Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Cộng đồng là nền tảng để bảo tồn văn hóa

PV - 15:54, 11/06/2019

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS vẫn luôn được các ngành, các cấp quan tâm, đầu tư trong thời gian qua. Song, bên cạnh công tác bảo tồn vẫn còn những câu chuyện khiến dư luận phải bận tâm như: Bảo tồn đã đúng cách chưa? Đâu là yếu tố quyết định để bảo tồn văn hóa?...

Ngôi nhà Gươl được xây bằng bê tông, không còn giữ được kiến trúc truyền thống. Ngôi nhà Gươl được xây bằng bê tông, không còn giữ được kiến trúc truyền thống.

Khoảng trống trong bảo tồn

Tháng 5/2019, tại Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong đồng bào DTTS” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức đã cho thấy những nghiên cứu, lý thuyết liên quan đến ứng dụng về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc của các đại biểu đưa ra vẫn còn nhiều bất cập.

Theo khảo sát của PGS.TS Phạm Văn Lợi (Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển) về nhà ở của người Cơ-tu tại thôn Agrồng (xã Atiêng, Tây Giang, Quảng Nam), nhiều ngôi nhà sàn của đồng bào đã có sự thay đổi về loại hình. Ví dụ như: từ nhà dài sang nhà ngắn, từ nhà sàn xuống nhà đất, từ nhà có nóc mái hình mai rùa sang nhà 2 mái hoặc 4 mái 2 mái phụ hình thang cân.

Chưa kể, kết cấu của ngôi nhà truyền thống cũng có sự biến đổi với sự xuất hiện của vì kèo; sử dụng kỹ thuật liên kết bằng mộng luồn và mộng thắt kết hợp với các loại đinh kim loại thay thế cho liên kết bằng ngoãm và dây buộc; từ việc sử dụng cỏ tranh, lá mây hay tre sang sử dụng các loại vật liệu mới như tôn và fiprôximăng…

Cũng như Phó Giáo sư-Tiến sĩ Phạm Văn Lợi, Giáo sư Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam qua quá trình điền dã, nghiên cứu di sản của các DTTS phía Bắc (vùng Việt Bắc) và tỉnh Quảng Nam những năm gần đây, ông nhận thấy thực trạng Nhà nước đầu tư kinh phí phục dựng, khôi phục các di tích lịch sử-văn hóa tín ngưỡng ở khá nhiều làng, bản. Hầu hết số kinh phí được giao cho các cấp chính quyền huyện hoặc xã để triển khai công việc này. Tuy nhiên, cách thức triển khai chưa phù hợp.

Tại tỉnh Quảng Nam, chính quyền các cấp tổ chức phục dựng hơn 160 nhà Gươl cho đồng bào dân tộc Cơ-tu, trong đó đa phần được làm bằng hình thức bêtông hóa (giả gỗ). Kết quả là số nhà Gươl do chính quyền dựng ra hầu hết không thu hút người dân đến sinh hoạt, mặc dù các bản làng vẫn đang có nhu cầu cấp bách về địa điểm sinh hoạt văn hóa chung của cộng đồng.

Qua đó để thấy rằng, với cộng đồng các dân tộc, để có không gian thiêng, không đơn thuần chỉ chú ý đến cung cấp vật liệu, kinh phí và thợ lành nghề, mà những vật liệu đó phải do chính người dân chọn lựa, đục đẽo, xây cất và thực hiện các nghi lễ theo phong tục, tập quán địa phương. Có như vậy, công trình mới trở thành không gian thiêng để bà con sinh hoạt văn hóa và phát huy bản sắc riêng của mình.

“Theo nguyện vọng của người dân, hãy giao cho cộng đồng quyền tự chủ, quyền được phục dựng các di tích văn hóa-tâm linh của chính họ, dưới sự theo dõi, quản lý giám sát của chính quyền. Có như vậy, sản phẩm văn hóa đó mới nhận được sự đồng thuận của cộng đồng, được cộng đồng hưởng ứng”, Giáo sư Bùi Quang Thanh khẳng định.

Đồng bào dân tộc Mông ở huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La làm du lịch cộng đồng. Đồng bào dân tộc Mông ở huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La làm du lịch cộng đồng.

Nền tảng để bảo tồn văn hóa

Từ thực tế trong các chuyến công tác, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, chúng ta phải tôn trọng đời sống tôn giáo tín ngưỡng truyền thống của các DTTS. Ông nhấn mạnh, cần bảo tồn và phát huy chữ viết truyền thống, xây dựng một số bộ chữ viết phù hợp với đặc điểm kinh tế, văn hóa của các DTTS, không áp đặt nghĩ hộ đồng bào, sáng tạo thay cộng đồng về chữ viết. Đồng thời, bảo tồn, phát huy giá trị di sản phải gắn liền với phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bảo vệ, tôn trọng ý kiến của cộng đồng, đề cao vai trò của cộng đồng và cộng đồng là chủ thể được hưởng lợi. Nên triển khai làm du lịch theo hướng trải nghiệm (dệt thổ cẩm, canh tác ruộng bậc thang, đánh bắt cá dưới ruộng lúa hay sông, suối…); phát huy bản sắc văn hóa, xây dựng tính đặc thù của mỗi dân tộc, tạo thành sản phẩm du lịch đặc thù.

Bảo tồn văn hóa các DTTS luôn đi liền với bảo đảm cuộc sống người dân, theo hướng phát triển bền vững, phát huy sức mạnh cộng đồng. Ở đó, cộng đồng là nền tảng, đồng thời giáo dục và văn hóa phải đi liền với nhau.

HỒNG MINH

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.