Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Đắk Mil (Đắk Nông): Phát huy hiệu quả vai trò Đoàn Thanh niên trong thực hiện tín dụng chính sách

Anh Đức - 19:12, 20/03/2024

Những năm qua, Đoàn Thanh Niên (ĐTN) huyện Đắk Mil (Đắk Nông) đã luôn nỗ lực, sáng tạo, phát huy vai trò xung kích, trách nhiệm của tuổi trẻ để làm tốt công tác ủy thác cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Huyện đoàn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) thoát nghèo, từng bước lập thân, lập nghiệp bằng nguồn vốn tín dụng chính sách. Qua đó, đã giúp nhiều ĐVTN phát huy hiệu quả nguồn vốn, góp phần tạo việc làm, ổn định cuộc sống cho ĐVTN.

Đoàn thanh niên huyện đóng vai trò quan trong công tác thực hiện tín dụng chính sách.
Đoàn thanh niên huyện đóng vai trò quan trong công tác thực hiện tín dụng chính sách.

Nhờ nguồn vốn ủy thác từ NHCSXH huyện mà nhiều ĐVTN trên địa bàn huyện có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, sử dụng đồng vốn đúng mục đích, làm ăn có hiệu quả vươn lên thoát nghèo. 

Điển hình trong đó là hộ anh Hà Văn Cương, Thôn Tây Sơn xã Long Sơn, huyện Đắk Mil được tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) bình xét cho vay thông qua nguồn vốn do ĐTN xã quản lý với số tiền 100 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm để đầu tư mô hình chăn nuôi dê. Lúc đầu, anh Cương gặp không ít khó khăn về kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi… nhưng với tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi nên thanh niên Hà Văn Cương đã thành công với mô hình này. Hiện tại, mỗi năm, đàn dê mang lại thu nhập ổn định cho gia đình anh từ 150 - 250 triệu đồng/năm. Gia đình anh Cương đã vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo.

Anh Hoàng Dầu Quý, Bí thư ĐTN xã Long Sơn cho biết: “Trong suốt thời gian qua, Ban Thường vụ ĐTN xã quan tâm đến hoạt động ủy thác với NHCSXH, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của TK&VV là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Đồng thời tích cực tuyên truyền, lồng ghép tập huấn khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao kỹ thuật và nhân rộng các điển hình, nhiều mô hình của ĐVTN giúp nhau làm kinh tế, vượt khó vươn lên làm giàu; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn tổ TK&VV tổ chức bình xét đối tượng đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, đúng chủ trương và đúng đối tượng, giúp các hộ vay tiếp cận với vốn tín dụng chính sách kịp thời, có hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo an toàn vốn”. Hiện nay, tổng dư nợ trên địa bàn xã đạt 10.175 triệu đồng với 201 khách hàng. Trong đó, dư nợ ủy thác qua ĐTN xã đạt 2.848 triệu đồng với 50 khách hàng.

Mô hình hộ vay sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay NHCSXH.
Mô hình chăn nuôi của ĐVTN huyện Đắk Mil sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay NHCSXH.

Anh Y Thoa, Bí thư ĐTN huyện Đắk Mil chia sẻ: Xác định nguồn vốn tín dụng chính sách đóng vai trò quan trọng đồng hành cùng thanh niên trong học tập, khởi nghiệp. Những năm qua, ĐTN huyện luôn nỗ lực, sáng tạo, phát huy vai trò xung kích, trách nhiệm của tuổi trẻ để làm tốt công tác ủy thác cho vay từ NHCSXH; quan tâm, đưa việc thực hiện công tác ủy thác vốn vay NHCSXH là một trong những chỉ tiêu cơ bản đánh giá công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu niên. Huyện đoàn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ ĐVTN thoát nghèo, từng bước lập thân, lập nghiệp bằng nguồn vốn tín dụng chính sách, qua đó, phát huy có hiệu quả nguồn vốn, góp phần tạo việc làm, ổn định cuộc sống cho ĐVTN. Tính đến hết tháng 2/2024, tổng dư nợ trên địa bàn huyện đạt hơn 533 tỷ đồng với 10.243 khách hàng. Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện từ 2,15% năm 2022 xuống còn 1,68% năm 2023.

Ông Phạm Hòa, Giám đốc Phòng Giao dịch (PGD) NHCSXH huyện Đắk Mil cho biết: Ngay từ những ngày đầu thành lập PGD NHCSXH huyện, bốn tổ chức chính trị xã hội huyện được ví như 04 bánh xe để cùng NHCSXH huyện rong ruổi chinh phục con đường và đích đến là mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó, ĐTN huyện Đắk Mil nhận nguồn vốn ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác từ NHCSXH huyện. ĐTN huyện đã làm tốt công tác ủy thác cho vay; chuyển tải và quản lý hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách đến hàng nghìn ĐVTN. Qua đó, giúp các ĐVTN nghèo trên địa bàn huyện có nhu cầu được vay vốn giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, vượt khó, thoát nghèo; được thụ hưởng sự bình đẳng về giáo dục và đào tạo, tiếp cận dịch vụ an sinh xã hội, làm thay đổi căn bản chất lượng cuộc sống.

Cán bộ NHCSXH huyện Đắk Mil hướng dẫn người dân tại giao dịch tại xã Đắk Gằn.
Cán bộ NHCSXH huyện Đắk Mil hướng dẫn người dân tại giao dịch tại xã Đắk Gằn.

Tính đến ngày 29/02/2024 tổng dư nợ của ĐTN huyện Đắk Mil là hơn 119 tỷ đồng, số hộ vay vốn là 2.408 hộ, số tiền quá hạn là 40 triệu đồng, với 56 tổ TK&VV tại các tổ dân phố, thôn, bon trên địa bàn huyện. Hàng quý, ĐTN huyện Đắk Mil đã phối hợp tổ chức họp giao ban cùng với NHCSXH huyện nhằm nắm bắt tình hình, kết quả thực hiện ủy thác cho vay, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh tại cơ sở.

Bên cạnh đó, ĐTN huyện đã chỉ đạo ĐTN các xã, thị trấn xây dựng chương trình công tác, kế hoạch kiểm tra giám sát, phân công cán bộ trực tiếp quản lý và giám sát hoạt động của các tổ, chỉ đạo đôn đốc hộ vay trả nợ và trả lãi theo định kỳ hàng tháng. Tham dự và chỉ đạo các Tổ TK&VV bình xét công khai, dân chủ, đúng đối tượng, hướng dẫn người vay lập hồ sơ, tiến hành phê duyệt, giải ngân kịp thời. Trong quá trình kiểm tra đối chiếu đã phát hiện sai sót kịp thời kiến nghị chấn chỉnh, đi sâu kiểm tra đối tượng cho vay, mục đích sử dụng vốn, góp phần tích cực làm lành mạnh hóa chất lượng tín dụng, Ông Phạm Hòa, cho biết thêm.

Có thể thấy rằng, sự năng động, tích cực và chủ động trong thực hiện công tác nhận ủy thác vốn vay với NHCSXH của ĐTN huyện Đắk Mil đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế, đồng thời hỗ trợ các ĐVTN trên địa bàn huyện xây dựng các mô hình kinh tế để lập nghiệp, vươn lên làm giàu, đóng góp vào sự phát triển chung của toàn huyện và đóng một vai trò hết sức quan trọng trong công tác giảm nghèo đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện Đắk Mil.

Tin cùng chuyên mục
Cây trồng chủ lực ở huyện vùng cao Thanh Hóa giá thấp cũng không có người mua

Cây trồng chủ lực ở huyện vùng cao Thanh Hóa giá thấp cũng không có người mua

Cây vầu từng được ví như “cây vàng xanh” ở các huyện miền núi Thanh Hóa như Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh. Tuy nhiên, sau đại dịch COVID-19, thị trường tiêu thụ cây vầu trở nên khó khăn, giá thấp khiến các doanh nghiệp bao năm nay chuyên thu mua vầu của người dân, thì nay thu mua cầm chừng, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người dân trồng vầu.