Câu chuyện đằng sau tay lái
Cho đến tận giờ đây, tôi vẫn nhớ như in chuyến công tác vào xã biên giới Pa Thơm, huyện Điện Biên (Điện Biên). Sở dĩ, chuyến công tác này ấn tượng đến vậy, vì tôi được chị Mùa Thị Dính, cán bộ Phòng Dân tộc Điện Biên dẫn đường. Vượt quãng đường ngót 80km từ trung tâm huyện vào đến xã biên giới, ngồi đằng sau tay lái của phụ nữ vùng cao tôi từ ngạc nhiên đến thán phục, bởi sự nhiệt tình và kinh nghiệm lái xe đường trường của chị. Chị Dính vui vẻ tâm sự, chuyến đi công tác này không nhằm nhò gì so với những việc trước đó chị đã từng làm.
Chị Dính kể, vào những ngày hè 2015, cái nắng như đổ lửa lên khắp con đường, rừng cây của tỉnh Điện Biên. Các cán bộ Phòng Dân tộc lại phải lặn lội gùi từng bao muối tới xã Mường Lói, cách trung tâm gần 50km. Mặc dù đi từ rất sớm, nhưng phải đến hơn 12 giờ trưa đoàn công tác mới vào được trung tâm xã. Tới nơi thì đã hết giờ hành chính nên trụ sở xã không còn ai làm việc. Đoàn công tác đành phải nhịn đói ngồi ngoài trời, với nhiệt độ hơn 400C để chờ.
Hay đầu tháng 5/2019, khi tình hình di cư trên địa bàn trở nên phức tạp, cán bộ Phòng Dân tộc phải đi bộ vào tận rừng sâu của xã Pha Luông tìm người dân để vận động thuyết phục. Là người dân tộc Mông nên chị Dính không gặp khó khăn khi giao tiếp với người dân. Nhưng khổ một nỗi, vì tâm lý lo sợ nên người dân đi từng tốp lẩn tránh cán bộ. Chuyến công tác đó, các chị phải mang theo cơm nắm muối vừng, bi đông nước lọc, mắc võng ngủ rừng. Cũng phải mất đúng 4 ngày 4 đêm lặn lội trong rừng sâu các chị mới tìm gặp người dân để vận động họ không thực hiện ý định di cư mạo hiểm. Trước sự nhiệt huyết và thuyết phục một cách có lý, có tình của các cán bộ huyện, cuối cùng người dân đã đồng ý trở về.
Người cán bộ thạo 3 tiếng dân tộc
Không riêng gì chị Dính mà nhiều cán bộ làm công tác dân tộc ở cơ sở, dù tuổi không còn trẻ, nhưng họ chưa bao giờ nguội lạnh với công việc mà mình đã chọn. Anh Nguyễn Văn Hoàn, sinh năm 1966, ở Phòng Dân tộc huyện Na Hang (Tuyên Quang) là một điển hình.
Anh Hoàn là người dân tộc Kinh gốc ở dưới xuôi nhưng sinh ra và lớn lên ở xã Vĩnh Yên, huyện Na Hang (nay nằm trong vùng lòng hồ thủy điện). Sinh sống giữa vòng tay của đồng bào Tày nên ngay từ nhỏ anh sử dụng tiếng Tày làm ngôn ngữ chính. Lớn lên đi học rồi về công tác tại huyện Na Hang, anh bén duyên với công tác dân tộc từ rất sớm.
Năm 2009, khi công tác ở văn phòng UBND huyện, anh đã được giao phụ trách công tác dân tộc. Đến năm 2011, khi Phòng Dân tộc huyện Na Hang được thành lập anh chính thức trở thành một trong những cán bộ đầu tiên. Hơn 10 năm công tác trong Phòng Dân tộc, đôi chân người cán bộ ấy chưa bỏ xót một bản làng đặc biệt khó khăn nào.
Không những vậy, anh Hoàn còn tự học để có thể nói chuyện trực tiếp bằng tiếng Mông, tiếng Dao với người dân tộc sở tại. Chính vì vậy, đồng bào DTTS ở Na Hang mỗi khi có dịp giao tiếp với anh đều vô cùng yêu quý và tin tưởng.
Chị Dính, anh Hoàn chỉ là những ví dụ về những người cán bộ làm công tác dân tộc ở cơ sở. Bao năm qua, họ là những người gần gũi nhất với đồng bào DTTS. Họ là những người góp phần tạo nên giá trị vững chắc cho công tác dân tộc.