OCOP tạo dựng được thị trường tiêu dùng

Tạo dựng thị trường cho sản phẩm OCOP

Từ thực tế cho thấy, sau rất nhiều nỗ lực và cố gắng, các sản phẩm OCOP cũng đã tạo vị thế khác biệt và nổi trội cho nông sản trong cả nước. Nhưng để định danh và định vị được sản phẩm, các sản phẩm cần có những bước tiến về phía trước thay vì đi “giật lùi”.

Hiện nay, hệ thống các chính sách, cơ chế hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm thiếu đồng bộ, thiếu hiệu quả trong điều phối hoạt động hỗ trợ. Hoạt động xúc tiến thương mại tuy được nhiều địa phương quan tâm triển khai, nhưng còn manh mún, thiếu đồng bộ; chưa hình thành được hệ thống quảng bá, xúc tiến thương mại mang tính kết nối, chuyên sâu để tạo hình ảnh, nhận diện sản phẩm OCOP và thay đổi nhận thức của người tiêu dùng… nhất là trong bối cảnh chịu tác động của đại dịch Covid-19.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, sản phẩm OCOP, là những sản phẩm có quy mô nhỏ, ở cấp độ làng, xã, do đó khi tham gia vào OCOP, đòi hỏi sự chuyển đổi từ các kênh tiêu thụ truyền thống sang các kênh bán hàng hiện đại, với các sản phẩm được đóng gói có bao bì, mẫu mã theo quy chuẩn, nên cần có thời gian thích ứng và mở rộng thị trường...

Theo các chuyên gia nông nghiệp, để tháo gỡ khó khăn trong việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với thị trường tiêu thụ, ngoài việc cải thiện quy trình và công nghệ chế biến, xúc tiến thương mại hiện đại; thúc đẩy chuyển đổi số… cần tập trung, phát huy các yếu tố về văn hóa, cộng đồng gắn với đặc trưng của sản phẩm OCOP.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Trung tâm Phát triển nông thôn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cho rằng: Có thể tạo ra giá trị tăng thêm cho các sản phẩm OCOP - những sản phẩm được khai thác từ tài nguyên bản địa của mỗi miền quê, bằng cách đưa các câu chuyện vào từng sản phẩm, hướng dẫn người dân giới thiệu về sản phẩm gắn với lịch sử, văn hóa...để dẫn dắt, giới thiệu tìm được chỗ đứng trên thị trường.

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.