Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Thanh Hóa: Thiếu nước nghiêm trọng do khô hạn kéo dài

Quỳnh Trâm - 15:36, 10/07/2020

Nắng hạn kéo dài hơn một tháng qua, khiến hơn 9.000ha ruộng thiếu nước, còn người dân thì thiếu nước sinh hoạt. Đây là tình trạng xảy ra tại hầu hết các huyện của tỉnh Thanh Hóa như Quảng Xương, Như Thanh, Như Xuân, Thạch Thành, Yên Định và TP. Sầm Sơn.

Người dân phải tưới nước cứu lúa
Người dân phải tưới nước cứu lúa

Chi cục Thủy lợi tỉnh Thanh Hóa cho biết, toàn tỉnh hiện có 610 hồ đập chứa nước. Trong đó, 214 hồ đập nhỏ hiện xuống dưới mực nước chết. Điều này khiến nhiều địa phương thiếu nước sản xuất nghiêm trọng.

Toàn tỉnh dự kiến vụ mùa năm nay gieo cấy khoảng 116.000ha lúa, nhưng hạn hán kéo dài nên đến thời điểm này, mới chỉ có khoảng hơn 9.000ha lúa được gieo cấy. Nhưng trong đó, nhiều diện tích bị chết khô vì cháy nắng. 

Hơn 10 ngày qua, bà Hiệp, 72 tuổi, xã Mậu Lâm (huyện Như Thanh) ngày đêm bám ruộng để tưới nước cứu vớt 5ha lúa không chết vì hạn hán. 

 “Con đập của xã đã cạn nước nên nhiều diện tích ruộng trên địa bàn vẫn bỏ hoang. Nhà tôi may mắn lấy được nước để cấy, nhưng hiện giờ mặt ruộng đang ngày một nứt nẻ. Nếu tuần tới vẫn không có mưa, thì mùa vụ năm nay nguy cơ mất trắng”, bà Hiệp than. 

Không chỉ ruộng khô hạn, 3 tuần nay, giếng khoan 40m và giếng khơi 20m của nhà bà Chi (65 tuổi), cùng xã Mậu Lâm cũng cạn kiệt nước. Mỗi ngày để có nước dùng, bà dùng xe kéo đi bộ cách nhà 500m để xin nước về cho 4 người trong gia đình dùng. 

“Xin được ít nước, tôi phải dùng dè sẻn rất khổ sở. Vườn cây trái không được tưới tiêu cũng héo khô vì nắng. Chỉ mong sao sớm có mưa để chấm dứt tình trạng khô hạn này”, bà Chi nói. 

 Xã Trung Chính, huyện Nông Cống là một trong những xã có diện tích lúa bị thiếu nước lớn nhất huyện. Toàn xã gieo cấy hơn 400ha lúa vụ mùa, nhưng do hơn 1 tháng nay không có mưa, nắng nóng gay gắt kéo dài nên đến nay hơn 50% diện tích lúa gieo cấy trong tình trạng khô nẻ, thiếu nước. Nếu tình trạng hạn hán kéo dài thêm 5 - 7 ngày nữa, thì hàng trăm ha lúa sẽ bị khô cháy hoàn toàn.

Ông Lê Xuân Quế, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Chính, huyện Nông Cống cho biết: Nguồn nước tưới của địa phương phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống kênh Nam sông Chu và nguồn nước từ con sông Nhơm chảy qua. Tuy nhiên, hiện tại lượng nước tại các sông và kênh mương đều xuống dưới mực nước chết, nên công tác điều tiết nước rất khó khăn.

Việc dùng máy bơm dầu dã chiến cũng phải phụ thuộc vào thủy triều lên xuống thất thường của sông Nhơm. Tuy nhiên, giải pháp mang tính tạm thời này cũng không duy trì được lâu, vì nguồn nước để bơm truyền ở các mương nội đồng cũng đang dần cạn kiệt, nếu thời tiết khô hạn còn kéo dài.

Ông Nguyễn Anh Tuân, Trưởng phòng Quản lý công trình và nước sạch nông thôn - Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cho biết, để giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của hạn hán có thể xảy ra trên diện rộng, ngành Nông nghiệp tỉnh đang tổng kiểm kê nguồn nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Tiếp đó khoanh vùng các diện tích có nguy cơ bị hạn, không thể gieo cấy để có phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Phương án lắp máy bơm dã chiến chống hạn cũng được áp dụng. Trong đó, huyện Quảng Xương lắp 95 máy, huyện Như Xuân 59 máy, huyện Thạch Thành 17 máy, TP. Sầm Sơn 15 máy…; dù vậy, tình hình vẫn không được cải thiện hơn.

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.