Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Cao Bằng lần thứ IV - năm 2024: Lan tỏa phong trào thi đua mới trong vùng đồng bào DTTS

Sỹ Hào (thực hiện) - 07:40, 03/11/2024

Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Cao Bằng lần thứ IV - năm 2024 là dịp để tỉnh tổng kết, đánh giá những thành tựu trong lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2019 - 2024; đồng thời ghi nhận, biểu dương, tôn vinh những cá nhân, tổ chức tiêu biểu, từ đó tạo không khí thi đua mới trong vùng đồng bào DTTS. Trước thềm Đại hội, Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc phỏng vấn ông Bế Văn Hùng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng xung quanh những kết quả đã đạt được trong lĩnh vực công tác dân tộc và mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh trong thời gian tới.

Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Cao Bằng lần thứ IV - năm 2024: Lan tỏa phong trào thi đua mới trong vùng đồng bào DTTS
Dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Thạch, Ban Chỉ đạo - Ban Tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Cao Bằng lần thứ IV, năm 2024 đã họp nghe báo cáo công tác chuẩn bị Đại hội chiều ngày 16/10/2024

Phóng viên: Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ IV - năm 2024 có ý nghĩa như thế nào trong đời sống chính trị, xã hội của tỉnh, thưa ông?

Ông Bế Văn Hùng: Đại hội Đại biểu các DTTS là sự kiện chính trị, xã hội quan trọng, là ngày hội đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS. Đại hội nhằm tổng kết, đánh giá công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc của cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn, khẳng định đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc.

Năm 2024, Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Cao Bằng lần thứ IV diễn ra vào thời điểm Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025; Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Kỷ niệm 525 năm thành lập tỉnh Cao Bằng (1499 - 2024).

Đối với đồng bào các dân tộc trong tỉnh, Đại hội là ngày hội lớn, là dịp để biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong đồng bào DTTS, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh, góp phần cùng các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Cao Bằng lần thứ IV - năm 2024: Lan tỏa phong trào thi đua mới trong vùng đồng bào DTTS 1
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương của tỉnh Cao Bằng trong thực hiện chính sách dân tộc, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện, giảm dần khoảng cách phát triển giữa vùng dân tộc thiểu số với các vùng khác. (Trong ảnh: Điểm du lịch cộng đồng xóm Hoài Khao, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2022)

Đây cũng là diễn đàn giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các dân tộc, đồng thời là đợt sinh hoạt chính trị, xã hội sâu rộng để nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin và sự đồng thuận của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; từ đó tạo không khí thi đua mới trong vùng đồng bào DTTS, chào mừng Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Phóng viên: Tại Đại hội lần thứ III - năm 2019, tỉnh Cao Bằng đã đặt ra những chỉ tiêu cụ thể trong lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc. Sau 05 năm, kết quả thực hiện các chỉ tiêu như thế nào, thưa ông?

Ông Bế Văn Hùng: Tại Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Cao Bằng lần thứ III – năm 2019, tỉnh đặt ra 14 chỉ tiêu cụ thể về đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Sau 05 năm, tỉnh đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng.

Trong đó, tính đến năm 2024, toàn tỉnh đã có 85,71% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế (chỉ tiêu đặt ra là trên 70%); 83% phòng học được kiên cố hóa; 36% trường đạt chuẩn quốc gia (chỉ tiêu đặt ra là trên 82,5% phòng học được kiên cố hóa; trên 35%. trường đạt chuẩn quốc gia); 94% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh (chỉ tiêu đặt ra là trên 90%);...

Đặc biệt, kết quả giảm nghèo và thu nhập bình quân đều vượt chỉ tiêu Đại hội III đề ra. Trong giai đoạn 2019 – 2024, toàn tỉnh bình quân giảm trên 4%/năm giảm số hộ nghèo, cận nghèo (chỉ tiêu đặt ra là giảm trên 3%/năm). Đại hội III đặt chỉ tiêu đến năm 2024, thu nhập bình quân người/năm trên 35 triệu đồng/người/năm thì dự kiến cuối năm 2024, thu nhập bình quân của tỉnh ước đạt 46,98 triệu đồng/người/năm.

Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Cao Bằng lần thứ IV - năm 2024: Lan tỏa phong trào thi đua mới trong vùng đồng bào DTTS 2
Tỉnh Cao Bằng luôn quan tâm, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách bảo đảm an sinh xã hội. (Trong ảnh: Ông Bế Văn Hùng - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng thăm hỏi, động viên và trao hỗ trợ cho gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn TP. Cao Bằng)

Tuy nhiên, một số chỉ tiêu của Đại hội III dự kiến sẽ không đạt. Đến năm 2024, toàn tỉnh có 98,8% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa theo chuẩn của Bộ Giao thông Vận tải (chỉ tiêu đặt ra là 100%); mới có 35% xã, phường có nhà văn hóa (chỉ tiêu là trên 60%); có 98,5% thôn, xóm có nhà sinh hoạt cộng đồng (chỉ tiêu là 100%);...

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS của tỉnh hiện nay?

Ông Bế Văn Hùng: Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương của tỉnh trong thực hiện chính sách dân tộc, nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội, đời sống vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm; trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Đồng bào các dân tộc phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo và đường lối đổi mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực, tích cực lao động, sản xuất phát triển kinh tế. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS từng bước được cải thiện, giảm dần khoảng cách phát triển giữa vùng DTTS với các vùng khác.

Song, xuất phát điểm về nền kinh tế của tỉnh còn thấp, các điều kiện phục vụ sản xuất và đời sống còn thiếu và yếu; địa bàn chia cắt phức tạp, nhất là vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn là các địa bàn có nhiều núi đá, độ dốc lớn thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai.

Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Cao Bằng lần thứ IV - năm 2024: Lan tỏa phong trào thi đua mới trong vùng đồng bào DTTS 3
Cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông nông thôn vẫn đang là “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS tỉnh Cao Bằng, cần sự chung tay, góp sức của các tổ chức, đơn vị và cộng đồng. (Trong ảnh: Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Cao Bằng ra quân tình nguyện làm đường giao thông nông thôn tại xóm Lũng Ót, xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình)

Do vậy, kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo người DTTS và nguy cơ tái nghèo còn ở mức cao; mức độ tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản còn hạn chế. Điều này đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương trong tỉnh cần tiếp tục tốt các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trong giai đoạn tới.

Phóng viên: Đối với lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc đến năm 2029, tỉnh đặt những mục tiêu gì, thưa ông?

Ông Bế Văn Hùng: Trên cơ sở những kết quả đã đạt được và những bài học đúc rút được trong thực hiện các chương trình, đề án từ những năm qua, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2029 phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS; đẩy mạnh giảm nghèo vùng đồng bào DTTS, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc; giảm dần xã, xóm đặc biệt khó khăn; từng bước hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao.

Tỉnh cũng sẽ tiếp tục chú trọng phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS; tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người DTTS; củng cố hệ thống chính trị cơ sở; giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, bảo đảm ổn định an ninh, quốc phòng.

Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Cao Bằng lần thứ IV - năm 2024: Lan tỏa phong trào thi đua mới trong vùng đồng bào DTTS 4
Xuất phát điểm về nền kinh tế của tỉnh còn thấp, các điều kiện phục vụ sản xuất và đời sống còn thiếu và yếu; địa bàn chia cắt phức tạp, nhất là vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn là các địa bàn có nhiều núi đá, độ dốc lớn thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai. Do vậy, kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. (Trong ảnh: Đồng bào Sán Chỉ ở xã Phong Nặm, huyện Trùng Khánh thu hoạch lúa)

Việc thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc trên địa bàn sẽ tiếp tục củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS của tỉnh, như: Đến năm 2029, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; trên 95% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; trên 90% phòng học được kiên cố hóa trên 90%; trên 40% trường đạt chuẩn quốc gia; 85% trở lên trụ sở xã được xây dựng kiên cố; giảm số hộ nghèo, cận nghèo bình quân trên 4%/năm; thu nhập bình quân người trên 55 triệu đồng/người/năm;...

Phóng viên: Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ gì để góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu trong giai đoạn 2024 - 2029, thưa ông?

Ông Bế Văn Hùng: Những thành tựu về công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 20219 – 2024 sẽ được đánh giá, tổng kết tại Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Cao Bằng lần thứ IV – năm 2024 tới đây; từ đó Đại hội sẽ thống nhất xác định các chỉ tiêu, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong giai đoạn 2024 – 2029.

Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Cao Bằng lần thứ IV - năm 2024: Lan tỏa phong trào thi đua mới trong vùng đồng bào DTTS 5
Cơ quan công tác dân tộc các cấp tỉnh Cao Bằng tiếp tục đẩy mạnh công tác nắm chắc tình hình ở cơ sở, tâm tư nguyện vọng chính đáng của đồng bào, từ đó tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời những khó khăn, kiến nghị của đồng bào ngay tại cơ sở. (Trong ảnh: Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng phối hợp với Cục Thống kê tỉnh triển khai điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024)

Với vai trò là cơ quan tham mưu về lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc, sau Đại hội lần thứ IV - năm 2024, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục tập trung chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước trên địa bàn, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia; từ đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS; nêu cao và khơi dậy tinh thần đại đoàn kết trong vùng đồng bào DTTS của tỉnh.

Cơ quan công tác dân tộc các cấp tỉnh Cao Bằng tiếp tục đẩy mạnh công tác nắm chắc tình hình ở cơ sở, tâm tư nguyện vọng chính đáng của đồng bào, từ đó tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời những khó khăn, kiến nghị của đồng bào ngay tại cơ sở, không để xảy ra các điểm nóng về an ninh trật tự. Ngăn chặn từ sớm, từ xa các âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.