Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở Đăk Nông: Nhanh nhưng chưa bền vững

PV - 10:25, 26/04/2019

Hết năm 2018, hộ nghèo là đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đăk Nông giảm 5% so với năm 2017. Kết quả này có được là nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Trung ương; ngoài ra có một phần quan trọng đến từ những chính sách đặc thù hỗ trợ đồng bào DTTS do tỉnh Đăk Nông ban hành.

Giảm nghèo nhanh

Là một trong những tỉnh nghèo của cả nước, có đông đồng bào DTTS sinh sống, những năm qua, Đăk Nông đã được bố trí nguồn lực tương đối lớn từ ngân sách Trung ương để thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội. Một trong những nguồn lực chính giúp Đăk Nông giảm nghèo nhanh là từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Theo số liệu của Ban Dân tộc tỉnh Đăk Nông, giai đoạn 2012-2015, Đăk Nông được phân bổ 1.458,4 tỷ đồng (ngân sách Trung ương là 1.096,3 tỷ đồng). Còn trong 3 năm tiếp theo (2016-2018), tỉnh chỉ được bố trí 248,7 tỷ đồng để thực hiện.

Tình trạng di cư tự phát khiến Đăk Nông loay hoay với giảm nghèo bền vững. (Trong ảnh: Nhiều hộ dân ở thôn 2, xã Đăk Ha, huyện Đăk Glong di cư từ Thanh Hóa vào từ nhiều năm nay nhưng chưa có cuộc sống ổn định. Ảnh chụp ngày 17/4/2019) Tình trạng di cư tự phát khiến Đăk Nông loay hoay với giảm nghèo bền vững. (Trong ảnh: Nhiều hộ dân ở thôn 2, xã Đăk Ha, huyện Đăk Glong di cư từ Thanh Hóa vào từ nhiều năm nay nhưng chưa có cuộc sống ổn định. Ảnh chụp ngày 17/4/2019)

Dù vậy, kết quả giảm nghèo của Đăk Nông vẫn rất khả quan. Số liệu của Ban Dân tộc cho thấy, cuối năm 2015, áp theo chuẩn nghèo đa chiều thì tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh Đăk Nông là 19,26% tổng số hộ toàn tỉnh thì đến hết năm 2018, tỷ lệ này giảm xuống còn 13,51%.

Đặc biệt, kết quả giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đăk Nông rất ấn tượng. Nếu như năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào DTTS chiếm 40,76% tổng số hộ DTTS thì đến hết năm 2018, tỷ lệ này giảm xuống còn 30,14%. Đáng chú ý, số hộ nghèo là đồng bào DTTS tại chỗ của tỉnh Đăk Nông giảm nhanh, từ 54,40% (năm 2015) xuống còn 38,57% (năm 2018).

Theo ông Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đăk Nông, ngoài nguồn lực từ các chương trình, dự án giảm nghèo chung thì kết quả giảm nghèo nhanh trong vùng đồng bào DTTS của tỉnh có sự trợ lực rất lớn từ những cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh. Đáng kể nhất là chính sách hỗ trợ lãi suất cho hộ nghèo, cận nghèo đồng bào DTTS tại chỗ để cải thiện nhà ở, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ về bảo hiểm y tế. Ngoài ra, giai đoạn 2016-2020, Đăk Nông còn triển khai chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên DTTS thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.

“So với đồng bào các DTTS khác trên địa bàn tỉnh, đồng bào DTTS tại chỗ là đối tượng thoát nghèo chậm hơn. Vì vậy, hai chính sách đặc thù trên nhằm giúp đồng bào “bắt kịp” đồng bào các DTTS khác trên địa bàn tỉnh”, ông Long cho biết.

Theo số liệu của Ban Dân tộc Đăk Nông, thực hiện hai chính sách đặc thù này và lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác, năm 2018, tỉnh đầu tư thêm 36 công trình giao thông, 12 trường và điểm trường, 3 công trình nước sạch, 32 nhà sinh hoạt cộng đồng,… trong vùng đồng bào DTTS. Cũng trong năm 2018, toàn tỉnh hỗ trợ 182 học sinh, sinh viên DTTS thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo với tổng số tiền gần 400 triệu đồng… Đây là sự trợ sức cần thiết để đồng bào DTTS nỗ lực vươn lên.

Nhưng chưa bền vững

Mặc dù có nhiều nỗ lực và cách làm sáng tạo trong giảm nghèo bền vững, nhưng tỉnh Đăk Nông vẫn gặp không ít khó khăn, hạn chế. Đáng chú nhất là, dù tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm qua các năm nhưng vẫn còn cao so với tỷ lệ hộ nghèo toàn khu vực Tây Nguyên. Ngoài ra, tỷ lệ nghèo phát sinh cao, tỷ lệ tái nghèo có xu hướng gia tăng, cho thấy chất lượng giảm nghèo của Đăk Nông chưa bền vững.

Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội chiều ngày 19/3/2019, ông Nguyễn Bốn, Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này là do điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương còn nhiều khó khăn. Việc người dân di cư tự phát đến sinh sống tại Đăk Nông với số lượng lớn, trong đó chủ yếu là người nghèo, cũng phá vỡ quy hoạch của địa phương, gia tăng tình trạng phá rừng để lấy đất sản xuất và kéo theo nhiều hệ lụy xã hội khác, làm ảnh hưởng tới kết quả giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Ông Bốn cũng chia sẻ rằng, một rào cản cần tập trung giải quyết hiện nay là tháo gỡ những vướng mắc trong nội tại các chính sách về giảm nghèo. Bởi hiện một số chính sách giảm nghèo có những điểm bất hợp lý, chính sách đặc thù chưa phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng. Đó là chưa kể đến tình trạng một số chính sách có sự trùng lặp, việc phân bổ nguồn lực còn chồng chéo, phân tán và manh mún...

Trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm từ địa phương, lãnh đạo tỉnh Đăk Nông cho rằng, để thực hiện tốt hơn Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn vùng DTTS và miền núi, Trung ương cần có chính sách giảm nghèo phù hợp hơn. Đặc biệt là cần tập trung nguồn lực cho các dự án, chương trình trọng điểm phục vụ thiết thực cho phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho người nghèo đồng bào DTTS.

Đặc biệt, các nhà hoạch định chính sách cần nghiên cứu, tham mưu để Quốc hội, Chính phủ ban hành những chính sách phù hợp, giúp những hộ nghèo ổn định cuộc sống, hạn chế tình trạng không muốn thoát nghèo. Bên cạnh đó, Trung ương cần có chính sách riêng đối với các tỉnh nghèo có đông đồng bào DTTS. Có như vậy, mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững vùng đồng bào DTTS mới thực sự đạt.

Giai đoạn 2018-2020, tỉnh Đăk Nông cũng đã ban hành Đề án giảm nghèo theo Quyết định 1760/QĐ-UBND ngày 05/11/2018. Đề án thực hiện theo phương châm Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, người nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo. Theo Đề án, tỉnh tiến hành lựa chọn 1-2 địa bàn trọng điểm tại mỗi huyện để xây dựng kế hoạch cụ thể, tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững tại vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng DTTS và miền núi

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng DTTS và miền núi

Những năm qua, từ các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến trẻ em, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ và chăm sóc, giải quyết được những vấn đề cấp thiết đối với trẻ em. Song hiện nay, trẻ em vùng DTTS và miền núi vẫn còn đối diện với nhiều vấn đề cần giải quyết như, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, bạo lực, tai nạn thương tích…Xung quanh vấn đề này Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.