Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Đăk Nông: Vùng đồng bào DTTS chuyển mình mạnh mẽ sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư

Phan Đình Hiến - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đăk Nông - 09:46, 14/10/2019

Qua 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Đăk Nông lần thứ II - năm 2014, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và quản lý của chính quyền các cấp, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh được tăng cường, đổi mới và đạt nhiều kết quả quan trọng; đa số các mục tiêu đề ra đến nay đều đạt và vượt kế hoạch. Những kết quả trong lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc đã đóng góp vào những thành tựu chung của tỉnh.

Mùa vàng ở xã Đăk Săk, huyện Ðăk Mil.
Mùa vàng ở xã Đăk Săk, huyện Ðăk Mil.

Khởi sắc vùng đồng bào DTTS

Tỉnh Đăk Nông có 7 huyện và 1 thị xã, 71 xã, phường, thị trấn (trong đó có 61 xã) và 789 thôn, bon, buôn, bản, tổ dân phố. Dân số toàn tỉnh có 622.168 người, gồm 40 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó, đồng bào các DTTS có 202.360 người, chiếm 32,52% so với tổng dân số toàn tỉnh (có 3 DTTS tại chỗ: M’nông, Mạ, Ê-đê, với dân số 13.919 hộ/66.538 nhân khẩu).

Cách đây 15 năm (năm 2004), tỉnh Đăk Nông được thành lập trên cơ sở tách từ 6 huyện phía Nam của tỉnh Đăk Lăk - đây đều là những địa bàn khó khăn nhất. Xuất phát điểm thấp, nên việc thực hiện các chương trình mục tiêu rất chật vật.

Tại thời điểm năm 2014, sau 10 năm thành lập tỉnh, theo chuẩn nghèo đơn chiều (chỉ tính thu nhập), tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn vẫn chiếm 15,64% tổng số hộ; trong đó hộ nghèo là đồng bào DTTS chiếm 33,1% tổng số hộ nghèo của tỉnh, riêng hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ chiếm 46,01%; thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh chỉ đạt khoảng 33 triệu đồng/người/năm. Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), toàn tỉnh chưa có xã nào đạt chuẩn theo bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2011 - 2015.

Sau 5 năm (2014 - 2019) thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội (KH-XH), trong đó có các chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào DTTS, tỉnh Đăk Nông đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhất là trong lĩnh vực giảm nghèo và xây dựng NTM. Diện mạo nông thôn, miền núi đã thực sự khởi sắc, đời sống của đồng bào các DTTS đã được nâng lên đáng kể.

Tính đến ngày 30/6/2019, toàn tỉnh đã có 16/61 xã đạt chuẩn NTM (tăng 16 xã so với năm 2014), bình quân mỗi xã đạt 13,16 tiêu chí/xã. Trong đó, có 13/61 xã đạt 19/19 tiêu chí, tăng 13 xã so với năm 2014; có 8/61 xã đạt 15 - 18 tiêu chí, tăng 6 xã so với năm 2014; có 30/61 xã đạt 10 - 14 tiêu chí, tăng 17 xã so với năm 2014; số xã đạt 5 - 9 tiêu chí giảm từ 41/61 xã vào năm 2014 xuống còn 10/61 xã vào năm 2019 và không có xã nào dưới 5 tiêu chí (tăng 5 xã so với năm 2014).

Trong lĩnh vực giảm nghèo, kết quả rà soát mới đây cho thấy, tổng số hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh giảm xuống còn 13,51% trên tổng số hộ toàn tỉnh. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS là 30,14%; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ là 38,57%. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh hiện đã đạt 45,5 triệu đồng/người/năm, khu vực nông thôn đạt 29,98 triệu đồng/người/năm.

Quyết tâm vì những chỉ tiêu đột phá

Chuyển biến rõ nét, dễ nhận thấy nhất ở khu vực nông thôn, vùng đồng bào DTTS tỉnh Đăk Nông là hạ tầng cơ sở được đầu tư tương đối đồng bộ. Đến nay, tỷ lệ nhựa hóa đường toàn tỉnh đạt 62%. Toàn tỉnh hiện có 396 cơ sở giáo dục, 132 trường đạt chuẩn quốc gia (tăng 15 cơ sở giáo dục và 12 trường chuẩn so với đầu năm 2016); có 25 trạm y tế đạt chuẩn mới (nếu tính theo chuẩn cũ có 46 trạm y tế đạt chuẩn); hạ tầng thương mại cơ bản đáp ứng yêu cầu...

Những thay đổi rõ nét này xuất phát từ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, linh hoạt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong việc triển khai các chương trình, dự án, đề án đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước. Trong 5 năm qua, Đăk Nông được thụ hưởng rất nhiều các chương trình trọng điểm của Trung ương; từ đó tỉnh tập trung nguồn lực để đầu tư cơ sợ hạ tầng, tạo nền tảng để phát triển KT-XH. Chỉ tính riêng nguồn lực từ Chương trình 30a, Chương trình 135... hàng trăm công trình đã được đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp, bảo đảm nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân.

Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, nhiều chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ đồng bào DTTS cũng tạo xung lực phát triển cho tỉnh (Quyết định 755/QĐ-TTg, Quyết định 2085/QĐ-TTg, Quyết định 102/QĐ-TTg…). Đặc biệt là các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất không chỉ tạo đất sản xuất cho nhiều hộ đồng bào thiếu đất sản xuất mà còn hỗ trợ cây, con giống, máy móc, nông cụ, phân bón, vật tư…

Ngoài các chính sách của Trung ương, tỉnh cũng đã ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù để tạo thêm động lực hỗ trợ đồng bào các DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ các chương trình đầu tư, hỗ trợ đó, đồng bào các DTTS ở Đăk Nông đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo, hướng tới làm giàu.

Đời sống tinh thần của đồng bào các DTTS cũng ngày càng được nâng lên khi vừa được tiếp cận với những tiện nghi hiện đại, vừa giữ gìn, phát huy được những nét văn hóa tuyền thống. Nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc của đồng bào, ngày hội văn hóa thể thao các DTTS được duy trì, tổ chức hằng năm ở khắp các địa phương đã trở thành nơi giao lưu, gặp gỡ, thắt chặt tình đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

Những thành tựu sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ II là cơ sở để Đăk Nông tự tin đề ra những chỉ tiêu đột phá trong giai đoạn mới. Khó khăn, thách thức vẫn còn rất nhiều nhưng với sự quan tâm đầy trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp của tỉnh cùng sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc, tỉnh phấn đấu phát triển KT-XH toàn diện, nhanh, bền vững; đẩy mạnh giảm nghèo vùng DTTS, giảm dần vùng đặc biệt khó khăn.