Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Cuộc “cách mạng” xóa nhà cột treo, kèo ná

Phạm Tiến - 06:55, 05/05/2024

Sau 4 năm triển khai, nội dung hỗ trợ nhà ở tại Dự án 1 thuộc Chương trình MTQG 1719 thực sự đã trở thành cuộc “cách mạng” xóa nhà cột treo, kèo ná. Ở các tỉnh Bắc Trung bộ, hàng ngàn hộ đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở đã “an cư” trong những ngôi nhà mới đủ tiêu chuẩn “3 cứng”.

Chị Đinh thị Bình (1982) ở thôn Thuận Hóa, xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình chia sẻ
Chị Đinh thị Bình (1982) ở thôn Thuận Hóa, xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình chia sẻ

An cư trong những ngôi nhà “3 cứng”

Chúng tôi về thôn Thuận Hóa của xã biên giới Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Căn nhà “3 cứng” của chị Đinh Thị Bình, sinh năm 1982, được hỗ trợ từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 vừa mới xây xong trong niềm phấn khởi của cả gia đình.

“Từ ngày ra ở riêng, vợ chồng con cái ở trong ngôi nhà cột treo kèo ná. Nay được nhà nước hỗ trợ tiền, lãnh đạo xã đứng ra nợ vật liệu nên gia đình có ngôi nhà mới để ở. Vợ chồng, con cái vui lắm”, chị Bình chia sẻ.

Được biết, khi Chương trình MTQG 1719 được triển khai, gia đình chị Bình thuộc diện được nhận hỗ trợ xây nhà theo Dự án 1. Cuối năm 2023, gia đình chị bắt tay vào xây dựng nhà ở. Với phương pháp “chồng thợ xây, vợ thợ phụ”, đến đầu năm 2024, ngôi nhà của gia đình chị Bình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Cùng ở xã Hóa Sơn, gia đình chị Cao Thị Liễu, ở thôn Đặng Hóa, cũng vừa mới dọn vào nhà mới. Được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng, gia đình chị vay thêm vốn vay ưu đãi để xây dựng ngôi nhà “3 cứng”.

Chỉ về phía ngôi nhà gỗ đơn sơ đã xếp vào mé vườn, chị Liễu nói: “đó, đó là căn nhà mà vợ chồng chị ở từ lúc ra riêng. Nay được Nhà nước hỗ trợ xây nhà kiên cố anh chị và các cháu vui lắm”.

Theo ông Đinh Văn Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn, toàn xã có 10 hộ gia đình được hưởng chế độ hỗ trợ nhà ở theo Chương trình MTQG 1719. Tính đến ngày 10/4/2024, trên địa bàn đã có 5 hộ gia đình hoàn thành xây dựng vào nhà mới

Cũng như xã Hóa Sơn của huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, ở các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi thuộc khu vực Bắc Trung bộ, hàng nghìn hộ nghèo đã và được “an cư” trong những ngôi nhà “3 cứng” từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình MTQG 1719. Như tại xã Tiền Phong, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An hiện trên địa bàn đã hoàn thành xây dựng và bàn giao nhà mới cho 73 hộ đồng bào DTTS; đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng 18 căn nhà và giải ngân nguồn vốn hỗ trợ nhà ở trong năm 2024.

Ông Lương Văn Phiên ở Bản Tạng, xã Tiền Phong đang tất bật “chồng xây, vợ phụ” ngôi nhà “3 cứng” của gia đình mình. Được hỗ trợ 40 triệu đồng từ Chương trình MTQG 1719, gia đình ông vay mượn thêm bà con 60 triệu đồng; phần công xây dựng, gia đình tự túc và được bà con hỗ trợ thêm. Sau hơn 2 tháng xây dựng, hiện ngôi nhà ông đang dần hoàn thiện.

Nhiều hộ đồng bào DTTS ở huyện Đakrông có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở đã và đang xây dựng nhà 3 cứng từ nguồn hỗ trợ
Nhiều hộ đồng bào DTTS ở huyện Đakrông có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở đã và đang xây dựng nhà 3 cứng từ nguồn hỗ trợ

Nhiều cách làm mới

Trong quá trình triển khai thực hiện nội dung hỗ trợ nhà ở tại Dự án 1, nhiều địa phương ở các tỉnh Bắc Trung Bộ đã có nhiều cách làm mang tính đột phá. Bên cạnh đó, tư duy người được thụ hưởng hỗ trợ nhà ở cũng thay đổi theo hướng chủ động hơn trước.

Tại Thừa Thiên Huế, theo kết quả rà soát, phê duyệt thì toàn tỉnh có 2.019 hộ đồng bào DTTS được thụ hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở tại Dự án 1. Điều đặc biệt là ngoài nguồn hỗ trợ 40 triệu theo quyết định 1719/QĐ-TTg, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế còn ban hành nghị quyết hỗ trợ thêm 20 triệu đồng cho mỗi hộ gia đình được thụ hưởng chính sách về hỗ trợ nhà ở tại Dự án 1.

Đây là cách làm mới, thể hiện rõ trách nhiệm của địa phương cùng đồng hành với chính sách dân tộc mà Đảng và Nhà nước ta triển khai. Cùng với đó, người thụ hưởng cũng có điều kiện hơn để xây nhà kiên cố vượt tiêu chí để sử dụng lâu dài.

Anh Hồ Văn Thứ, người Pa Cô, ở thôn A Tia 1, xã Hồng Kim, huyện A Lưới cho biết: “Được hỗ trợ 60 triệu đồng để xây dựng nhà mới, gia đình cũng đã tích lũy được 30 triệu đồng. Số tiền đó dùng để mua nguyên vật liệu, còn phần xây dựng gia đình tự túc. Đến nay ngôi nhà mới đã hoàn thành, an tâm rồi”.

Còn tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Phòng Dân tộc đã tham mưu cho UBND huyện phê duyệt mẫu nhà chung. Theo đó, địa phương tiến hành chọn mẫu, xây dựng 1 căn nhà hết 104 triệu đồng. Sau khi có kinh phí chi tiết, UBND huyện huy động các nguồn hợp pháp khác để bù phần thiếu hụt để đáp ứng cho hộ thụ hưởng chính sách xây nhà theo mẫu.

Cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, các hộ được thụ hưởng hỗ trợ xây nhà tại Dự án 1 cũng đã chủ động hơn để có nhà đạt và vượt tiêu chí. Có hộ gia đình đã vay mượn thêm, hộ thì tự xây dựng để giảm chi phí…..Cách hỗ trợ nhà tại Dự án 1 không bó cứng nguồn lực hỗ trợ 40 triệu, trái lại còn rất “mở” để các địa phương huy động thêm nguồn. Người nhận hỗ trợ cũng rộng của để thực hiện, chẳng hạn vay thêm vốn ưu đãi từ Nghị định 28, tự túc công xây dựng…

Chia sẻ về cái mới của chính sách hỗ trợ nhà ở trong Chương trình MTQG 1719, ông Võ Khánh Toàn, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Tiền Phong, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An cho biết: “Cái hay trong nội dung hỗ trợ nhà ở tại Dự án 1 là người thụ hưởng có thể chủ động huy động thêm vốn tự có hoặc vay nguồn vốn ưu đãi theo Nghị định 28 để xây nhà kiên cố. Ngoài ra, bà con có thể tự xây dựng để nhà “3 cứng” đủ và vượt tiêu chuẩn”.

Thực tế, Chương trình MTQG 1719 đã tạo ra động lực mạnh mẽ tác động tích cực đến đời sống của đồng bào các DTTS. Đặc biệt, ở nội dung hỗ trợ nhà ở tai Dự án 1, đã giúp cho hàng ngàn hộ đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở có nơi an cư “3 cứng”. Sau 4 năm thực hiện, nội dung hỗ trợ nhà ở tại Dự án 1 đã trở thành cuộc “cách mạng” xóa nhà cột treo kèo ná trong vùng đồng bào DTTS ở các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Tin cùng chuyên mục
Vượt qua đau thương hướng tới “làng hạnh phúc”

Vượt qua đau thương hướng tới “làng hạnh phúc”

Với sự hỗ trợ của Trung ương, địa phương và toàn xã hội; khu tái định cư Làng Nủ, xã Phúc Khánh, Huyện Bảo Yên (Lào Cai) đang dần hồi sinh sau thiên tai, vượt qua đau thương hướng tới “làng hạnh phúc”.