Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Đăk Lăk: Bất ngờ phát hiện đất của mình đã nhập vào sổ đỏ của hàng xóm

Lê Hường - 17:28, 24/03/2021

Sử dụng ổn định nhiều năm, nhưng bà Trần Thị Hiền, xã Ea Riêng, huyện M’đrắk, tỉnh Đắk Lắk bất ngờ phát hiện đất của mình đã nhập vào sổ đỏ của hàng xóm. Suốt 10 năm qua, bà Hiền mang đơn khiếu nại, khiếu kiện các cấp chính quyền, song việc xử lý của chính quyền các cấp ở Đăk Lăk vẫn chưa thấu tình đạt lý.

Đất của bà Hiền đã vào sổ đỏ của ông Thăng nhưng bà vẫn săm sóc, thu hoạch cà phê
Đất của bà Hiền đã vào sổ đỏ của ông Thăng nhưng bà vẫn chăm sóc, thu hoạch cà phê

Bỗng dưng mất đất

Trong đơn thư gửi đến Báo Dân tộc và Phát triển, bà Trần Thị Hiền, thôn 18, xã Ea Riêng (huyện M’Đrăk) phản ánh: Năm 1984 bà vào Đăk Lăk lập nghiệp theo diện kinh tế mới, làm công nhân cho Công ty Cà phê 715. Để thuận tiện sinh hoạt và khai hoang sản xuất, bà cũng như hầu hết công nhân của công ty đều dựng nhà gần suối để ở. Do nhà ở phía dưới rẫy cà phê, không có đường đi, năm 1987, bà Hiền làm đơn xin chặt 2 hàng cà phê để làm đường và được Công ty Cà phê 715 đồng ý. 

Đến năm 1990, Công ty Cà phê 715 chia lô cà phê dọc Tỉnh lộ 13 cho các gia đình công nhân sống phía dưới suối, mỗi gia đình 12m chiều ngang đang canh tác cà phê và cho phép phát quang, khai hoang mở rộng khu vực lân cận. Từ đó, gia đình bà Hiền chăm sóc, thu hoạch cà phê trên diện tích đất cà phê công ty cấp, đồng thời phát quang diện tích đất hoang bên cạnh mở rộng diện tích.

Tuy nhiên mới đây, bà phát hiện toàn bộ diện tích đất canh tác cà phê Công ty cà phê 715 cho và cả con đường đi của gia đình đi lên tỉnh lộ được nhập vào sổ đỏ của gia đình cán bộ địa chính xã Ea Riêng, lúc bấy giờ là ông Dương Kim Thăng.

Những thông tin này đã được ông Nguyễn Đức Ổn, ở thôn 18, xã Ea Riêng, người làm việc tại Công ty Cà phê 715 từ năm 1983 xác nhận với phóng viên. Ông Ôn khẳng định: Chúng tôi đều có nhà nên không ai làm nhà lên phía tỉnh lộ, nhưng vẫn canh tác, sản xuất trên diện tích đất của mình. 

"Cùng làm công nhân quốc phòng vào đây theo diện kinh tế, cùng sống với nhau ở đây suốt mấy chục năm, tôi tận mắt thấy cô Hiền phát quang, khai hoang khu đất này, sao đất đó lại vào sổ đỏ của ông Thăng được?”, ông Ôn đặt câu hỏi thắc mắc.

Hành trình 10 năm đòi đất

Khi biết đất nhà mình vào sổ người khác, bà Hiền làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng kiện ông Thăng chiếm đoạt tài sản gồm, đất đường đi và đất sản xuất của gia đình bà. Năm 2016, TADN huyện M’Đrăk và TAND tỉnh Đăk Lăk đã xét xử và đưa ra phán quyết, trong đó bác một phần yêu cầu khởi kiện của bà Hiền. Tòa chỉ buộc ông Thăng trả lại 3,8m chiều ngang Tỉnh lộ 13 là đường đi từ nhà lên Tỉnh lộ cho bà Hiền.

 Không chấp thuận với phán quyết của Tòa, bà Hiền tiếp tục thu thập chứng cứ, làm đơn kiện ông Thăng lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đất của gia đình bà. Tại các tờ bản đồ địa chính của xã năm 1986, 1990 mà bà Hiền xin photo được đều ghi nhận thửa đất 764 của gia đình ông Dương Kim Thăng có diện tích 3.000m2, nhưng GCNQSD đất lại có diện tích 3.830m2.

Ông Lê Văn Hằng, cùng thôn 18 bức xúc: Tôi làm ở phòng kỹ thuật, tay tôi lái máy san đất trồng điểm cà phê cho công ty năm 1986. Sống ở gần suối, nhưng nhà nào cũng có đường bờ lô để đi lên đường tỉnh lộ. Năm 1990, nông trường cho mỗi gia đình 12m mặt đường.

Bà Hiền phát hiện tại các tờ bản đồ thể hiện đất của ông Thăng chỉ 3.000m2
Bà Hiền phát hiện tại các tờ bản đồ thể hiện đất của ông Thăng chỉ 3.000m2

Theo ông Hằng, nếu nói rằng cấp sổ đại trà cho các hộ dân khu vực này, thì nhà nào cũng có tại sao chỉ có 3 nhà có sổ gồm cán bộ xã, lãnh đạo nông trường, còn người dân không ai có sổ. Không thể chỉ căn cứ vào sổ để lấy đất của người khác được, cần phải điều tra nguồn gốc mảnh đất rất rõ ràng. 

“Chúng tôi sống ở đây mấy chục năm cùng nhau làm việc cho nông trường, cùng nhau khai hoang nắm rõ đất của từng nhà”, ông Hằng khẳng định.

Trao đổi với phóng viên, bà Hiền cho biết: Gia đình tôi đã canh tác ổn định trên mảnh đất này mấy chục năm, nhiều người dân ở đây làm chứng cho tôi. Nhưng 10 năm nay, vụ việc của tôi vẫn chưa được xử lý thấu tình đạt lý. “Mặc dù diện tích 830m2 nằm trên sổ của ông Thăng, nhưng cho đến nay vẫn chưa rào chắn, cả hai bên đều sử dụng, chăm sóc và thu hái cà phê”, bà Hiền cho biết.

Giải quyết chưa thấu tình đạt lý

Trong khi đó, theo thông báo kết quả giải quyết tố cáo của UBND huyện M’Đrắk ngày 4/8/2020 đối với đơn thư của bà Hiền, UBND huyện M’Đrắk cho rằng, diện tích đất của hộ ông Dương Kim Thăng có chênh lệch giữa bản đồ gốc và bản đồ đang sử dụng (xã Ea Riêng, huyện M’đrắk), là do kỹ thuật đo can bản đồ lúc đó làm thủ công, nên có sự sai sót trong biên tập bản đồ. Đồng thời, UBND huyện M’Đrắk cũng cho rằng, khi đo vẽ bản đồ để cấp sổ đỏ thửa 765 và 764 của ông Thăng tại bản đồ số 27 là không có đường.

Ông Phạm Vĩnh Hồng, Chủ tịch UBND xã Ea Riêng xác nhận: Bà Trần Thị Hiền đi kiện ông Dương Kim Thăng, nguyên cán bộ địa chính, sau làm Chủ tịch UBND xã Ea Riêng đã nhiều năm rồi. TAND huyện, tỉnh cũng đã đưa ra phán quyết cuối cùng, đất đó là của ông Thăng. 

Ông Hồng thông tin thêm, đầu năm 2020, bà Hiền bổ sung thêm một số chứng cứ mới và làm đơn tố cáo ông Thăng lợi dụng chức vụ quyền hạn kê khai, cấp sổ đỏ không đúng để trục lợi và chiếm đoạt đất của gia đình bà. Chủ tịch UBND huyện M’Đrăk đã thụ lý đơn; Thanh tra huyện M’đrăk đã lập tổ xác minh, làm việc với một số nhân chứng, người liên quan, đo đạc đất tranh trấp và đã có thông báo kết quả giải quyết tố cáo. Thông báo nêu rõ thủ tục cấp sổ đỏ cho thửa đất 764 - tờ bản đồ số 27 của ông Dương Kim Thăng được thực hiện đúng quy trình, diện tích đất phù hợp, không có chiếm đoạt tài sản như đơn tố cáo.

Mặc dù chính quyền các cấp của huyện M’Đrăk, đã tiến hành xác minh vụ việc và đưa ra thông báo kết luận, nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, và dư luận phản ánh, liệu kết luận của chính quyền địa phương đã thực sự đúng thực tế? 

Những câu hỏi này xin gửi tới UBND huyện M’Đrăk. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục theo dõi để thông tin đến bạn đọc.

Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.