Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Dân ca các DTTS trước thử thách sinh tồn: Khó trao truyền (Bài 1)

Thúy Hồng - Văn Hoa - 17:44, 24/10/2021

Trong kho tàng âm nhạc dân tộc, những làn điệu dân ca mượt mà, sâu lắng như: Sình ca, Soọng cô, hát páo dung... đã làm nên bản sắc riêng, độc đáo của mỗi DTTS. Nhưng trước sự phát triển của đời sống xã hội, quá trình hội nhập và giao thoa văn hóa, loại hình dân ca của các DTTS đang đứng trước những thử thách nghiệt ngã của sự tồn vong.

Loại hình dân ca  của các DTTS hầu hết đều có âm hưởng, lời ca mượt mà, sâu lắng, thể hiện bản sắc riêng của mỗi dân tộc. Một đặc tính phổ biến của các làn điệu dân ca chủ yếu là hát giao duyên, hát đối, thiếu nhạc cụ, ít có "đất diễn"; đội ngũ truyền dạy đa phần tuổi cao, sức yếu; việc sưu tầm, nghiên cứu còn manh mún, tự phát,… nên gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển chọn, đào tạo lớp kế cận để có thể tiếp tục bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật đặc sắc này.

Một buổi luyện tập của các thành viên CLB Sình ca Cao Lan thôn Đồng Quân, xã Thắng Quân, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang)
Một buổi luyện tập của các thành viên CLB Sình ca Cao Lan thôn Đồng Quân, xã Thắng Quân, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang)

Đội ngũ người hát dân ca ngày càng "già hóa" 

Trong một dịp được tham dự Lễ kỷ niệm 5 năm ngày ra mắt Câu lạc bộ (CLB) Soọng cô Mỹ Khê, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), tôi đã rất ấn tượng bởi, chỉ là một Lễ kỷ niệm của một CLB dân ca nhỏ cấp thôn, mà có tới hàng chục các CLB dân ca khác trong tỉnh Vĩnh Phúc và các tỉnh khác như Tuyên Quang, Thái Nguyên… đến tham dự. 

Tuy nhiên, một điều không thể không suy nghĩ, đó là, hầu hết hội viên CLB Soọng cô Mỹ Khê đều trên 50 tuổi. Ngay cả nhóm khách đến từ các CLB tham dự cũng đều là những người lớn tuổi.

Nghệ nhân ưu tú Lê Đại Năm, Chủ nhiệm CLB Chợ Tình Đạo Trù, Trưởng Ban liên lạc (BLL) các CLB dân ca Sán Dìu Việt Nam, người đã có nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm các bài hát và sáng tác Soọng cô (lời mới), bộc bạch: Hiện nay cộng đồng người Sán Dìu cũng đã quan tâm hơn đến giữ gìn bản sắc văn hóa, nhưng nếu bà con không nỗ lực, và  không có sự quan tâm, hỗ trợ đầu tư của Nhà nước để bảo tồn di sản Soọng cô, thì cứ theo đà này, chắc chắn 10 năm nữa, sẽ có hơn một nửa số hội viên và CLB giải tán, khoảng 15 - 20 năm nữa, sẽ không còn ai biết hát Soọng cô.

Nỗi lo lắng của ông Năm là hoàn toàn có cơ sở. Theo thống kê ở 5 tỉnh có người Sán Dìu sinh sống, hiện nay có khoảng 70 CLB dân ca, trên 4.000 hội viên. Tuy nhiên, hơn 90% hội viên các CLB đã trên 50 tuổi, còn những người từ 40 tuổi trở xuống biết hát Soọng cô chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Em Trần Xuân Hải, 22 tuổi, dân tộc Sán Dìu tại xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cho biết: Mặc dù là người Sán Dìu, nhưng em không biết hát Soọng cô, bởi làn điệu này rất khó hát, không có nhạc cụ, nên dễ gây nhàm chán cho giới trẻ. Muốn học hát phải có thời gian và phải thực sự yêu thích thì mới hát được.

Không chỉ có làn điệu Soọng cô của người Sán Dìu, mà làn điệu Sình ca của người Cao Lan cũng đứng trước nguy cơ mai một, đặc biệt với những làn điệu dân ca cổ, tiêu biểu như: Hát ban ngày (chục cọô), còn được gọi là hát giao duyên hay hát ghẹo; hát ban đêm (cnắng coộ); hát đám cưới (chắu cọô), còn gọi là tửu ca; hát đổi danh (zoóng hòô cọô)…

Ông Tô Quang Đức, Chủ nhiệm CLB Sình ca Cao Lan thôn Đồng Cải, xã Đồng Quý, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) cho biết: Xã Đồng Quý có 8 thôn, mỗi thôn có 1 CLB với 15 - 20 thành viên. Tuy nhiên, chỉ có 50% các thành viên biết hát. Hội viên trẻ nhất cũng đã trên 50 tuổi.

Khi hỏi về nguyên nhân giới trẻ hiện nay không hào hứng với làn điệu dân ca của dân tộc, ông Đức trầm ngâm: Sình ca là một thể loại hát giao duyên, không có nhạc cụ, mà hát theo nhịp điệu theo thể thơ "thất ngôn tứ tuyệt", thường được trình diễn dưới nhiều hình thức, bối cảnh và không gian khác nhau. Để hát Sình ca thì cũng không phải quá khó, nhưng cần phải có thời gian tập mới có thể hát được.

Nghệ nhân ưu tú Lê Đại Năm, Chủ nhiệm CLB Chợ Tình Đạo Trù dạy hát Soọng cô cho các cháu nhỏ. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Nghệ nhân ưu tú Lê Đại Năm, Chủ nhiệm CLB Chợ Tình Đạo Trù dạy hát Soọng cô cho các cháu nhỏ.

Đâu là nguyên nhân

Theo ông Ngô Văn Khoa, Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, hiện nay, nhiều bạn trẻ không biết hát những làn điệu dân ca truyền thống, mà nguyên nhân chính là do giới trẻ chưa thực sự cảm nhận được ý nghĩa, nét tinh tế, cái đẹp trong những làn điệu dân ca. Trong khi đó, muốn bảo tồn làn điệu dân ca, thì phải trả về đúng nơi đã sinh ra nó, có nghĩa là chính cộng đồng dân tộc, đặc biệt là giới trẻ phải tự ý thức và có tình yêu đủ lớn để gìn giữ tài sản vốn quý của cha ông.

Tuy nhiên, cái khó khi học hát Soọng cô và Sình ca là truyền miệng và khó biểu đạt ra tiếng phổ thông. Với Soọng cô, người học cũng phải biết nói tiếng Sán Dìu mới hát được. Hiện nay, nhiều bạn trẻ không biết nói tiếng nói của dân tộc mình, vì vậy việc truyền dạy vô cùng khó khăn. 

Trong hát Soọng cô phải biết cách lấy hơi, ngân dài, ngắn nên dù có biết tiếng thì nghe cũng rất khó hiểu, ngay cả người biết nghe, biết nói tiếng mẹ đẻ cũng khó mà hiểu được. Đặc biệt, các bài dân ca chủ yếu được ghi chép theo chữ Nôm Cao Lan, Nôm Sán Dìu và khi dịch các bài hát ra chữ Quốc ngữ, thì cũng phụ thuộc vào khả năng của người dịch. Người dịch cũng cần có khả năng về thơ ca, hiểu biết sâu về văn hóa dân tộc, thì người học có thể hiểu và cảm nhận được cái hay của làn điệu dân ca đó.

Bên cạnh, đội ngũ truyền dạy tuổi cao, sức yếu, đội ngũ kế cận thiếu mặn mà, thì hầu hết các CLB dân ca hiện nay, chủ yếu là sinh hoạt theo kiểu tự phát, hoạt động manh mún, thiếu kinh phí cho hoạt động sưu tầm, giảng dạy.

Ông Trần Đức Thắng, Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa (Sở Văn hóa Tuyên Quang) cho biết: Hiện nay, các địa phương đã thành lập được rất nhiều CLB để bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc mình. Tuy nhiên, chưa có nguồn kinh phí nào hỗ trợ cho các CLB hoạt động. Kinh phí hoạt động của các CLB hiện nay, chủ yếu đều do kêu gọi xã hội hóa và các thành viên đóng góp. Việc thiếu kinh phí sẽ ảnh hưởng đến việc tạo được không gian, sân khấu biểu diễn… 

Khó trao truyền, không có kinh phí hoạt động... thực tế này đang là những trăn trở đặt ra trong công tác bảo tồn loại hình nghệ thuật dân ca hiện nay của cộng đồng sở hữu di sản và chính quyền sở tại.

Tin cùng chuyên mục
Tour du lịch độc đáo thăm làng "cá gỗ"

Tour du lịch độc đáo thăm làng "cá gỗ"

Dù ra mắt vào cuối năm 2023, song tính đến thời điểm hiện tại, sức hút của tour du lịch "Làng cá gỗ - sau ánh hào quang" vẫn chưa hề suy giảm. Về làng Quỳnh Đôi, du khách không chỉ có dịp ghé thăm vùng đất khoa bảng nức tiếng của xứ Nghệ mà còn được lắng nghe giai thoại về con cá gỗ, thấm thía câu chuyện của những người khai ấp lập làng, gian nan đưa thầy về dạy học để duy trì nghiệp đèn sách nơi đây.