Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đắm say tiếng trống K’toang của người Chăm H’roi

T.Nhân-H.Trường - 00:12, 20/11/2023

Với người Chăm H’roi (một nhánh của dân tộc Chăm), sinh sống ở huyện Vân Canh (Bình Định), trống K’toang (hay còn gọi trống đôi), là di sản văn hóa độc đáo, là một trong những nhạc cụ đặc sắc nhất trong kho tàng âm nhạc của họ. Dù hiện nay, tiếng K’toang ít có dịp được vang lên, nhưng các nghệ nhân vẫn đang dồn tâm huyết để giữ gìn và nắm bắt các cơ hội để tiếng K'toang lại được "nói chuyện" với mọi người.

Trống K’toang thường được biểu diễn ở những lễ hội của người Chăm H’roi
Trống K’toang thường được biểu diễn ở những lễ hội của người Chăm H’roi

Không chỉ là tiếng trống giao duyên

Chúng tôi may mắn được chứng kiến màn trình diễn trống K’toang do các nghệ nhân Chăm H’roi ở huyện Vân Canh trình diễn, tại Ngày hội văn hoá các dân tộc miền Trung lần 4 năm 2023, tổ chức tại Bình Định hồi tháng 9 vừa qua. Hôm đó, những nghệ nhân Chăm H’roi say sưa trình diễn tiết mục trống K’toang trong niềm tự hào và kiêu hãnh về nhạc cụ của dân tộc mình. Nhiều người thích thú không chỉ bởi âm điệu ngẫu hứng, mạnh mẽ của trống, mà bên cạnh đó là đôi tay khéo léo vỗ trống hoà cùng điệu nhảy của đôi chân tạo nên màn trình diễn vô cùng độc đáo.

Màn trình diễn trống K’toang thường sẽ có nhiều người tham gia, nhưng trong đó hai người được chú ý nhất, là đôi nam nữ dùng bốn đầu ngón tay, bàn tay để ve, vuốt, vỗ trên bề mặt trống, tạo ra các âm sắc và tiết tấu khác nhau. Với K'toang, người chơi không chỉ đánh trống, chơi trống mà còn múa trống, đấu trống. Với đồng bào Chăm H’roi, tiếng K'toang gửi gắm nhiều tâm tình, tình cảm, khát vọng; tiếng K'toang kết nối cả cộng đồng, kết nối quá khứ với tương lai…

Theo lời các nghệ nhân chia sẻ, trống K’toang hay còn có tên gọi khác là trống giao duyên, trống gọi bạn, trống đối thoại…; trống K’toang nặng khoảng 4kg, gỗ để làm trống được chọn từ những cây rỗng ruột, mặt trống được kết bằng da bò già. Khi biểu diễn trống K’toang thường kết hợp với cồng 3, chiêng 5 tạo nên sự hoà quyện âm thanh thú vị.  Nếu như trước đây, người biểu diễn trống K’toang chủ yếu là những chàng trai khoẻ mạnh, thì hiện nay, thường được biểu diễn theo hình thức cặp đôi nam nữ. Từ khi có sự tham gia của các nữ nghệ nhân trong múa trống đôi, nhịp điệu trống càng như thăng hoa, làm cho nhiều người say mê hơn.

Các nghệ nhân Chăm H’roi đang biểu diễn trống K’toang
Các nghệ nhân Chăm H’roi đang biểu diễn trống K’toang

Là một trong những “nhân vật chính” biểu diễn trống K’toang tại Ngày hội văn hoá, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Ngọc Hương (57 tuổi, huyện Vân Canh) chia sẻ: Lúc còn nhỏ, bà thường thấy các già làng, nghệ nhân trình diễn trống đôi trong các lễ hội nên rất thích. Vì yêu thích nên bà đã tự tìm tòi, học hỏi gõ trống. Thấy bà đam mê nhạc cụ này, một số người cũng chỉ thêm cho bà. Khi đã thành thục những âm điệu, bà tham gia cùng các nghệ nhân đi trình diễn.

“Khi biểu diễn, đôi nam nữ sẽ mang trống vào vai, sau đó dùng tay vỗ trống tạo ra các nhiệu điệu lúc thăng, lúc trầm. Họ múa chân, đầu, thân hình theo nhịp trống mà chính đôi tay của họ tạo ra tiết tấu thưa nhặt, dồn dập. Âm điệu ngẫu biến trầm bổng, xếp lên nhau, gợi lên trong trí người nghe sự tưởng tượng những âm điệu róc rách của suối, bập bùng của lửa và mưa nguồn thác lũ của đại ngàn đang đến rất thú vị”, bà Hương nói thêm.

Cũng theo Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Thị Ngọc Hương, thú vị nhất là hình thức song tấu, tức đánh theo lối đối đáp. Khi ấy, cả nhạc cụ và người chơi sẽ cùng toát lên nét phóng khoáng, ngẫu hứng, mạnh mẽ. Hai người chơi đứng đối nhau, vừa nhún nhảy, hai tay vỗ liên hồi vào hai mặt trống tạo nên những thanh âm thú vị. Tiếng trống K’toang còn là lời thủ thỉ, lời tâm sự, đôi khi cả là giận hờn. Người Chăm H’roi sử dụng trống như thể “nói chuyện” với nhau.

Đưa tiếng trống K’toang thành sản phẩm du lịch đặc trưng

Chia sẻ với phóng viên, bà La Thị Huyền Giang, cán bộ Trung tâm Văn hoá Thông tin và Thể thao huyện Vân Canh cho biết: Các già làng kể lại, ngày xưa, trống K’toang dùng để thử tài giữa trai làng này với làng khác. Người đánh trước để “dẫn đường” bằng tiết tấu, người đánh sau đáp trả. Sự thắng - bại được mặc định bằng việc người đánh sau có đáp trả hòa hợp với tiết tấu của người đánh trước hay không; hoặc nếu khả năng thẩm âm của người đánh sau không tốt, đánh trùng với nhịp tay của người đánh trước thì xem như thua.

“Ví dụ người đánh trước đánh: P’lack-T’ing-T’ing (P’lack là đánh mạnh vào phần tang trống, còn T’ing là đánh vào phần mặt trống) thì người đánh sau sẽ đáp trả bằng: T’ing-P’lack-P’lack. Một khi người đánh trước và người đánh sau đều có khả năng thẩm âm tốt, có tài năng so kè nhau, điệu trống sẽ được đảo phách liên tục, khiến người nghe cảm nhận được sự rộn ràng, như giục giã; bằng ngược lại, sẽ làm cho tiếng trống trùng lắp, lạc điệu”, bà Giang cho hay.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Ngọc Hương là người nữ duy nhất biểu diễn thuần thục trống K’toang
Nghệ nhân Nguyễn Thị Ngọc Hương là người nữ duy nhất biểu diễn thuần thục trống K’toang

Cũng theo bà Giang, trường hợp nghệ nhân Ngọc Hương đánh trống K’toang được xem là “độc nhất vô nhị”, bởi trước bà Hương không có người nữ nào đánh trống K’toang cả. Theo quan niệm của đồng bào Chăm H’roi, nữ giới là hiện thân của sự mềm mỏng, nhu mì, nhẹ nhàng. Bàn tay của người phụ nữ chỉ có thể sử dụng các loại nhạc cụ nhẹ nhàng như đàn P’ró, hoặc loại kèn giống như kèn môi được làm bằng cọng lúa. 

“Đánh trống K’toang không phải là việc nhẹ nhàng. Việc dùng đôi bàn tay không để đánh cả phần mặt trống và tang trống, liên tục và mạnh mẽ, ngay với nam giới đã là một sự dụng sức. Đó là chưa kể đến việc mang trống trên vai khá nặng, phải di chuyển liên tục, động tác chân linh hoạt, sẽ phần nào làm giảm đi vẻ dịu dàng của người nữ. Nhưng khi nghe chị Hương gõ trống K’toang, không những tôi mà còn nhiều chị em người Chăm H’roi khác rất phấn khởi”, bà Giang bộ bạch.

Điều đáng mừng là hiện nay, tiếng trống K’toang không chỉ giới hạn trong phạm vi các buôn làng của đồng bào Chăm H’roi ở Bình Định, mà các nghệ nhân đã đưa âm điệu của tiếng trống ngày càng vang xa, thông qua các lễ hội văn hoá, ngày hội văn hoá được tổ chức tại các địa phương trên cả nước. 

Cùng với những nét văn hoá độc đáo khác, việc biểu diễn trống K’toang của người Chăm H’roi cũng là một trong các loại hình văn hoá nghệ thuật thu hút khách du lịch đến với Bình Định. Chính vì vậy, chính quyền địa phương cũng đang có các chính sách bảo tồn và phát huy để tiếng trống K’toang trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng.

Trao đổi về bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa từ trống K’toang, ông Nguyễn Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, cho hay: UBND huyện đã ban hành kế hoạch về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc huyện gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025. Huyện đã giao cho Phòng Văn hoá Thông tin, Trung tâm Văn hoá các xã, thị trấn tổ chức ghi hình phục dựng một số lễ hội văn hoá đặc sắc trên địa bàn huyện, trong đó có trống K’toang. 

"Sắp tới huyện sẽ xây dựng một số điểm đến về du lịch gắn với các sản phẩm đặc trưng  văn hoá của đồng bào trên địa bàn huyện. Trong đó, dệt thổ cẩm của người Ba Na ở làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận và biểu diễn trống K’toang của người Chăm H’roi đang được kỳ vọng sẽ là sản phẩm đặc trưng để thu hút du lịch”, Phó Chủ tịch huyện Nguyễn Xuân Việt khẳng định.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Hạn hán, nắng nóng kéo dài khiến cho hàng nghìn người dân ở các xã biên giới tỉnh Đắk Lắk thiếu nước sinh hoạt. Để giúp người dân vùng biên qua cơn khát, các đơn vị bộ đội đóng quân ở khu vực biên giới đã huy động nguồn lực khoan giếng làm công trình nước sinh hoạt tập trung, chở từng bồn nước khu dân cư hỗ trợ người dân.