Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác dân tộc giúp tôi thấu hiểu đồng bào hơn

Minh Thu - 10:29, 13/05/2020

15 năm làm Phó Phòng Dân tộc huyện Trà Lĩnh (Cao Bằng), anh Đàm Văn Thành, hiện là Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) đã gắn bó với hầu hết các xóm, bản trên địa bàn. Từ đó, anh Thành đã có những tham mưu cụ thể cho UBND huyện Trà Lĩnh về việc thực hiện các chính sách dân tộc, góp phần thay đổi đời sống vùng đồng bào DTTS huyện Trà Lĩnh.

Anh Đàm Văn Thành (đầu tiên, bên phải) hướng dẫn người dân xã Quang Hán, huyện Trùng Khánh kỹ thuật chăm sóc cây quýt.
Anh Đàm Văn Thành (đầu tiên, bên phải) hướng dẫn người dân xã Quang Hán, huyện Trùng Khánh kỹ thuật chăm sóc cây quýt.

Nguyên là kỹ sư nông nghiệp, với anh Thành, việc gắn với cây, con, ruộng nương như đã thấm vào huyết quản. Tốt nghiệp Đại học Nông Lâm Thái Nguyên năm 1995, chàng thanh niên dân tộc Tày Đàm Văn Thành về quê hương với hành trang là những kiến thức, tình cảm, trách nhiệm với mong muốn góp một phần công sức, giúp đồng bào Trà Lĩnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

“Cách đây 15 năm, Trà Lĩnh quê tôi nghèo lắm. Như gia đình tôi là gia đình cán bộ, nhưng một tháng cũng có đến vài bữa đói. Là một chuyên viên, theo dõi mảng tôn giáo - dân tộc, tôi luôn ước mong có một ngày vùng quê tôi sẽ bớt đói nghèo. Năm 1998, Quyết định 135/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) như một luồng gió mới, tạo động lực cho cán bộ, Nhân dân huyện Trà Lĩnh vươn lên xóa đói giảm nghèo”, anh Thành nhớ lại.

Với “đòn bẩy” là Chương trình 135, cùng với các cán bộ huyện Trà Lĩnh, anh Thành đã có nhiều chuyến đi xuống các xóm, bản, nắm tình hình đời sống KT-XH, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các DTTS. Từ đó, anh tham mưu cho lãnh đạo Phòng Dân tộc, UBND huyện Trà Lĩnh nhiều chính sách quan trọng, góp phần cải thiện sinh kế cho đồng bào DTTS huyện Trà Lĩnh từ nguồn vốn của Chương trình 135. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 43,4% (năm 2011) xuống còn gần 19% (năm 2015).

Trong giai đoạn 2015 - 2019, với những cống hiến, tâm huyết với công tác dân tộc, anh Thành được bổ nhiệm làm Phó Phòng Dân tộc huyện Trà Lĩnh. Trên cương vị công tác mới, anh thường xuyên nắm tình hình, tìm hiểu đời sống đồng bào để tham mưu cho UBND huyện Trà Lĩnh các chính sách dân tộc, trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc tạo sinh kế cho bà con.

Bản thân anh là một trong những cá nhân có công lớn trong việc phục tráng giống quýt Trà Lĩnh, từ việc phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật thực hiện chuyển giao công nghệ sản xuất cây có múi sạch bệnh, kỹ thuật trồng mới, thâm canh, phòng trừ sâu bệnh hại trên cây cho cán bộ và người dân tại các xã Quang Hán, Cao Chương và thị trấn Hùng Quốc. Nhờ đó, diện tích cây quýt tại địa phương được mở rộng từ 1,5ha (năm 2013) lên 164ha (năm 2019), trong đó có trên 60ha đã cho thu hoạch, năng suất đạt 12 - 15 tấn/ha.

Ông Hà Minh Hải, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trà Lĩnh (nay là huyện Trùng Khánh) cho biết: “Anh Đàm Văn Thành là một trong những cán bộ gương mẫu của Phòng Dân tộc trước đây. Từ khi nhận công tác tại Phòng NN&PTNT huyện (năm 2019), với kiến thức, kinh nghiệm sẵn có, anh Thành đã cùng với tập thể Phòng NN&PTNT có nhiều đóng góp trên lĩnh vực công tác, nhất là việc nghiên cứu, tham mưu cho UBND huyện ban hành các chính sách liên quan đến phát triển sản xuất nông nghiệp.

Trao đổi với chúng tôi, anh Thành chia sẻ: “Bản thân là người DTTS, lại làm trong lĩnh vực công tác dân tộc, tôi thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của đồng bào mình. Trong công tác, tôi luôn đặt ra những mục tiêu cụ thể để góp phần cải thiện cuộc sống cho đồng bào địa phương. Dù ở cương vị công tác nào, tôi cũng xác định nỗ lực hết mình, cống hiến trí tuệ, kinh nghiệm để góp phần xây dựng quê hương”.

Tin cùng chuyên mục
Chuyện bỏ rượu ở bản Mò O Ồ Ồ

Chuyện bỏ rượu ở bản Mò O Ồ Ồ

Vào đầu năm 2024, các đảng viên trong Chi bộ bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đã đồng nhất biểu quyết thực hiện quy định đảng viên không uống rượu bia vào buổi sáng, hạn chế rượu, bia vào chiều tối. Sau gần một năm thực hiện, các đảng viên của Chi bộ Mò O Ồ Ồ đã thay đổi được thói quen uống rượu, bia và tiếp tục vận động đồng bào Rục làm theo để tập trung làm ăn, phát triển kinh tế, xây dựng bản làng văn hóa.