Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Đà Bắc (Hòa Bình): Thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng từ tiềm năng văn hóa dân tộc

Thúy Hồng - 03:59, 23/11/2023

Mặc dù lĩnh vực du lịch cộng đồng được đánh giá là “sinh sau, đẻ muộn” so với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, song nhờ lưu giữ, bảo tồn được nhiều nét văn hóa đặc trưng, Đà Bắc đã có tên trên bản đồ du lịch của cả nước. Những bản du lịch cộng đồng ở Đà Bắc đã khẳng định được sức hút đối với du khách trong và ngoài nước.

Không gian văn hóa đặc sắc của đồng bào Dao tiền ở làng du lịch cộng đồng xóm Sưng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc
Không gian văn hóa đặc sắc của đồng bào Dao tiền ở làng du lịch cộng đồng xóm Sưng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc

Huyện Đà Bắc có các điểm du lịch cộng đồng tại các xóm: Ké - xã Hiền Lương; Đức Phong, Đoàn Kết - xã Tiền Phong và xóm Sưng - xã Cao Sơn. Sự phát triển du lịch không chỉ cải thiện thu nhập, mà còn là động lực để bà con người Dao Tiền nơi đây bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Dù mới được hình thành và phát triển từ năm 2017, nhưng Làng du lịch cộng đồng xóm Sưng xã Cao Sơn đã thu hút rất nhiều du khách nước ngoài tới thăm quan, trải nghiệm. Đây là nơi sinh sống của đồng bào Dao Tiền tại huyện Đà Bắc. Với vị trí định cư ngay trong lòng núi Biều, nơi có những tán rừng cổ thụ ôm ấp nên đến Sưng là cảm nhận được bầu không khí trong lành, mát mẻ. Bản của đồng bào Dao đã trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế.

Nhận thấy tiềm năng lớn để phát triển du lịch cộng đồng, chính quyền địa phuơng đã đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang. Bà con người Dao đã chỉnh trang, cải tạo những căn nhà trệt truyền thống, khôi phục các nghề truyền thống như nghề làm giấy Dó, nghề dệt thổ cẩm truyền thống…

Trang phục thổ cẩm truyền thống của dân tộc Dao tiền
Trang phục thổ cẩm truyền thống của dân tộc Dao tiền

Chị Lý Thị Thiên cho biết: Từ khi phát triển du lịch, được dự án hỗ trợ, xóm đã thành lập nhóm thổ cẩm với 12 thành viên. Để làm ra một bộ trang phục truyền thống mất khá nhiều thời gian, với nhiều công đoạn. Để tạo màu chàm, chị em phải đi lấy lá chàm, ngâm lá chàm để lấy cốt chàm nhuộm vải, rồi mới đến công đoạn vẽ hoa văn bằng sáp ong lên vải. 

“Nghề dệt thổ cẩm không chỉ giúp chúng tôi dệt nên trang phục đẹp cho các thành viên trong gia đình, mà hoạt động này còn để tạo không gian trải nghiệm, hấp dẫn du khách khi đến với xóm Sưng”, chị Thiên cho biết.

Theo chị Thiên, du lịch đã làm thay đổi bộ mặt của xóm, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay, gia đình chị Thiên và nhiều hộ đã đăng ký làm dịch vụ lưu trú để tạo sinh kế, ổn định đời sống.

Nghề dệt thổ cẩm không chỉ giúp chúng tôi dệt nên trang phục đẹp cho các thành viên trong gia đình, các công đoạn để làm ra một bộ trang phục tạo không gian trải nghiệm, hấp dẫn du khách
Nghề dệt thổ cẩm không chỉ giúp chúng tôi dệt nên trang phục đẹp cho các thành viên trong gia đình, các công đoạn để làm ra một bộ trang phục tạo không gian trải nghiệm, hấp dẫn du khách

Đặc biệt nhất khi đến với điểm du lịch cộng đồng xóm Sưng, du khách sẽ được tìm hiểu về nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Dao tiền,  qua lớp dạy chữ nôm Dao do các vị cao niên trong xóm truyền dạy lại cho lớp trẻ.

Ông Lý Hồng Minh, xóm Sưng, xã Cao Sơn cho biết: Lớp học dạy chữ Nôm - Dao đã được mở nhiều năm nay để giúp con cháu biết về chữ viết, hiểu văn hóa của dân tộc mình cũng như đạo lý làm người, hướng đến cái thiện, tránh xa những điều ác. Từ đó, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là nền tảng để phát triển du lịch cộng đồng.

Cùng với duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm, làm thuốc nam, bà con xóm Sưng còn khôi phục được nghề làm giấy dó. Nhờ những nét văn hóa truyền thống còn lưu giữ được mà xóm Sưng đã tạo được ấn tượng tốt trong lòng du khách.

Văn hóa ẩm thực đặc sắc của đồng bào Dao tiền
Văn hóa ẩm thực đặc sắc của đồng bào Dao tiền

Ngoài xóm Sưng, các xóm du lịch cộng đồng khác trên địa bàn huyện Đà Bắc cũng đang nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ du khách ngày một tốt hơn. Trong đó, việc khôi phục, bảo tồn văn hóa truyền thống là yếu tố quan trọng để thúc đẩy du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Bà Đinh Thị Yệu, một trong những người tiên phong làm du lịch cộng đồng ở xóm Đá Bia, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc chia sẻ: Trước đây, Đá Bia là một xóm nhỏ với vài chục hộ dân. Khi chưa có đường nơi đây là một ốc đảo biệt lập bởi núi rừng và sông nước. Đến đây chỉ duy nhất đi bằng thuyền trên lòng hồ sông Đà. Đường bộ vào xóm mới có 3 - 4 năm nay. Do vậy, Đá Bia vẫn còn giữ nguyên những nét mộc mạc, hoang sơ, không bụi bặm, không ồn ào trở thành một điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn với du khách.

Chữ nôm Dao được viết trên giấy dó, nét văn hóa đặc sắc của người Dao tiền
Chữ nôm Dao được viết trên giấy dó, nét văn hóa đặc sắc của người Dao tiền

Chia sẻ trải nghiệm tại xóm Đá Bia, anh Bùi Văn Cường, cho biết: Tôi thực sự bất ngờ trước vẻ đẹp của xóm Đá Bia. Tôi và gia đình đã được tận hưởng một không gian thoáng đãng, được bà con tiếp đón nồng hậu, chân tình và được thưởng thức nhiều món ăn truyền thống hấp dẫn.

Với những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, con người, huyện Đà Bắc có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch độc đáo, hấp dẫn. Hiện nay, huyện tập trung huy động nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư thúc đẩy phát triển du lịch. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ cảnh quan, môi trường, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn văn hóa truyền thống với phát triển du lịch.

Được biết, những năm qua, huyện Đà Bắc đã chú trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của Nhân dân về gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Đồng thời, từng bước đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá, khôi phục một số lễ hội truyền thống. 

Huyện cũng khuyến khích cơ sở tham gia bảo tồn bản sắc văn hoá gắn với phát triển KT-XH. Đến nay, trên địa bàn đã khôi phục 2 lễ hội quy mô cấp tỉnh được tổ chức hàng năm là lễ hội cầu Mường của dân tộc Tày (xã Mường Chiềng), lễ hội người Dao mừng xuân mới (xã Cao Sơn).

Để phát triển du lịch cộng đồng huyện Đà Bắc đã hỗ trợ thiết chế văn hóa, khôi phục nhiều lễ hội truyền thống
Để phát triển du lịch cộng đồng huyện Đà Bắc đã hỗ trợ thiết chế văn hóa, khôi phục nhiều lễ hội truyền thống

Ông Lường Văn Thi, Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc cho biết: Giai đoạn 2021 – 2025, huyện Đà Bắc phấn đấu thu hút trên 1.500 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, phát triển sản phẩm du lịch chất lượng. Đến năm 2025, tổng số khách đến tham quan du lịch, nghỉ dưỡng trên 550.000 lượt, trong đó khách quốc tế là 25.000 lượt, nội địa là 525.000 lượt. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng trên 165 tỷ đồng, tổng thu nhập du lịch đạt khoảng trên 297 tỷ đồng.

Cũng theo ông Lường Văn Thi, hiện nay, huyện tập trung phát triển xóm theo quy hoạch; thực hiện hỗ trợ người dân các kỹ năng làm du lịch, đặc biệt là khôi phục, bảo tồn, phát huy các nét văn hóa truyền thống của đồng bào để phát triển du lịch bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao. 

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.