Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nghề nghiệp - Việc làm

Đan lát - Nghề truyền thống độc đáo của người Khùa

Quỳnh Chi - Hương Giang - 07:01, 06/10/2021

Nghề đan lát đã gắn bó với người Khùa ở Quảng Bình từ thuở xa xưa. Hiện nay, nghề đan lát mây tre đang tiếp tục được đồng bào duy trì, gìn giữ.

Nghề đan lát đã gắn bó máu thịt, với người Khùa ở Minh Hóa. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Nghề đan lát đã gắn với người Khùa ở Minh Hóa từ lâu đời. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Lưu giữ linh hồn của người Khùa

Chúng tôi có dịp đến thăm đồng bào người Khùa (nhóm địa phương thuộc dân tộc Bru Vân Kiều) ở hai xã Dân Hóa, Trọng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình). Ở hầu hết các gia đình đều có những chiếc cu tôốc (mâm cơm), a chói (gùi), cà nhăng (gùi nhỏ), típ (giỏ nhỏ đựng cơm), cù pá (giỏ đựng cá)… được đan bằng mây, tre, vầu. Những dụng cụ ấy không chỉ phục vụ đời sống hàng ngày, mà còn thể hiện sự trân trọng giá trị văn hóa truyền thống của mỗi gia đình người Khùa.

Nhiều sản phẩm từ mây tre đan trở thành lễ vật không thể thiếu trong các nghi lễ quan trọng của người Khùa, như dịp cúng tế, cưới hỏi… Tại lễ cưới, trong các lễ vật mà nhà trai đưa đến nhà gái, có 3 sản phẩm của nghề đan lát, gồm cu tôốc, cà nhăng, típ. Trong đó, cu tôốc là một lễ vật bắt buộc.

Nếu những cô gái người Khùa giỏi thêu thùa, may vá, thì những chàng trai giỏi đan lát, đi rừng. Từ nhỏ, đàn ông người Khùa đã được dạy đan lát, thể hiện sự tài hoa, khéo léo của mình.

Ở bản Rôông, xã Trọng Hóa, cụ ông Hồ Xây nổi tiếng là nghệ nhân đan lát khéo nhất vùng. Nay đã 78 tuổi, nhưng ông vẫn nhanh nhẹn và tháo vát. Cụ Hồ Xây kể, từ năm 10 tuổi, cụ đã học đan lát, từ đó trở thành niềm say mê. Nghề đan lát đã gắn bó máu thịt, đến nỗi nhắm mắt cụ cũng có thể đan đẹp. Mỗi khi có nhà nào trong bản muốn đan cu tôốc, a chói làm quà cho con gái đi lấy chồng, họ lại đến nhờ cụ Xây đan.

Cụ chia sẻ, để làm nên những chiếc Cu Tôốc đẹp mắt, quan trọng nhất là kỹ thuật vót tre, vót mây phải đẹp, mềm mại, ngâm tẩm từng loại phải tốt thì khi đan, sản phẩm mới bóng và sắc sảo. Điều quan trọng nữa là tình yêu, niềm đam mê với nghề đan lát gửi gắm vào từng nan tre, sợi mây... Mỗi chiếc Cu Tôốc của người Khùa gồm 2 phần thân và đế. Tùy theo dụng ý sử dụng mà người nghệ nhân làm ra những chiếc Cu Tôốc to hay nhỏ, cũng như bố trí mức độ nông, sâu của bề mặt chiếc mâm cho phù hợp.

Sản phẩm đan xong, người Khùa treo lên gác bếp để hun khói. Khói bếp làm cho những sản phẩm này ngả sang mầu nâu đậm, hoặc vàng mật rất đẹp và bền.

Để hoàn thành mỗi chiếc Cu Tôốc, cụ Xây phải mất hơn 10 ngày, đó là chưa tính ngày đi rừng để lấy vật liệu. Nếu kiên trì ngồi đan thì mỗi tháng sẽ làm được 3 sản phẩm, mỗi sản phẩm bán được từ 1 đến 1,5 triệu đồng. Bình quân mỗi năm, cụ Xây cũng chỉ làm được 8 đến 10 chiếc Cu Tôốc, vài chục chiếc Cà Nhăng… Sản phẩm làm ra đều bán được hết, đặc biệt là trong ngày chợ phiên ở Y Leng, xã Dân Hóa.

Tại bản Rông, già làng Hồ Mai cũng được xem là một trong những người đan lát giỏi của xã Trọng Hóa. Hàng ngày, trong căn nhà sàn của mình, già Hồ Mai vẫn chăm chút vót từng sợi lạt để đan Cà Nhăng, Cù Pá, A Chói.

“Đã gọi là đan lát thì đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, khéo léo và kiên trì thì mới cho ra sản phẩm bền và đẹp được. Ở đây, hầu hết đàn ông đều biết đan lát, nhưng để kiên trì và sống được với nghề thì vẫn khó”, già Mai nói.

Một nghệ nhân ở xã Trọng Hóa đang giới thiệu sản phẩm mây, tre của mình với khách. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Một nghệ nhân ở xã Trọng Hóa đang giới thiệu sản phẩm mây, tre của mình với khách. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Tìm hướng đi mới cho sản phẩm đan lát

Bà Hồ Thị Thoi, Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa chia sẻ, những năm gần đây, sự phát triển không ngừng của các sản phẩm hiện đại khiến cho nghề đan lát truyền thống đang dần bị mai một. Thế nhưng, vẫn còn có những con người như già Hồ Xây, Hồ Mai, bằng sự đam mê, tâm huyết với các sản phẩm đan lát đã và đang góp phần giữ gìn, bảo tồn nghề truyền thống dân tộc. Đây là một nghề có tiềm năng những vẫn chưa được đầu tư đúng mức, địa phương rất cần các doanh nghiệp, cơ quan hỗ trợ quảng bá và mở lối tiêu thụ sản phẩm để tạo công ăn việc làm cho người dân.

Ông Đinh Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, đánh giá cao sản phẩm đan lát của đồng bào Khùa. “Chúng tôi đang hướng dẫn địa phương lập đề án, tổ chức lại sản xuất cho người dân để chủ động nguyên liệu và tăng năng suất, tạo thành sản phẩm trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Từ đó, huyện tiếp tục hỗ trợ xây dựng thương hiệu và tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân…”, ông Lĩnh nói.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình Đặng Đông Hà nhìn nhận, Chương trình OCOP ở các xã đang ngày càng tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp truyền thống chất lượng cao phục vụ rất tốt cho du lịch. Đây là những sản phẩm lưu giữ nét độc đáo của vùng đất mà du khách đến và mang theo về. Vật dụng mây tre đan do người Khùa tạo ra cũng là một trong số các sản phẩm lưu niệm đặc trưng đó.

Sở Du lịch đã có hướng dẫn, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch kết nối, lựa chọn những sản phẩm lưu niệm tiêu biểu để giới thiệu với du khách. Hơn thế, doanh nghiệp du lịch cần tham gia sâu hơn vào quá trình sản xuất của người dân, để nâng cao chuỗi giá trị, tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách du lịch, chứ không chỉ là các vật dụng đẹp.


Tin cùng chuyên mục
Bàn giải pháp đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Bàn giải pháp đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Tỷ lệ lao động (LĐ) chưa qua đào tạo còn cao, là rào cản lớn trong việc cải thiện việc làm, thu nhập ở khu vực nông thôn, miền núi. Trong bối cảnh thị trường LĐ ngày càng yêu cầu cao về tay nghề, bên cạnh mở rộng quy mô để tăng tỷ lệ LĐ qua đào tạo thì cũng cần tăng đào tạo kỷ năng mềm, trọng tâm là kỹ năng khởi sự kinh doanh.