Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Công trình cấp nước sinh hoạt xã Phú Nhuận (Lào Cai): Người dân vẫn thiếu nước sau khi được nâng cấp

Trọng Bảo - 09:50, 18/08/2020

Để “giải hạn” cho người dân xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai đã bố trí hơn 6,1 tỷ đồng để nâng cấp công trình nước sinh hoạt tập trung của xã. Tuy nhiên, sau khi công trình cấp nước được nâng cấp, người dân vẫn thiếu nước sinh hoạt, trong khi giá nước lại tăng.

Mặc dù vòi nước ngay cạnh nhưng nhiều hộ dân vẫn phải dùng nước chứa từ can, xô… do đang bị cắt nước
Mặc dù vòi nước ngay cạnh nhưng nhiều hộ dân vẫn phải dùng nước chứa từ can, xô… do đang bị cắt nước

Công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân một số thôn, trên địa bàn xã Phú Nhuận được đầu tư xây dựng từ năm 2008. Sau hơn 10 năm đưa vào sử dụng, công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, nên người dân thường xuyên thiếu nước sinh hoạt. 

Theo ông Nguyễn Thế Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nhuận, để bà con có nước dùng, tổ quản lý nước của xã phải cắt nước luân phiên. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân nơi đây vẫn thường xuyên diễn ra.

Trước thực trạng này, tháng 10/2017, UBND tỉnh Lào Cai đã có Quyết định số 4830/QĐ-UBND về việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa, mở rộng cấp nước sinh hoạt xã Phú Nhuận, với tổng kinh phí hơn 6,1 tỷ đồng từ vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB). Đầu năm 2020 công trình được đưa vào sử dụng; tuy nhiên, tình trạng cắt nước luân phiên vẫn tái diễn. 

Ông Trần Duy Hải, ở thôn Phú Hải 2, cho biết: “Chúng tôi cảm thấy lạ, không hiểu vì sao công trình vừa mới được đầu tư nâng cấp với số tiền không nhỏ, vậy mà khi đưa vào vận hành thì không đủ nước nên vẫn cắt nước luân phiên như trước khi được sửa chữa nâng cấp”. 

Không những vậy, theo ông Hải, trước đây giá nước sinh hoạt chỉ 1.500 đồng cho 10 khối nước đầu tiên và 2.000 đồng cho 10 khối tiếp theo. Tuy nhiên, từ khi công trình nước được nâng cấp, thì giá nước tăng lên gần gấp đôi. Cụ thể, 10 khối đầu sẽ tính giá 2.500 đồng và 3.100 đồng cho 10 khối tiếp theo. 

“Giá nước thì cao như vậy, nhưng chất lượng nước thì chưa được kiểm định, nước không có thường xuyên, bảo sao bà con chúng tôi không bức xúc được”, ông Hải cho biết.

Theo ông Nguyễn Thế Anh, trước đây, công trình do xã quản lý. Sau khi sửa chữa nâng cấp, công trình được giao cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý, vận hành. 

“Trước những bức xúc, kiến nghị của bà con, UBND xã đã thông tin với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Lào Cai. Phía Trung tâm cũng đã nhiều lần về làm việc đối thoại với người dân, tiếp thu những kiến nghị để tiếp tục điều chỉnh”, ông Anh thông tin.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (đơn vị chủ quản của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn) cho biết, công trình cấp nước sinh hoạt tại xã Phú Nhuận là công trình thuộc Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa vào kết quả vốn vay WB”. Theo quy định của Chương trình, tiêu chuẩn dùng nước chỉ có 60 lít nước/người/ngày đêm nên khi thiết kế nâng cấp công trình phải đáp ứng quy chuẩn công suất này, cao hơn sẽ không được phê duyệt. 

“Tuy nhiên, thực tế hiện nay bà con đang sử dụng vượt định mức này quá nhiều, công trình không thể cung cấp nước thường xuyên được nên phải cắt luân phiên. Tất nhiên, Trung tâm sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh sao cho phù hợp trong thời gian tới. Nhưng trong 1 - 2 tháng tới, chúng tôi vẫn phải cắt nước luân phiên”, ông Ngọc khẳng định.

Đối với giá nước thu hiện nay, theo ông Ngọc thì đây là mức giá quy định đối với công trình cấp nước sạch nông thôn; so với mức giá nước sinh hoạt ở thành phố thì còn thấp hơn rất nhiều (5.905 đồng cho 10 khối đầu và 7.429 đồng cho 10 khối tiếp theo).

“Riêng đối với chất lượng nước, chúng tôi đang khẩn trương gửi mẫu nước đến các cơ quan chức năng kiểm định để công bố cho bà con sử dụng được yên tâm”, ông Ngọc cho biết thêm.

Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.