Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Cuộc “cách mạng” xóa nhà tạm ở Quảng Trị từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719

Phạm Tiến - 19:44, 07/06/2024

Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) đã dành một nguồn lực rất lớn để giải quyết những vấn đề cấp thiết ở vùng đồng bào DTTS và miền núi trong cả nước nói chung, vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Trị nói riêng. Sau gần 4 năm thực hiện, nội dung hỗ trợ nhà ở tại Dự án 1 của Chương trình đã trở thành cuộc “cách mạng” giải quyết vấn đề cấp thiết về nhà ở cho những hộ khó khăn.

(Bài CĐ): Chương trình MTQG 1719- Cuộc “cách mạng” xóa nhà tạm ở Quảng Trị
Gia đình bà Hồ Thị Múa ở thôn Đồng Đờng, xã Mò Ó, Hướng Hóa (Quảng Trị) được an cư trong ngôi nhà “3 cứng” từ nguồn hỗ trợ của Chương trình MTQG 1719

Vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Trị có hơn 192.000 người, trong đó đồng bào DTTS có gần 95.000 người. Phần lớn, đồng bào DTTS sống tập trung ở hai huyện Hướng Hóa, Đakrông. Số còn lại sinh sống ở một số xã vùng miền núi các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Trị là 49,51% (chuẩn nghèo mới theo Nghị định 07/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ). Cùng với tỷ lệ hộ nghèo cao, là thực trạng số hộ đồng bào sinh sống trong nhà tạm, nhà chưa đạt chuẩn khá nhiều.

Theo đó, Chương trình MTQG 1719 được triển khai thực hiện, là nguồn lực quan trọng để tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sinh kế, giải quyết những vấn đề cấp bách như nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt ... trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, giúp đồng bào ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.

Theo kế hoạch ngân sách, trong giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Quảng Trị được Trung ương phân bổ là gần 1.479 tỷ đồng để thực hiện Chương trình MTQG 1719. Trên cơ sở nguồn vốn này, tỉnh Quảng Trị đã phân bổ trên 217 tỷ đồng để thực hiện nội dung hỗ trợ nhà ở tại Dự án 1. Qua đó, sẽ có trên 3.000 ngôi nhà “3 cứng” được hỗ trợ xây dựng để bàn giao cho hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở tại vùng DTTS và miền núi.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị, việc  hỗ trợ nhà ở được các địa phương triển khai nhanh và hiệu quả. Tính lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được trên 1.000 nhà “3 cứng”. Hiện nay, các địa phương có đối tượng được thụ hưởng đang tích cực giải ngân, sớm hoàn thành Dự án 1 trong nội dung hỗ trợ về nhà ở. 

Tỉnh Quảng Trị cũng đã đặt ra mục tiêu, cùng với Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, nguồn hỗ trợ từ Mặt trận tổ quốc, phấn đấu đến 2026, trên địa bàn toàn tỉnh không còn có hộ dân sống trong nhà tạm.

(Bài CĐ): Chương trình MTQG 1719- Cuộc “cách mạng” xóa nhà tạm ở Quảng Trị 1
Ông Hồ Văn Long và bà Hồ Thị Phu ở thôn Xi Núc, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa bên ngôi nhà mới được hỗ trợ xây dựng từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719

Được hỗ trợ làm nhà ở từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719, gia đình ông Hồ Văn Long và bà Hồ Thị Phu, ở thôn Xi Núc, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa hôm nay đã được dọn về ngôi nhà kiên cố. Thuộc diện hộ nghèo của địa phương, trước đây, gia đình 4 người của ông bà phải sống trong ngôi nhà tạm bợ, xuống cấp nên sinh hoạt, cuộc sống rất khó khăn. Trước căn nhà mới, ông bà Long phấn khởi, nhiều lần nhắc cảm ơn sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương đã giúp ông bà làm lại căn nhà, nhờ đó mà cuộc sống của gia đình đã bớt khổ.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Thạch - Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Hướng Hóa cho biết: “Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện được phân bổ 18,93 tỷ đồng để thực hiện nội dung hỗ trợ nhà ở tại Dự án 1, Chương trình MTQG 1719. Trong năm 2023, huyện cũng đã thực hiện rà soát, phê duyệt hộ hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho 473 hộ”.

Sau gần 4 năm thực hiện Chương trình MTQG 1719, vùng DTTS và miền núi Quảng Trị đã có nhiều khởi sắc
Sau gần 4 năm thực hiện Chương trình MTQG 1719, vùng DTTS và miền núi Quảng Trị đã có nhiều khởi sắc

Tại huyện Đakrông, gia đình anh Hồ Văn Giang, hộ nghèo ở thôn Phú Thiềng, xã Mò Ó,  cũng được hỗ trợ xây dựng nhà ở thuộc Chương trình MTQG 1719. Vợ chồng anh tự bỏ công ra xây nhà nên tiết kiệm được nhiều chi phí. Hiện căn nhà đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Anh Giang vui vẻ cho biết, giờ có nhà ở khang trang, vợ chồng anh sẽ đầu tư thời gian phát triển kinh tế, nuôi các con ăn học đầy đủ hơn. Có nhà ở kiên cố, gia đình anh Giang đã làm đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo ở xã.

Không riêng gì hộ gia đình anh Giang, toàn huyện Đakrông đã có 247 hộ gia đình được hưởng lợi, có nhà “3 cứng” từ Chương trình MTQG 1719 để an cư. Có được nơi ở kiên cố, các hộ yên tâm lao động sản xuất từng bước vươn lên thoát nghèo.

Ông Lê Đại Lợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện, kịp thời phát hiện và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm các chính sách phát huy hiệu quả”.

Sau gần 4 năm triển khai Chương trình MTQG 1719, đã tạo ra được động lực mạnh mẽ để vùng DTTS và miền núi Quảng Trị phát triển toàn diện. Nổi bật là nội dung hỗ trợ nhà ở tại Dự án 1 đã trở thành cuộc “cách mạng” xóa nhà tạm trong vùng DTTS. Bên cạnh đó, nhiều trường học, nhà văn hóa thôn bản….và đường giao thông được nâng cấp, xây mới đã làm cho diện mạo nông thôn miền núi ở Quảng Trị thay da đổi thịt.  

Tin cùng chuyên mục
Triển khai hiệu quả các Chương trình MTQG ở Gia Lai: Rà soát, phân nhóm các dự án để tháo gỡ vướng mắc (Bài 2)

Triển khai hiệu quả các Chương trình MTQG ở Gia Lai: Rà soát, phân nhóm các dự án để tháo gỡ vướng mắc (Bài 2)

Mặc dù, từ nguồn lực của các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) đã giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Gia Lai có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai nhiều nội dung, dự án thành phần của các Chương trình còn tồn tại những vướng mắc, bất cập dẫn đến nguồn vốn giải ngân còn thấp. Theo đó, tỉnh Gia Lai cũng đã đánh giá thực trạng, đặt ra mục tiêu cùng với những giải pháp căn cơ nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đảm bảo chính sách ban hành kịp thời đi vào cuộc sống.