Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Cuộc sống mới của đồng bào Vân Kiều dưới chân dãy Trường Sơn

Khánh Ngân - 16:33, 19/08/2021

Dưới dãy Trường Sơn, vẫn núi rừng ấy, vẫn những mảnh đất khô cằn xưa, nhưng nhờ đổi thay ở cách nghĩ, cách làm với khát vọng vươn lên, đồng bào Bru Vân Kiều nơi đây đã không chỉ thoát nghèo, mà đang từng ngày tích lũy làm giàu.

Khu nhà ở cho 34 hộ dân Vân kiều ở bản Sắt, xã Trường Xuân
Khu dân cư ở bản Sắt, xã Trường Xuân

An cư mới lạc nghiệp

Chúng tôi có dịp về thăm xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) trong những ngày đầu Thu. Thời tiết đang dần dịu mát, giao thông tương đối thuận tiện làm cho quãng đường dài ngược dãy Trường Sơn trùng điệp đến xã trở nên gần gũi hơn.

Trường Sơn là một xã vùng cao biên giới, có diện tích tự nhiên hơn 77.427 ha, chiếm 2/3 diện tích tự nhiên toàn huyện Quảng Ninh. Toàn xã có 4 thôn và 15 bản, trong đó dân tộc Bru Vân Kiều chiếm 61,4% dân số của xã. Nhiều năm qua, từ những chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào DTTS, nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, xã Trường Sơn như đã khoác lên chiếc áo mới, tươi sáng hơn.

Ngang qua bản Sắt, chúng tôi chứng kiến hình ảnh những công nhân đang gấp rút thi công để sớm hoàn thành phần việc còn lại của công trình tái định cư cho 34 hộ đồng bào Bru Vân Kiều ở bản Sắt, thuộc đối tượng di dời khỏi vùng nguy hiểm sạt lở, có thể an tâm  vào nhà mới trước mùa mưa bão năm 2021. 

Từ bản Sắt, chúng tôi tìm đến bản Khe Ngang, bản có hơn 80% dân số là người Bru Vân Kiều sinh sống. Cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho đời sống sinh hoạt như, đường giao thông về thôn bản, trường học, điện đã được đầu tư cơ bản.

Gặp chị Hồ Thị Hoa ngay chân bậc thang ngôi nhà mới, chị Hoa xởi lởi “Có được ngôi nhà kiên cố, vợ chồng miềng chịu khó phát triển chăn nuôi, gieo trồng”.

Từ khi an cư lạc nghiệp, ổn định sản xuất, có điều kiện phát triển kinh tế, đồng bào Bru Vân Kiều nơi đây, đã tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật và trồng trọt, chăn nuôi để vươn lên làm giàu.

Người Vân Kiều ở xã Trường Xuân trồng cỏ chăn nuôi bò
Đồng bào Vân Kiều ở xã Trường Xuân trồng cỏ chăn nuôi bò

Ngược lên đỉnh Trường Sơn, hướng về vùng đất biên giới của Tổ quốc, chúng tôi có mặt tại trung tâm xã Trường Xuân. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Nhì, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân cho biết: Xã có 62% dân số là người Bru Vân Kiều sinh sống. Nếu trước đây, người dân Trường Xuân sống chủ yếu vào nghề đi rừng, duy trì tập quán du canh, du cư thì từ năm 2018, khi Chính phủ có chủ trương đóng cửa rừng, người dân đã thay đổi thói quen canh tác, sinh sống. Thật phấn khởi, hiện nay 100% người Bru Vân Kiều đã có nhà “an cư”, tập trung sản xuất để ổn định đời sống. Đã có nhiều hộ sản xuất, chăn nuôi giỏi vươn lên làm giàu, là tấm gương cho các hộ khác noi theo. 

"Không những thế, đồng bào Bru Vân Kiều còn mạnh dạn xuất ngoại để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Hiện toàn xã Trường Xuân đã có hơn 100 người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài’’, Chủ tịch xã thông tin thêm.

Khát vọng đã thành hiện thực!

Đồng bào Bru Vân Kiều ở hai xã Trường Sơn và Trường Xuân đã thay đổi  tư duy, bằng ý chí và nỗ lực của chính mình, vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Những ngôi nhà mới khang trang, những mảnh vườn được trồng trọt quy củ. Riêng sản xuất lương thực vụ Đông Xuân năm 2021, toàn xã Trường Xuân đạt được hơn 418 tấn; xã Trường Sơn được hơn 120 tấn... hoàn toàn chủ động được nguồn lương thực cho Nhân dân. 

Ghé nhà anh Hồ Học ở xã Trường Xuân, trước mắt chúng tôi là ngôi nhà khang trang bên cạnh ngôi nhà sàn truyền thống của người Bru Vân Kiều. Nhà anh Hồ Học hiện nuôi hàng chục con trâu bò. Riêng việc trồng cỏ cho trâu bò ăn là cả một bước đột phá.

Đường làng, ngõ xóm đã được bê tông hóa , điện cũng được kéo về bản
Đường làng, ngõ xóm đã được bê tông hóa , điện cũng được kéo về bản

Trước đây, như bao hộ dân Bru Vân Kiều khác, anh Hồ Học cũng chỉ nuôi trâu bò kiểu thả rông, được chăng hay chớ. Từ khi tham dự các lớp tập huấn chăn nuôi của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ xã, cùng Dự án Plan hỗ trợ các hộ dân trong bản trồng cỏ nuôi bò, hộ như anh Hồ Học mới làm chuồng trại, lấy cỏ giống về trồng. Trâu bò lại được hỗ trợ tiêm phòng thường xuyên nên không lo bị chết vì dịch bệnh, lại có thêm nguồn phân chuồng tăng gia sản xuất bón cho 2ha cao su trồng năm ngoái và 8ha keo nhà anh Hồ Học trồng đã 3 năm tuổi.

Minh chứng cho ý chí vươn lên thoát nghèo và làm giàu của người Bru Vân Kiều nơi đại ngàn Trường Sơn, còn có hộ nhà anh Hồ Văn Quý, ở bản Cổ Tràng, xã Trường Xuân. Khi được hỏi, anh cười hồn hậu: “Trong mơ nhà tôi cũng không nghĩ sẽ nuôi được hàng chục con lợn, gần chục con trâu bò, cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu như hiện nay. Mặc dù có cán bộ hướng dẫn trực tiếp, Đảng và Nhà nước hỗ trợ nhiều, nhưng nếu gia đình tôi không nỗ lực, trăn trở, siêng năng thì chắc chắn không làm được”…