Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Đặc sản xứ Nghệ đến với thực đơn của Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines

An Yên - 23:17, 15/02/2024

Tôi gặp Trịnh Xuân Giáo đến mấy bận, cũng đã từng viết bài về anh, nhưng bẵng đi một thời gian, anh lại khiến tôi càng thích thú, khâm phục về một giáo dân nghị lực, ý chí và tràn đầy niềm tin. Từng được biết đến là người trồng cam giỏi, viết sách hay; Trịnh Xuân Giáo còn là người đưa đặc sản xứ Nghệ “chiễm chệ” vào thực đơn trên các chuyến bay của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines khiến nhiều du khách thích thú.

Anh Trịnh Xuân Giáo kể về đặc sản cam Xã Đoài
Anh Trịnh Xuân Giáo kể về đặc sản cam Xã Đoài

Hành trình của đặc sản “tiến vua”

Cam Xã Đoài xứ Nghệ là loại quả nức tiếng, từng được mệnh danh là đặc sản “tiến vua”, có gốc tích tại xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc. Nhưng mấy năm nay đã có mặt tại vùng thung lũng trù phú có dãy núi đá vôi vây quanh ở thôn Thung Bưng, xã Môn Sơn, Con Cuông, Nghệ An.

Thực ra, anh Giáo có thâm niên trồng cam từ cách nay trên 20 năm. Ấy là năm 2001, khi anh trở về từ Tây Âu sau thời gian đi xuất khẩu lao động và quyết chí lập nghiệp tại quê nhà. Thời điểm “chân ướt, chân ráo” về quê, anh đã cùng vợ trở về quê xã Bảo Thành huyện Yên Thành, lập nghiệp và quyết mua 20ha đất hoang ở xã Đồng Thành để cải tạo thành trang trại trồng cam Xã Đoài. Đây là loại quả vốn đã nổi tiếng khắp xa gần với hương thơm, vị ngọt, thanh dịu.

Mất những 5 năm cải tạo đất cằn, cộng thêm học hỏi kinh nghiệm từ những người bản địa, những cây cam xã Đoài đầu tiên đã bắt đầu xuống giống, bén rễ trên vùng đất đồi ở xã Đồng Thành. Sau 4 năm, hàng chục nghìn gốc cam cho lứa quả đầu tiên. Vụ thu hoạch đầu vào năm 2013, anh Giáo “trúng đậm” khi doanh thu mỗi ha cam chừng 1 tỷ đồng.

“Ai cũng nghĩ tôi gàn dở, bỏ hàng tỷ đồng vào vườn cam trên vùng đất cằn. Nhưng tôi lại luôn tin vào kỹ thuật tốt sẽ khắc phục được các yếu tố bất lợi. Và sự thật đã được chứng minh điều ấy khi những lứa cam bắt đầu cho quả ngon ngọt”, anh Giáo chia sẻ.

Anh Trịnh Xuân Giáo và hành trình đưa cam Xã Đoài lên máy bay
Anh Trịnh Xuân Giáo và hành trình đưa cam Xã Đoài lên máy bay

Rồi anh Giáo kể thêm, cây cam trong trang trại của anh chủ yếu được bón bằng phân bò và kali hữu cơ làm từ tàn tro của cây mía, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Sản phẩm được trồng theo phương pháp hữu cơ, đảm bảo sạch đã chinh phục được người tiêu dùng.

Cam đã có chỗ đứng, anh Giáo lại nghĩ đến bước đường xa hơn, ấy là làm sao đưa quả cam Xã Đoài ra nước ngoài. Anh đã tìm hiểu và nhận thấy, hướng trang trại phát triển theo mô hình của Hiệp hội Nông nghiệp Đức và được tổ chức này công nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP năm 2019.

Đây cũng là thời điểm, tập đoàn AEON của Nhật Bản cử người đến thẩm định vườn cam, sau đó đặt vấn đề hợp tác, một tuần mua 4 tấn cam đưa vào chuỗi siêu thị bán lẻ đặt tại nhiều quốc gia. Từ đây, quả cam Xã Đoài bắt đầu vươn tầm thế giới.

Tuy nhiên, 20ha cam tại xã Đồng Thành bắt đầu già, cần mở rộng thêm diện tích. Vậy là người giáo dân ấy lại lặn lội đi tìm miền đất hứa cho cây cam Xã Đoài.

Năm 2016, ông lên huyện miền núi Con Cuông đặt vấn đề thuê hơn 50ha đất hoang hóa, nằm lọt thỏm giữa các dãy núi đá vôi, ở Thung Bừng xã Môn Sơn để cải tạo trồng cam Xã Đoài. Chính quyền địa phương đồng ý ngay.

Những tháng ngày sau đó, dân bản Thái ở xã Môn Sơn lại thấy một nhóm người cần mẫn bớt đất, gạt đá, đào hào, khoan giếng… cho vùng cam tương lai.

Việc đưa đặc sản cam Xã Đoài của tỉnh Nghệ An lên các chuyến bay là hoạt động nằm trong chương trình “Con đường nông sản” của Vietnam Airlines, nhằm quảng bá ẩm thực Việt một cách chân thực nhất qua từng điểm chạm trong trải nghiệm văn hoá, du lịch của khách hàng
Việc đưa đặc sản cam Xã Đoài của tỉnh Nghệ An lên các chuyến bay là hoạt động nằm trong chương trình “Con đường nông sản” của Vietnam Airlines, nhằm quảng bá ẩm thực Việt một cách chân thực nhất qua từng điểm chạm trong trải nghiệm văn hoá, du lịch của khách hàng

Giữa năm 2019, trang trại xong mặt bằng, anh Giáo xuống giống 25.000 cây cam Xã Đoài, vẫn áp dụng quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Giống cam được anh Giáo chiết xuất từ cam Xã Đoài sạch bệnh, xử lý theo quy trình kỹ thuật tiên tiến và được đưa về trồng ở thôn Thung Bưng - nơi chưa hề chủ động trồng cây công nghiệp hay nông nghiệp hàng hóa nào. Năm 2021, cam ở trang trại Con Cuông bắt đầu cho lứa quả đầu tiên, chất lượng dần ổn định.

Đầu năm 2023, anh Giáo có dịp trò chuyện với lãnh đạo của một hãng hàng không Việt Nam trên một chuyến bay, rồi kể về nguồn gốc cam Xã Đoài xứ Nghệ và mời đến trang trại chơi, thưởng thức đặc sản. Và sau đấy, khi lãnh đạo hãng hàng không bị mê hoặc bởi hương vị cam, anh Giáo đã đặt vấn đề đưa cam trồng tại trang trại lên suất ăn máy bay. Tất nhiên, hãng hàng không đã đồng ý thu mua cam của anh Giáo sau khi thẩm định về chất lượng.

Vụ cam năm 2023, cam Xã Đoài xứ Nghệ, dưới bàn tay cần mẫn của giáo dân Trịnh Xuân Giáo đã “chiễm chễ” trên các chuyến bay của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, được đưa vào thực đơn khiến nhiều du khách thích thú.

Có một “con đường nông sản” đặc biệt

Việc đưa đặc sản cam Xã Đoài của tỉnh Nghệ An lên các chuyến bay, là hoạt động nằm trong chương trình “Con đường nông sản” của Vietnam Airlines, nhằm quảng bá ẩm thực Việt một cách chân thực nhất qua từng điểm chạm trong trải nghiệm văn hoá, du lịch của khách hàng. Những hành khách của Vietnam Airlines sẽ được thưởng thức các đặc sản trứ danh như một lời chào từ mọi miền đất nước.

Thu hoạch cam Xã Đoài ở Thung Bừng
Thu hoạch cam Xã Đoài ở Thung Bừng

Không phải đến tận bây giờ, trái cây mới thực sự có mặt trên các chuyến bay, trở thành những thức ăn của các hãng hàng không Việt Nam. Từ lâu, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã ghi dấu ấn với thực đơn trên không liên tục được đổi mới, mang đậm hương vị đặc trưng của vùng miền, kèm các loại trái cây, đặc sản địa phương như nhãn lồng Hưng Yên, mận hậu Sơn La, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), cam Cao Phong (Hòa Bình)… cam Xã Đoài.

 Mới đây, Vietnam Airlines cũng đã lựa chọn cà phê Việt trên các đường bay nội địa và quốc tế nhằm nâng tầm văn hóa trải nghiệm cà-phê trên không. Những nâng cấp này, đã một lần nữa khẳng định vai trò của Hãng hàng không quốc gia trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người cũng như sản vật Việt Nam trên hành trình vươn ra thế giới. Điều ấy còn mở ra một “con đường nông sản” đặc biệt cho việc quảng bá nông sản Việt ra thế giới.

Ghi nhận những nỗ lực ấy, World Travel Awards đã bình chọn Vietnam Airlines là “Hãng hàng không hàng đầu thế giới về bản sắc văn hoá năm 2023”.

Xét về khía cạnh văn hóa, sản vật nội địa được đưa lên độ cao 10.000m là cách Vietnam Airlines gắn kết sản phẩm hàng không với ẩm thực truyền thống, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu Việt đến bạn bè quốc tế. Đó còn là cầu nối hợp tác giữa các doanh nghiệp, địa phương và đồng hành cùng người nông dân đưa đặc sản vùng miền đến với thực khách toàn cầu. 

Cũng như các loại quả trước đây, để mang đến những quả cam chất lượng đến cho hành khách, Vietnam Airlines áp dụng quy trình lựa chọn, kiểm định và giám sát nghiêm ngặt từ công tác thu hoạch cho đến khâu bảo quản, chế biến và phục vụ trên máy bay nhằm mang đến một sản phẩm tốt nhất cho khách hàng.

Tin cùng chuyên mục
Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) rất lớn, đây được xem là tiềm năng, lợi thế để người dân sống nhờ rừng thêm cơ hội và điều kiện để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng. Việc khai thác tốt tiềm năng, lợi thế cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), có ý nghĩa quan trọng, để người dân có thêm điều kiện phát huy giá trị kinh tế ổn định cuộc sống và phát triển bền vững từ rừng.