Người Chăm H’roi (còn gọi là Chăm Hời) sống gần gũi với người Ba Na, Ê-đê ở các huyện Vân Canh (Bình Định) và Đồng Xuân, Sơn Hòa (Phú Yên), vì vậy văn hóa Chăm H’roi có sự giao thoa độc đáo giữa các nền văn hóa khu vực.
Chúng tôi rất ấn tượng khi xem phục dựng Lễ mừng lúa mới (Quai Pthăi Brău) của đồng bào Chăm H’roi, trong đó có màn múa trống đôi. Tâm sự với chúng tôi, Nghệ nhân Lê Văn Ru, 82 tuổi, dân tộc Chăm H’roi trú tại huyện Văn Canh cho hay, lễ hội lớn của người Chăm H’roi không thể thiếu hòa tấu cồng 3, chinh 5 và trống đôi.
Trong màn múa trống đôi (K’toang) là điểm nhấn thể hiện sự linh thiêng của người Chăm H’roi gửi tới các đấng thần linh. Màn múa trống đôi đặc trưng, là chơi trong dịp đâm trâu, lễ cưới, lễ mừng sức khỏe diễn ra vào tháng Ba.
Trong màn trình diễn múa trống đôi, đôi nam, nữ nghệ nhân dùng cả hai tay vỗ vào hai mặt trống, nhún nhảy, lắc lư, đầu nghiêng bên này, ngó bên kia vô cùng sống động, múa theo cái tiết tấu do chính đôi tay họ tạo ra. Âm thanh 2 trống hòa quyện với nhau rất linh hoạt bởi trống này ngừng, trống kia đánh, trống này chậm rãi, trống kia dồn dập. Có cảm giác như một cuộc đối thoại, người này hỏi, người kia trả lời. Tiết tấu lúc mau, lúc thưa, khi nhịp nhàng, rồi bỗng dồn dập liên hồi. Sắc thái trên gương mặt của hai người múa trống xem ra rất ăn khớp với tiết tấu, nhịp điệu.
Đôi nam, nữ nghệ nhân biểu diễn, mỗi người một trống mang vào vai. Họ “tấn - thối” như một đôi võ sĩ trên đấu trường. Họ múa chân, đầu, thân hình theo nhịp trống mà chính đôi tay của họ tạo ra tiết tấu thưa nhặt, dồn dập. Có lúc “gờm” nhau như một cặp gà đá đang “thư hùng”. Âm điệu ngẫu biến trầm bổng, xếp lên nhau, gợi lên trong trí người nghe sự tưởng tượng những âm điệu róc rách của suối, bập bùng của lửa và mưa nguồn thác lũ của đại ngàn.
Điệu múa hai nghệ nhân biểu diễn có thể truyền cho nhau những ký hiệu biểu cảm như một cuộc giao tiếp, chuyện trò. Tiếng trống thay lời nói, điệu múa nói lên cách ứng xử, thích nhau thì âm điệu hai trống hòa quyện. Do đó nghệ thuật múa trống đôi phải là một cặp hiểu ý của nhau mới giữ cho cuộc vui trọn vẹn.
“Với cách biểu diễn này nên người ta không gọi là đánh trống mà là múa trống đôi. Các động tác đánh trống thường được mô phỏng theo dáng đi, kiểu chạy nhảy của muông thú. Biểu diễn trống đôi rất khó bởi đòi hỏi trí lực. Một cái trống nặng khoảng 4kg đeo trên người, đôi tay thường xuyên vừa múa và đập vào thành, mặt trống để tạo nên âm thanh chuẩn, đòi hỏi một người phải có sức khỏe. Vì vậy, phải là người có đủ sức khỏe, khéo léo, thẩm âm tốt mới có thể múa trống đôi giỏi…”, Nghệ nhân Lê Văn Ru cho hay.
Tiếng “trống đôi” vang lên hòa quyện với tiếng chiêng, tiếng cồng xướng lên khúc biến tấu nhịp nhàng, vừa pha trộn sự hào hùng, lãng mạn cuốn hút thanh niên nam nữ hòa chung vào màn múa sôi động. Ai đã một lần được hòa mình vào không khí lễ hội của người Chăm H’roi, không thể quên được âm thanh rộn ràng của trống và sự khéo léo của hai người múa trống đôi.
Một cái trống nặng khoảng 4kg đeo trên người, đôi tay thường xuyên vừa múa và đập vào thành, mặt trống để tạo nên âm thanh chuẩn đòi hỏi một người phải có sức khỏe. Vì vậy, phải là người có đủ sức khỏe, khéo léo, thẩm âm tốt mới có thể múa trống đôi giỏi…”
Nghệ nhân Lê Văn Ru