Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nghề nghiệp - Việc làm

Nghề đan lát của đồng bào Cống ở Táng Ngá

Hoài Dương - 10:17, 04/08/2020

“Nghề đan lát của người Cống ở bản Táng Ngá đã có từ rất lâu đời. Đến nay người dân vẫn còn lưu giữ nghề truyền thống, vừa để giữ gìn bản sắc văn hóa, vừa cải thiện đời sống, vừa góp phần bảo vệ môi trường”, ông Lò Văn Thái, dân tộc Cống, Phó bản Táng Ngá, xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) chia sẻ.

Phó bản Lò Văn Thái là một trong nhiều người ở Táng Ngá còn duy trì nghề đan lát truyền thống.
Phó bản Lò Văn Thái là một trong nhiều người ở Táng Ngá còn duy trì nghề đan lát truyền thống.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà gỗ khang trang, Phó bản Lò Văn Thái cho biết, nghề đan lát đã gắn với đời sống của đồng bào Cống từ bao đời nay. Trong gia đình của người Cống, việc đan lát là việc của đàn ông. Do đó, từ lúc biết cầm dao đi rẫy, đi rừng thanh niên người Cống đã được ông nội và bố dạy cho cách đan những vật dụng trong gia đình. Bản Táng Ngá hiện có 97 hộ đồng bào dân tộc Cống thì hơn một nửa đàn ông trong bản vẫn duy trì nghề đan lát truyền thống.

Trong các sản phẩm đan lát của người Cống thì bem được cho là một trong những sản phẩm đặc trưng nhất. Bởi đối với đồng bào Cống, chiếc bem không chỉ là đồ đựng vật dụng thuần túy, thể hiện óc thẩm mỹ, bàn tay khéo léo của người đan, mà bem còn là một trong những vật dụng không thể thiếu để làm của hồi môn cho con gái về nhà chồng.

Chia sẻ về kỹ thuật đan bem, ông Thái cho biết: Bem gồm 4 phần chính, là khung, thân, nắp và quai đeo. Công đoạn đan được tiến hành từ đáy trở lên. Phần thân đan 2 lớp chắc chắn; khung bằng tre bọc bên ngoài là lạt mây. Nắp bem đan như phần thân nhưng không đan kín. Quai bem đan bằng cây giang nhờ vậy mềm, dễ đeo. Việc đan bem diễn ra quanh năm. Thường 1 năm 1 người đàn ông có thể đan được 12 chiếc bem. Người chăm chỉ, khéo tay có thể làm được tới 20 chiếc.

“Hiện nay, sản phẩm bem của người Cống trong bản còn được người dân địa phương khác đến tận nhà hỏi mua với giá bán 1 triệu đồng/chiếc, nhất là người Thái. Vì dân tộc Thái cũng có phong tục dùng bem làm của hồi môn cho con gái đi lấy chồng”, ông Thái chia sẻ.

Ngoài sản phẩm chính là bem, người Cống ở Táng Ngá còn làm một số sản phẩm phục vụ đời sống hằng ngày, như: Nong, nia, thúng, ghế, mâm, mẹt, bộ ép xôi, rỏ, giá…

Được biết, mặc dù nguyên liệu để làm ra những sản phẩm đan lát đều có sẵn trong tự nhiên, nhưng việc chọn nguyên liệu như thế nào để tạo ra một sản phẩm đẹp, bền không phải là chuyện dễ dàng, mà người thợ phải chọn cây giang, cây mây bánh tẻ để chẻ lạt cho thật mảnh, dai. Mây chỉ lấy dây già, leo trên cây cao, có màu vàng hoặc xanh, bảo đảm độ dẻo và không bị mọt. Khi mang về nhà không được để các nguyên liệu quá lâu sẽ bị khô, khó chẻ nan và không giữ được độ dẻo thích hợp.

Ngoài bem, những sản phẩm là vật dụng thiết yếu phục vụ sinh hoạt hằng ngày không chỉ được bà con trong bản sử dụng, mà người dân ở các bản làng khác cũng tìm đến mua ngày nhiều hơn. Bởi không chỉ bền, đẹp mà do ý thức của bà con đã được nâng cao trong việc hạn chế sử dụng các đồ dùng bằng nhựa, nylon, vật dụng khó phân hủy. Nhờ thế, nghề đan lát đã giúp đồng bào có nguồn thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng, giúp đồng bào trang trải cuộc sống hằng ngày.

Bà Lò Thị Nhẫn, người dân bản Táng Ngá chia sẻ: Mặc dù trong bản giờ đã có cửa hàng tạp hóa, có bán các vật dụng trong gia đình bằng nhựa đẹp, bắt mắt, tiện lợi, nhưng chị em phụ nữ chúng tôi vẫn sử dụng các sản phẩm đan lát trong sinh hoạt.

Nghề đan lát truyền thống không chỉ giúp đồng bào dân tộc Cống giữ được bản sắc dân tộc, góp phần có thêm thu nhập cải thiện đời sống, mà quan trọng hơn là với việc sử dụng những sản phẩm được tạo ra từ những nguyên liệu có sẵn trong thiên nhiên, dễ phân hủy, góp phần gìn giữ môi trường.