Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Sông Đa Krông mùa nước cạn

Khánh Ngân - 18:28, 04/08/2021

Mùa khô, dòng Đa Krông cạn nước hiền như một con giun đất, nằm trơ đáy, trắng bạc giữa màu xanh mướt của rừng Trường Sơn. Nhiều nhà máy thủy điện ngừng hoạt động, đồng bào người Tà Ôi, Pa Cô trên đỉnh Trường sơn cũng chịu cảnh thiếu nước kéo dài.

Dòng Đa Krông cạn trơ đáy, hiền như một con giun đất, trắng bạc giữ nền xanh mướt rừng Trường Sơn
Dòng Đa Krông cạn trơ đáy, hiền như một con giun đất, trắng bạc giữ nền xanh mướt rừng Trường Sơn

Thủy điện “khát”

Sông Đa Krông bắt nguồn ở vùng động A Pong, ở phía đông Trường Sơn, thuộc địa phận huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, gần biên giới Việt- Lào. Chảy hướng Nam- Bắc, đến chân đèo Khe Sanh (huyện Đa Krông, tỉnh Quảng Trị), thì nhập vào dòng Rào Quán, mở rộng lòng sông. Từ đây về xuôi, người Kinh gọi là dòng Thạch Hãn. 

Trên đường về xuôi, Đa Krông len lỏi, uốn mình giữa các sườn núi cao, nhận thêm nước ở nhiều khe, suối đổ vào nhập dòng. Sông Đa Krông có độ dốc cao, lưu lượng nước nhiều. Có lẽ vì thế mà đã có đến bốn nhà máy thủy điện được xây dựng trên sông để bắt sức nước sinh ra điện. Nhưng vào mùa khô, các nhà máy thủy điện này cũng “khát”.

Từ cuối dòng Đa Krông, nơi có nguồn nước dồi dào nhất của dòng sông mùa cạn, Nhà máy thủy điện Đa Krông 1 cũng đang "thất nghiệp", tua bin thong thả nghỉ quay. Nhà máy thủy điện Đa Krông 1 có công suất 12MW, được xây dựng và hòa vào lưới điện quốc gia vào năm 2018. Với 2 tổ máy, sản lượng điện trung bình hàng năm 45,65 triệu kWh. 

Thế nhưng nhiều tháng nay, thủy điện Đa Krông 1 không còn đủ nước để sản hết công suất. Nhà máy chỉ hoạt đồng cầm chừng, tích góp nước phát điện vào giờ cao điểm.

Những tảng đá to như những con trâu đầm lộ ra, lăn lóc cả lòng sông. Ngược dòng Đa Krông theo con đường huyền thoại Hồ Chí Minh, có đoạn đường và sông nằm kề bên nhau, song hành đi qua những thung lũng Trường Sơn. Đoạn lại rời nhau, sông đi duới chân núi, đường lại lên đến đỉnh mây phủ. Phóng tầm mắt, phía dưới là những bản làng người Pa Cô - Vân Kiều, Tà Ôi nằm tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, nhìn ra dòng Đa Krông khô cạn, trơ đáy.

Đến thôn Xa Lăng, xã Đa Krông, nơi Nhà máy thủy điện Đa Krông 2 đã được xây dựng năm 2012, hoàn thành hòa vào lưới điện năm 2013. Với công suất thiết kế 18MW, nhưng cũng chung tình trạng hoạt động cầm chừng vì thiếu nước. Không riêng gì 2 nhà máy thủy điện này, Nhà máy thủy điện Đa Krông 3, Đa Krông 4 cũng chung tình trạng thiếu nước để sản xuất điện.

Ông Lê Văn Chỉ Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Đa Krông, tỉnh Quảng Trị, cho biết: “Mùa khô, từ tháng 3- 7 âm lịch hàng năm, 4 nhà máy thủy điện Đa Krông1 đến Đa Krông 4 không hoạt động hết công suất do thiếu nước. Các nhà máy này chỉ hoạt động được mỗi ngày vài tiếng đồng hồ vào giờ cao điểm”.

Thiên nhiên kể cũng lạ, sinh ra mùa khô, mùa mưa để cho sự đối lập thiếu – thừa trên dòng Đa Krông khó lòng đoán định. Mùa mưa thì hung dữ, nước chảy ào ào làm cho thủy điện phải xả lũ, không ít phen dân phải chạy lao đao. Mùa khô thì trơ đáy, mặc cho thủy điện chờ đợi vì “khát”. 

Đồng bào người Pa Cô, Tà Ôi và cả người Chứt cũng chịu cảnh thiếu nước trong trồng trọt, thiếu cả nước sinh hoạt. Vượt lên dốc Mèo, rồi qua bên kia Đèo E Ke là địa phận huyện A Lưới, dòng Đa Krông cũng cạn trơ đáy, người Pa cô, người Tà Ôi cũng khát…

Người dân cũng khát

Đa Krông là dòng sông lớn nhất ở phía đông Trường Sơn, chảy xuyên qua những bản làng người Tà Ôi, người Pa Cô trên đỉnh Trường Sơn để về xuôi. Cuộc sống của đồng bào, từ nước ăn, nơi tắm giặt; từ con cá, con cua đến chiếc độc mộc đi lại, tất cả đều gắn liền với con nước dòng Đa Krông. Mỗi con người, mỗi bản làng vùng cao, dòng Đa Krông trở thành một phần không thể thiếu, một niềm yêu thương, một niềm ước vọng tươi đẹp cho cuộc sống. Thế nhưng, mùa khô sông cạn trơ đáy, mặc cho đồng bào khát!.

Nhà máy thủy điện Đa Krông 1 không thể hoạt động đủ công suất do thiếu nước
Nhà máy thủy điện Đa Krông 1 không thể hoạt động đủ công suất do thiếu nước

Anh Hồ Núi, dân tộc Pa Cô, ở xã A Ngo huyện Đa Krông (Quảng Trị) chia sẻ “Mùa khô năm nào dòng sông này cũng cạn nước, bà con hầu như là thiếu nước sinh hoạt, khoan giếng thì nhà có nước nhà không vì khô hạn, nắng nóng như mấy hôm nay, thì không có nước để dùng. Hầu hết các bản làng hai bên sông đều như vậy cả”.

Đa Krông chảy qua 9 xã của huyện Đa Krông, trong đó xã A Bung, A Ngo và xã Tà Rụt có 100% dân số là người Pa Cô. Qua dốc Mèo, Vượt đỉnh Đèo E Ke, là qua địa phận xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế. 

Thượng nguồn dòng Đa Krông dường như còn khô cạn hơn. Không chỉ sông Đa Krông những dòng khe, suối cung cấp nước vào các công trình nước tự chảy cho người dân sinh hoạt cũng khô cạn. Nhiều công trình thủy lợi phục vụ nước tưới tiêu trong trồng trọt  cũng không còn phát huy tác dụng. 

Hầu hết bà con sống hai bên bờ sông Đa Krông đều là người dân tộc thiểu số. Nhiều năm qua, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ bà con chống hạn như khoan giếng, tặng bồn chứa nước I-nốc… nhưng do nắng nóng kéo dài, mức ngầm xuống thấp nên giếng cũng không đủ nước.

Ông Thái Ngọc Châu, Chủ tịch UBND huyện Đa Krông, cho biết: Chính quyền cũng đã hỗ trợ bà con khoan giếng để có nước sinh hoạt, tuy nhiên do thời tiết ngày càng biến đổi khó lường nên những tháng nắng nóng vẫn thiếu nước sinh hoạt. Về sản xuất nông nghiệp, huyện đã có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ những nơi đây để bà con yên tâm sinh sống…

Vẫn biết, dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng đồng bào Pa Cô, Vân Kiều nơi đây vẫn luôn gắn bó với mảnh đất quê hương, cũng giống như bao đời gắn bó thủy chung với dòng Đa Krông.

Trên đỉnh đèo E Ke nhìn về phía Nam, dòng Đa Krông chạy ngoằn nghèo qua những bản làng người Pa Cô ở xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, Tỉnh Thừa Thiên Huế, qua gần 100km ngược sông, lên đến vùng đầu nguồn, dòng Đa Krông chỉ còn như một sợi chỉ bạc, phơi mình trắng xóa…

 Người dân nơi đây đang thấp thỏm chờ những cơn mưa đầu mùa!.

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Ở tuổi 60, nhưng ngay từ thuở 15, 16, ông Kha Văn Hưng đã say mê với nhạc cụ truyền thống dân tộc Thái của mình. Bao năm qua, ông dành biết bao tâm sức học hỏi để sử dụng, chế tác được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào. Điều ông Hưng trăn trở, mong mỏi nhất là thế hệ trẻ trong bản tiếp nối truyền thống cha ông để giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.