Cánh tay nối dài
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, tính đến năm 2021, cả nước có 68.781 biên chế là người DTTS, chiếm 11,68% tổng số biên chế cả nước. Ở Trung ương, một số Bộ, ngành quan tâm bố trí, sử dụng cán bộ, công chức người DTTS trên 5% tổng số biên chế, số lượng người được giao, như Ủy ban Dân tộc (25,4%), Bộ Tư pháp (7,2%), Bộ Quốc phòng (6,69%), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (5,45%), Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (5,64%),....
Còn ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS hiện chiếm 14,53%, (nữ giới chiếm 49,2%) tổng số biên chế. Một số tỉnh có tỷ lệ người DTTS chiếm từ 10% đến trên 70% tổng dân số của tỉnh, đã thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định số 402/QĐ-TTg, ngày 14/3/2016, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới” (Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS chiếm từ 5%, 10%, 15%, 20% tổng số biên chế được giao).
Đi cùng với số lượng, chất lượng của đội ngũ cán bộ người DTTS cũng được nâng lên. Hàng vạn lượt cán bộ đã được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, kiến thức về tin học. Đội ngũ cán bộ người DTTS ngày càng được trẻ hóa, có trình độ chuyên môn, đa dạng về thành phần dân tộc. Đội ngũ cán bộ người DTTS ngày càng được trẻ hóa, có trình độ chuyên môn, đa dạng về thành phần dân tộc.
Tại Báo cáo số 855/BC-UBDT ngày 3/6/2022 về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, Ủy ban Dân tộc cho biết, hằng năm, các địa phương đều cử cán bộ, công chức, viên chức người DTTS đi đào tạo, bổi dưỡng để nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Ngoài kiến thức theo tiêu chuẩn ngạch công chức, hạng chức danh nghề nghiệp, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý thì đội ngũ cán bộ người DTTS, nhất là ở cơ sở, còn được trang bị, bồi dưỡng kiến thức dân tộc, tiếng DTTS, tôn giáo, quan hệ quốc tế, quốc phòng – an ninh vùng đồng bào DTTS, vùng biên giới; kiến thức cơ bản về tập hợp, vận động quần chúng;...
Với việc nâng lên cả về số lượng lẫn chất lượng, đội ngũ cán bộ người DTTS đã phát huy được vai trò là cánh tay nối dài của Đảng, Nhà nước ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Cán bộ người DTTS góp phần xây dựng và trực tiếp tổ chức cho Nhân dân, nhất là đồng bào DTTS thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đội ngũ cán bộ người DTTS tạo nên sự cân bằng, hài hòa về chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, tăng cường mối quan hệ, tạo dựng niềm tin của Nhân dân vùng đồng bào DTTS và miền núi đối với Đảng và Nhà nước.
Tăng cường bồi dưỡng
Quán triệt quan điểm của Đảng trong các văn kiện, nhất là Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 về công tác dân tộc (được tiếp tục thực hiện tại Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019), những năm qua, các cấp, ngành, địa phương đã quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người DTTS từng vùng, từng dân tộc… Đồng thời thường xuyên nghiên cứu sửa đổi tiêu chuẩn tuyển dụng, bổ nhiệm và các cơ chế, chính sách đãi ngộ cán bộ công tác ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Đặc biệt, thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc, ngày 14/3/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới” tại Quyết định số 402/QĐ-TTg (Đề án 402). Mục tiêu của Đề án 402 là xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ người DTTS có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, đạo đức, có trình độ năng lực nghiệp vụ, góp phần củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước.
Triển khai Đề án 402, hằng năm, Bộ Tài chính, đảm bảo kinh phí từ ngân sách nhà nước để triển khai các hoạt động, nhất là hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ người DTTS (năm 2017 là 5,5 tỷ đồng, năm 2018 là 5,5 tỷ đồng, năm 2019 là 11 tỷ đồng,...). Bộ Nội vụ được giao dự toán ngân sách để quản lý cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng chính sách thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài...
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng theo đánh giá của Bộ Nội vụ và Ủy ban Dân tộc, đội ngũ cán bộ người DTTS hiện vẫn còn thiếu và yếu, chưa đạt mục tiêu của Đề án 402 cũng như yêu cầu nhiệm vụ công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc trong tình hình mới. Điều này đòi hỏi cần tiếp tục phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng người DTTS, từ đó xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở cơ sở, tiếp tục củng cố tiềm lực an ninh quốc gia ở vùng phên giậu.
Nhằm thực hiện yêu cầu đó, Đề án Tổng thể và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 thiết kế hoạt động “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc; đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào DTTS và miền núi” (Tiểu dự án 2 – Dự án 5 của Chương trình MTQG 1719). Mục tiêu của chính sách là nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS và nâng cao chất lượng nhân lực vùng đồng bào DTTS và miền núi “vừa hồng, vừa chuyên”.
Để xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ người DTTS, ngoài kinh phí thực hiện Đề án 402, ngân sách nhà nước còn bố trí để các địa phương miền núi phía Bắc triển khai Đề án “Củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ dân tộc Mông trong hệ thống chính trị các xã địa bàn trọng yếu vùng Tây Bắc giai đoạn 2014 – 2018” theo Quyết định số 718/QĐ-TTg ngày 15/5/2014; các tỉnh Tây Nguyên triển khai Đề án “Tiếp tục củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên” theo Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 16/1/2014.