Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Đăk Tô (Kon Tum): Đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế vùng DTTS

Ngọc Chí - 12:36, 20/06/2024

Huyện Đăk Tô (Kon Tum) có trên 50% dân số là người dân tộc thiểu số (DTTS), với 17 thành phần dân tộc sinh sống. Những năm qua, huyện đã triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả nhiều chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước dành cho vùng đồng bào DTTS. Qua đó, từng bước rút ngắn khoảng cách giàu và nghèo giữa vùng đồng bào DTTS khó khăn với các vùng nông thôn khác và tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của huyện.

Diện mạo huyện Đăk Tô đang từng ngày đổi thay
Diện mạo huyện Đăk Tô đang từng ngày đổi thay

Đầu tư đồng bộ cho vùng DTTS

Với phương châm, triển khai thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, các chương trình, dự án phải đảm bảo phù hợp với thực tiễn, đúng quy trình, công khai, dân chủ, kịp thời, đúng và không bỏ sót đối tượng, đem lại hiệu quả cao đối với vùng DTTS trên địa bàn huyện. Trên cơ sở đó, các cơ quan, các xã, thị trấn đã chủ động triển khai thực hiện và tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện Đăk Tô xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch… để cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết của Huyện ủy, HĐND huyện đề ra. Qua đó, thúc đẩy và tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào DTTS nói riêng và giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện nói chung.

Ông Sa Phương – Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô cho biết: Đảng ủy, chính quyền huyện Đăk Tô luôn coi công tác dân tộc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của huyện. Từ năm 2019 đến nay, huyện đã ban hành nhiều Nghị quyết chương trình, kế hoạch công tác trong cả giai đoạn và hàng năm để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, thực hiện các chính sách an sinh xã hội và chăm lo đời sống Nhân dân ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.

Nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 đã đầu tư hoàn thiện hệ thống trường, lớp phục vụ công tác giảng dạy cho học sinh vùng DTTS huyện Đăk Tô
Nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 đã đầu tư hoàn thiện hệ thống trường, lớp phục vụ công tác giảng dạy cho học sinh vùng DTTS huyện Đăk Tô

Bằng nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia, từ năm 2022-2023, huyện đã đầu tư xây dựng hơn 250 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống của người dân trong vùng đồng bào DTTS. Tổng nguồn vốn thực hiện hơn 360 tỷ đồng. Đến nay, 100% xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa; các tuyến đường trục thôn, đường đi khu sản xuất, đường liên thôn được Nhà nước hỗ trợ để xây dựng kiên cố hóa đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; đã xây dựng 05 điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; 3/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Anh A Hít, thôn Đăk Manh 2, xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô chia sẻ: Trước đây, đường giao thông chưa được đầu tư, chủ yếu là đường đất, đi lại rất khó khăn. Từ năm 2020 trở lại đây, Nhà nước đầu tư đường giao thông nông thôn, điện chiếu sáng rất thuận tiện cho bà con. Ban đêm đi lại thuận tiện, hạn chế tai nạn giao thông, hàng hóa vận chuyển thuận lợi.

Vợ chồng A Đam (bên phải), thôn Kon Tu Peng, xã Pô Kô phấn khởi khi được hỗ trợ 2 con bò sinh sản từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719
Vợ chồng A Đam (bên phải), thôn Kon Tu Peng, xã Pô Kô phấn khởi khi được hỗ trợ 2 con bò sinh sản từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719

Đặc biệt, nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: Từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) được huyện quan tâm chỉ đạo, triển khai quyết liệt. Huyện đã đầu tư xây dựng 03 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 20 hộ; đầu tư bố trí ổn định hộ dân cư theo hình thức ổn định tại chỗ cho 797 hộ đồng bào DTTS; đầu tư xây dựng hơn 110 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS; nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất đã phát huy hiệu quả...

Ông A Đam, thôn Kon Tu Peng, xã Pô Kô, huyện Đăk Tô chia sẻ: Gia đình là hộ nghèo, tháng 8/2023 được xã hỗ trợ 2 con bò sinh sản. Sau gần 1 năm chăm sóc đã sinh thêm 1 bê con, bây giờ được tổng cộng 3 con. Việc Nhà nước hỗ trợ như thế này giúp gia đình có điều kiện phát triển sản xuất, sau này có thu nhập và vươn lên thoát nghèo.

Hướng đến phát triển bền vững

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong vùng đồng bào DTTS huyện Đăk Tô được nâng lên rõ rệt, kinh tế phát triển không ngừng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững. Thu nhập bình quân đầu người trong vùng đồng bào DTTS năm sau cao hơn năm trước; tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS giảm hằng năm trên 3%/năm. Đây là tiền đề quan trọng để các dân tộc huyện Đăk Tô tiếp tục đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững.

Ông Sa Phương – Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô cho biết: Để tiếp tục nâng cao đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện, UBND huyện tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông, vận động, hướng dẫn Nhân dân sử dụng giống mới có giá trị kinh tế cao, áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đầu tư tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả cây trồng, vật nuôi.

Đồng bào DTTS huyện Đăk Tô mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và liên kết sản xuất để nâng cao giá trị
Đồng bào DTTS huyện Đăk Tô mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và liên kết sản xuất để nâng cao giá trị

Cùng với đó, UBND huyện Đăk Tô chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm huy động tối đa nguồn lực của địa phương, kết hợp lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án và các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện. Trong đó, chú trọng việc thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, phát huy vai trò chủ thể của người dân, tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng, đảm bảo quy định và công khai, minh bạch.

Ông Lê Thanh Dũng – Phó Chủ tịch UBND xã Pô Kô, huyện Đăk Tô cho biết: Xã có hơn 90% dân số là đồng bào DTTS, từ nguồn vốn của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia xã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng – kinh tế xã hội; trong đó, ưu tiên các công trình điện thắp sáng nông thôn, cơ sở hạ tầng cho trường học, đường giao thông nội thôn, nội đồng. Đồng thời, tạo điều kiện cho các hộ nghèo được vay vốn và triển khai kịp thời các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào DTTS.

Huyện tiếp tục triển khai thực hiện tốt Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”. Phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS giúp dân phát triển kinh tế và xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc ngày càng vững chắc. Phấn đấu đến năm 2029, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS đạt từ 57 triệu đồng/năm trở lên; 87% xã đạt tiêu chí nông thôn mới…

Ông A Hlai (thứ hai từ phải sang), già làng thôn Kon Tu Jốp 1, xã Pô Kô tuyên truyền, vận động người dân chăm lo phát triển kinh tế và xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc
Ông A Hlai (thứ hai từ phải sang), già làng thôn Kon Tu Jốp 1, xã Pô Kô tuyên truyền, vận động người dân chăm lo phát triển kinh tế và xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc

Ông A Hlai, già làng thôn Kon Tu Jốp 1, xã Pô Kô, huyện Đăk Tô chia sẻ: Đảng, Nhà nước đầu tư rất nhiều cho vùng đồng bào DTTS. Với vai trò là già làng tôi luôn tuyên truyền, vận động bà con phải nỗ lực lao động, sản xuất, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Có như vậy mới không lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của của các cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, công tác dân tộc, các chính sách dân tộc đã và đang được huyện Đăk Tô triển khai, tổ chức thực hiện đồng bộ và có hiệu quả. Niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được củng cố, nâng lên. Tin rằng, tương lai không xa, huyện Đăk Tô sẽ vươn lên phát triển mạnh mẽ. 

Tin cùng chuyên mục