Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nhịp hòa thanh của những bàn tay

Tiêu Dao - Hồng Hạnh - 11:40, 13/03/2023

Được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2016, những nghệ nhân và cả người dân miền sơn nguyên huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đang cố gắng gìn giữ và phát huy nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm của đồng bào Chăm H’roi, Ba Na trong đời sống hôm nay.

Nghệ thuật múa trống đôi của người Chăm Hroi. Ảnh Tấn Vịnh
Nghệ thuật múa trống đôi của người Chăm Hroi. Ảnh Tấn Vịnh

Di sản trong tay người

 Với đồng bào dân tộc Ba Na ở thôn Xí Thoại (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân), trống đôi, cồng ba, chiêng năm là tiếng lòng, là hồn thiêng. Nó không chỉ là loại hình nghệ thuật giải trí trong những ngày hội làng mà còn là phương tiện để “thông thiên” với thần linh, gắn kết tình đồng bào xây dựng cuộc sống và bảo tồn bản sắc văn hóa. Sự hòa quyện của ba loại nhạc cụ này trong âm điệu, tiết tấu và ngôn ngữ hình thể của người biểu diễn đã tạo nên một nghệ thuật trình diễn hết sức độc đáo. Khi múa, đòi hỏi người diễn phải ăn ý, hiểu ý nhau và giữ sự nhịp nhàng, uyển chuyển, tung hứng cho nhau.

Còn đối với người Chăm H’roi, không cần dùng lời, nghe tiếng trống đôi, đồng bào có thể cảm nhận được tâm tư, tình cảm vui buồn, nhớ nhung, giận hờn hay trách móc. Âm thanh của trống đôi, cồng ba, chiêng năm có nhiều điệu thức khác nhau như lúc chào mừng hay đón khách thì tiết tấu nhanh, vui tươi, rộn ràng; bước vào cuộc giao lưu, giai điệu lại lắng xuống, nhịp điệu trở về khoan thai, tình cảm; khi tiễn khách, âm điệu êm ái, thiết tha như muốn níu chân người… Trong lễ cầu hôn, nó tựa như lời nhắc nhở đôi trai gái yêu thương nhau, chung thủy.

Năm 2016, nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm của đồng bào Chăm H’roi, Ba Na ở thôn Xí Thoại được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm tự hào và cũng là động lực để đồng bào Ba Na và Chăm H’roi bảo tồn, phát huy giá trị của bộ nhạc cụ này.

Già làng La Chí Thái (thôn Xí Thoại) cho biết, bộ trống đôi, cồng ba, chiêng năm gồm 1 đôi trống đực và trống cái, đường kính mỗi trống 27 cm, chiều cao 40 cm; 3 chiếc cồng (có núm ở giữa), tên gọi theo mẫu hệ, thứ tự mẹ - con gồm mí (mẹ), mai (chị), con (con), có kích thước nhỏ dần: 53 cm, 43 cm, 31 cm; 5 chiếc chiêng (không có núm), tên gọi cao độ theo đồng bào đặt là pồng, pềnh, pang, poong, pếnh, có kích thước nhỏ dần: 37 cm, 34 cm, 32 cm, 30 cm, 28,5 cm. Ở thôn Xí Thoại có 7 hộ gia đình còn lưu giữ bộ nhạc cụ bộ trống đôi, cồng ba, chiêng năm như vật gia bảo.

Các nghệ nhân Chăm H’roi Bình Định biểu diễn múa trống đôi.
Các nghệ nhân Chăm H’roi Bình Định biểu diễn múa trống đôi.

Giữ nhịp hòa thanh cho mai sau

Trong nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm, mỗi loại nhạc cụ có điệu thức riêng. Chiêng năm giữ giai điệu khoan nhặt, thanh thoát, âm vang ngân xa. Cồng ba giữ bè trầm, sâu lắng mượt mà. Còn trống đôi gây ấn tượng mạnh nhất. Nó làm cho cuộc hòa thanh tìm được sự đồng điệu, hòa quyện vào nhau, đạt tới cao trào của sự hứng khởi.

Những nghệ nhân của đội trống đôi, cồng ba, chiêng năm như những nốt nhạc trong bản nhạc bất tận của núi rừng. Những nhịp điệu ấy đưa người nghe đong đưa theo tiếng xập xẻng, lục lạc… Tiếng trống đôi của các chàng trai với những động tác múa nhuần nhuyễn, tinh tế cùng cơ thể và đôi bàn tay mềm mại của các cô gái tạo nên chuỗi âm thanh tiết tấu đầy ngẫu hứng, lúc thưa nhặt nhẹ nhàng, khi dồn dập sôi nổi hết sức trữ tình.

Để nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm không bị mai một, nhiều lớp tập huấn, truyền dạy đã được tổ chức trên địa bàn huyện Đồng Xuân.

Hiện tại, chính quyền huyện Đồng Xuân và tỉnh Phú Yên đang xây dựng kế hoạch sưu tầm và ký âm các bài nhạc, đồng thời tổ chức để các nghệ nhân lớn tuổi truyền dạy cách biểu diễn nghệ thuật này đến thế hệ trẻ. Ghi âm, ký âm các bài nghệ thuật trình diễn để xây dựng kế hoạch bảo tồn.

Tin cùng chuyên mục
Lạc bước vào phố cổ Đồng Văn

Lạc bước vào phố cổ Đồng Văn

Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn không chỉ bởi khung cảnh thiên nhiên nên thơ, hùng vĩ mà còn có những khu phố cổ mang trong mình nhiều nét văn hóa đẹp của người dân địa phương. Nhắc đến phố cổ nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Hội An hay Hà Nội nhưng như thế là chưa đủ… Việt Nam còn có phố cổ Đồng Văn (Hà Giang)!