Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Đầm ấm gói bánh chưng ngày Tết

PV - 09:15, 16/01/2019

Thay vì mua bánh chưng gói sẵn trên thị trường, hiện nay nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Cư M’gar (tỉnh Đăk Lăk) vẫn còn duy trì tục gói bánh chưng trong ngày Tết. Những nồi bánh được nấu lên không chỉ đem đến cảm giác ấm cúng, gần gũi trong gia đình mà còn lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Một gia đình ở thị trấn Quảng Phú đang gói bánh chưng cho ngày Tết Nguyên đán. Một gia đình ở thị trấn Quảng Phú đang gói bánh chưng cho ngày Tết Nguyên đán.

Đã trở thành thông lệ, cứ đến ngày 26, hoặc 27 Tết, dù công việc có bận rộn đến đâu, gia đình anh Trần Văn Thành ở tổ dân phố 8 (thị trấn Quảng Phú) cũng cố gắng sắp xếp thời gian gói bánh chưng để bày lên bàn thờ tổ tiên ngày Tết. Bằng những nguyên liệu như: lá dong, thịt, gạo, đậu xanh, lạt tre…, qua bàn tay khéo léo của anh, những chiếc bánh chưng vuông vức, đầy đặn, đẹp mắt lần lượt thành hình.

Anh Thành cho biết, anh biết gói bánh chưng từ năm 16 tuổi, đến nay, gia đình anh đã qua bốn thế hệ duy trì việc gói bánh. So với bánh đi mua bên ngoài, bánh mình gói bao giờ cũng chất lượng hơn, đảm bảo khâu vệ sinh an toàn thực phẩm hơn, bởi khi gói anh chủ động tìm được nguyên liệu ngon, chất lượng để gói. Ví dụ như lá dong to, đẹp; gạo luộc có thêm chút lá riềng để khi chín bánh sẽ có màu xanh tự nhiên. Bánh ngon thì phải chọn được gạo, đậu tốt, thịt ướp và gia vị vừa đủ, không nhiều quá cũng không ít quá.

Hơn 30 năm qua, năm nào gia đình ông Lê Trọng Hùng ở thôn 3, xã Ea Kpam cũng đều rộn ràng trong ngày gói bánh chưng. Nhà ít người, gia đình ông thường “góp” với người thân, họ hàng để chung nồi bánh chưng. Chính vì thế, buổi gói bánh của gia đình bao giờ cũng đông người và rộn rã tiếng cười. Người lớn thì tỉ mỉ ngồi xếp lá, đãi gạo để gói sao cho vuông bánh, trẻ con thì ngồi cạnh bên tò mò, háo hức học gói…

Hình ảnh ấy vừa ấm cúng, vừa yên bình khiến không khí ngày giáp Tết trở nên ấm áp hơn. Tối đến, bên ánh lửa bập bùng, các thành viên trong gia đình lại quây quần bên nhau chờ bánh chín. Vừa canh chừng, vừa tâm sự, ôn lại những kết quả đã đạt được sau một năm phấn đấu đầy nỗ lực; cùng nhìn lại những việc đã làm và chưa làm được trong năm qua để hy vọng vào những điều tốt đẹp nhất trong năm mới...

Cùng với gia đình anh Tùng, ông Hùng, hiện nay trên địa bàn huyện Cư M’gar có không ít gia đình vẫn giữ được những nếp gói bánh chưng ngày Tết. Với nhiều gia đình, việc tự gói bánh chưng ngày Tết không chỉ đem lại cho gia đình những chiếc bánh chưng thơm ngon theo ý muốn, đảm bảo an toàn vệ sinh mà còn là cơ hội để con cháu trong gia đình, anh em bạn bè có dịp sum họp, hàn huyên cuối năm… Qua đó, góp phần giữ gìn và phát huy nét văn hoá ẩm thực truyền thống trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

TRUNG DŨNG

Tin cùng chuyên mục
Đặt tên âm và lên đèn – Nghi thức quan trọng trong lễ Cấp sắc của người Dao

Đặt tên âm và lên đèn – Nghi thức quan trọng trong lễ Cấp sắc của người Dao

Lễ Cấp sắc là nghi lễ thể hiện nhân sinh quan, tín ngưỡng, văn hóa của người Dao. Trong đó, “đặt tên âm và lên đèn” là một trong những nghi thức rất quan trọng, khi đó người thụ lễ được đặt pháp danh (tên âm). Sau khi trải qua nghi lễ này, người đàn ông Dao được công nhận là con cháu Bàn Vương, được trao quyền làm thầy, được cấp âm binh và được thờ cúng tổ tiên.