Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Cuộc sống mới của đồng bào Tà Rẻ nhìn từ nhà rông

PV - 10:02, 17/01/2018

Trong quan niệm của đồng bào Tà Rẻ (một nhánh dân tộc Xơ Đăng) ở Kon Tum, nhà rông là không gian linh thiêng nhất buôn làng, nơi thần linh trú ngụ mà nếu không có nhà rông thì không thể gọi là làng được. Vì vậy, dù trong hoàn cảnh nào, gian khổ đến mấy đồng bào Tà Rẻ cũng phải dựng được nhà rông làm nơi sinh hoạt văn hóa, tổ chức lễ hội của buôn làng, nơi neo giữ hồn làng.

Nhà rông của đồng bào Tà Rẻ luôn được dựng ở vị trí trung tâm đẹp nhất làng. Nhà rông của đồng bào Tà Rẻ luôn được dựng ở vị trí trung tâm đẹp nhất làng.

 

Ngôi nhà rông cao sừng sững nằm ở vị trí trung tâm của làng Xốp Dùi, xã Xốp, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum là nơi linh thiêng nhất đối với đồng bào Tà Rẻ nơi đây. Nhà rông được thiết kế theo truyền thống của người Tà Rẻ, dài 12 mét, rộng 7 mét, cao 12 mét, có 7 cột chính, và 28 cột phụ, cửa 2 bên hông nhà, phía trước là khuôn viên rộng, thoáng. Ngôi nhà sử dụng toàn bộ vật liệu truyền thống như cột gỗ, cỏ tranh, tre, nứa, dây mây.

Già làng A Cố cho biết: Nhà rông là không gian linh thiêng, hồn cốt của buôn làng nên dù lưu lạc đến đâu, trong kháng chiến gian khó hay lưu lạc rừng sâu làng chúng tôi vẫn dựng được nhà rông. Sau giải phóng, cả làng xuống núi thì việc đầu tiên là dựng nhà rông.

Năm 2009, một cơn bão quét qua đã làm nhà rông hư hỏng, dột nát nhưng dân làng không có điều kiện sửa chữa hay làm mới. Các ngày lễ của làng đều phải mượn sân trường học để tổ chức, không khí tẻ nhạt, ăn uống xong ai về nhà nấy, không có bếp lửa hồng, vắng những đêm xoang rộn rã. Sau nhiều lần bàn bạc, được sự đồng ý của chính quyền, người dân làng Xốp Dùi nhất trí dựng lại nhà rông để “thần linh có nơi ở khang trang” mang lại bình yên, no ấm cho buôn làng. Giữa năm 2017, người dân Xốp Dùi chuẩn bị nguyên vật liệu dựng nhà rông.

Ngôi nhà rông truyền thống của người Tà Rẻ ở xã Xốp. Ngôi nhà rông truyền thống của người Tà Rẻ ở xã Xốp.

 

Theo phong tục, nhà Rông được mọi người trong buôn làng cùng nhau xây dựng, phân công nhau mỗi người, mỗi tổ một công việc. Từ việc tìm gỗ là trụ cột, lồ ô làm vách và sàn, lá mây hoặc cỏ tranh lợp trên mái, dây mây để buộc mối, buộc lá mây hoặc cỏ tranh thành tấm để lợp mái. Quy trình dựng nhà Rông tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của cộng đồng buôn làng và chứa đựng nhiều yếu tố tâm linh.

Trước khi dựng nhà rông, cả làng cùng nhau chuẩn bị nguyên vật liệu vài tháng, già làng đích thân dẫn nhóm trai làng vào rừng tìm gỗ, phân công tổ lấy lồ ô, dây mây, cỏ tranh. Khi vật liệu tập kết đủ đầy, già làng làm lễ cúng và tất cả mọi người trong làng cùng nhau dựng nhà rông. Già làng là người trực tiếp giám sát, chỉ huy dân làng để đảm bảo hiệu quả thẩm mỹ theo kiến trúc truyền thống, phân công trách nhiệm cho từng hộ dân đóng góp công sức, tìm vật liệu và tiền của.

“Làm nhà rông không thể tính toán được giá trị vật chất vì để dựng nhà rông, toàn thể dân làng đều góp công, góp sức cả. Từ người già đến trẻ em, ai cũng tự thấy phần trách nhiệm của mình trong đó và tự giác thực hiện”, già làng A Cố chia sẻ.

Trước đây, người Tà Rẻ ở Xốp Dùi thường đâm trâu để cúng thần linh, cầu thần linh phù hộ cho dân làng khỏe mạnh, gia súc không bị dịch bệnh, lúa nhiều bông, chắc hạt; cúng trừ tà, đuổi ma... Sau đó sẽ mang đầu trâu vào nhà rông treo lên vách với sự đồng ý của già làng. Mức độ giàu có của làng được nhìn qua số lượng đầu trâu treo trong nhà rông, càng nhiều thì càng chứng tỏ làng ấy giàu có. Nhưng nay, trong nhà rông mới không còn đầu trâu nữa.

Đồng bào Tây Nguyên tổ chức lễ hội trước sân nhà rông. Đồng bào Tây Nguyên tổ chức lễ hội trước sân nhà rông.

 

Trưởng thôn A Đoan chia sẻ: Khi khánh thành nhà rông mới, già làng đã làm lễ cúng bỏ đầu trâu và mang hết những đầu trâu đó vào rừng rồi. Bây giờ Xốp Dùi đã đổi mới nhiều, đời sống no ấm. “Ngày mừng nhà rông mới, dân làng cũng không tổ chức đâm trâu linh đình như những làng khác, mà trong làng, nhà nào có gì thì góp nấy, sau đó tập trung đến nhà rông, già làng cúng thần linh xong, mọi người cùng nhau tập trung uống rượu chung vui”.

Xã Xốp hiện có 435 hộ, với 1.585 nhân khẩu thì có đến có 99% người dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Tà Rẻ. Trước đây, đồng bào Tà Rẻ còn tồn tại nhiều hủ tục, cuộc sống khó khăn, nhưng nay mọi thứ đã thay đổi, đời sống của người dân được nâng cao, số hộ nghèo liên tục giảm. Đặc biệt, bà con đã không còn tin chuyện ma rừng bắt người nữa, đau ốm thì đi Trạm xá xã, ra Bệnh viện huyện khám bệnh lấy thuốc, nên không còn mất trâu cúng đuổi ma, chỉ khi nào có lễ lớn, mới đâm trâu cúng thần linh thôi.

Niềm vui của bà con Xốp Dùi nhân lên khi UBND xã quyết định lồng ghép nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ 30 triệu đồng để làm sân thể thao trong khuôn viên nhà rông.

LÊ HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục
Đặt tên âm và lên đèn – Nghi thức quan trọng trong lễ Cấp sắc của người Dao

Đặt tên âm và lên đèn – Nghi thức quan trọng trong lễ Cấp sắc của người Dao

Lễ Cấp sắc là nghi lễ thể hiện nhân sinh quan, tín ngưỡng, văn hóa của người Dao. Trong đó, “đặt tên âm và lên đèn” là một trong những nghi thức rất quan trọng, khi đó người thụ lễ được đặt pháp danh (tên âm). Sau khi trải qua nghi lễ này, người đàn ông Dao được công nhận là con cháu Bàn Vương, được trao quyền làm thầy, được cấp âm binh và được thờ cúng tổ tiên.