Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Đan Phượng: Phát triển mạnh sản phẩm OCOP

Mai Hương - CĐ - 13:58, 27/10/2021

Thực hiện Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP), thời gian qua, huyện Đan Phượng (T.P Hà Nội) đã tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Theo đó, nhiều sản phẩm đã được công nhận OCOP, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia các chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị nông sản, phát triển kinh tế theo hướng hiệu quả, bền vững.

Chị Đặng Thị Cuối, Giám đốc HTX rau hữu cơ Cuối Quý bên trang trại nông sản sạch được công nhận OCOP đạt chất lượng 3 sao cấp Thành phố.
Chị Đặng Thị Cuối, Giám đốc HTX rau hữu cơ Cuối Quý bên trang trại nông sản sạch được công nhận OCOP đạt chất lượng 3 sao cấp Thành phố.

Đa dạng sản phẩm OCOP

Nhận thấy rõ ý nghĩa quan trọng của việc thực hiện chương trình OCOP, UBND huyện Đan Phượng đã ban hành kế hoạch triển khai đồng bộ đến các xã, thị trấn; chỉ đạo xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực, như: Đông trùng hạ thảo, cây hoa lan, rau củ các loại...; Đồng thời, UBND huyện đã tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức cho cán bộ quản lý, điều hành chương trình OCOP cấp huyện, xã và các đơn vị, hợp tác xã (HTX), chủ hộ sản xuất có đăng ký tham gia chương trình về chuyên môn, phương thức quản lý, kinh doanh, chiến lược phát triển sản phẩm. 

Là một trong những người mạnh dạn đăng ký chương trình OCOP với sản phẩm rau hữu cơ, chị Đặng Thị Cuối, Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ Cuối Quý, huyện Đan Phượng chia sẻ: Rau hữu cơ là sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao. Tuy nhiên, trước đây HTX mới chỉ ở quy mô nhỏ, lượng tiêu thụ ít, chủ yếu là bán lẻ cho người dân và một số cửa hàng trên địa bàn huyện. Sau khi được cán bộ Phòng Kinh tế huyện hướng dẫn, định hướng tham gia chương trình OCOP, tôi nhận thấy đây là cơ hội để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường nên đã mạnh dạn đăng ký. Hiện nay, HTX đã trồng 5 ha rau hữu cơ. Nhờ được hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nên hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trước. Đến nay, HTX đã có 17 sản phẩm rau hữu cơ được công nhận OCOP đạt chất lượng 3 sao cấp Thành phố.

Theo ông Nguyễn Viết Đạt, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Đan Phượng,  bám sát tình hình thực tế địa phương, huyện đã tập trung, có nhiều giải pháp phát triển sản phẩm OCOP. Huyện đã tư vấn, hỗ trợ thành lập các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ từ các nhóm, hộ gia đình. Các HTX đã tham gia OCOP nâng cấp, tái cơ cấu các tổ chức kinh tế tham gia OCOP bằng cách hoàn thiện hệ thống tổ chức sản xuất và kinh doanh. Ngoài ra, huyện còn tổ chức các hội nghị, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị nhằm làm rõ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chương trình OCOP gắn với xây dựng Nông thôn mới (NTM); đồng thời, đa dạng hoá hình thức truyền thông, chú trọng vào hình thức truyền thông qua mạng xã hội.

Tính đến hết tháng 9/2021, huyện Đan Phượng đã thực hiện có hiệu quả việc xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP với nhiều hình thức; tham gia các chương trình do Văn phòng Điều phối xây dựng NTM thành phố Hà Nội tổ chức như: Chợ đêm trên mây, kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền trên nền tảng số tập huấn online; xúc tiến thương mại, hội nghị kết nối đối tác OCOP nhằm cung cấp dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm; kết nối sản phẩm OCOP vào các trung tâm thương mại, siêu thị lớn, các điểm bán hàng OCOP trong và ngoài Thành phố; triển khai chương trình phát triển thương mại điện tử đối với sản phẩm OCOP...

HTX Đan Hoài ở Thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng đã xây dựng thành công thương hiệu lan Hồ Điệp mang tên "Flora Việt Nam” đạt chất lượng OCOP 3-4 sao.
HTX Đan Hoài ở Thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng đã xây dựng thành công thương hiệu lan Hồ Điệp mang tên "Flora Việt Nam” đạt chất lượng OCOP 3-4 sao.

Đến nay, huyện Đan Phượng đã có hơn 56 sản phẩm OCOP được đánh giá cao, xếp hạng từ 3-4 sao, tập trung ở nhóm thực phẩm, đồ uống và cây cảnh. Trong đó có 21 sản phẩm 4 sản phẩm thuộc nhóm hoa lan Hồ Điệp, trà xạ đen, chân gà, đông trùng hạ thảo; 35 sản phẩm 3 sao thuộc nhóm rau, quả, rượu, nem phùng, khoai lang kén, bưởi. Đây cũng là nhóm sản phẩm được huyện Đan Phượng tập trung phát triển.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Bên cạnh kết quả đạt được nói trên, việc thực hiện Chương trình OCOP ở Đan Phượng cũng còn những khó khăn, hạn chế nhất định. Đó là, một số doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp chưa thực sự mặn mà tham gia vào chương trình; chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP chưa nhiều; thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP chưa thực sự được mở rộng...

Thời gian tới, phát huy những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế, UBND huyện Đan Phượng sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, trực tiếp là Phòng Kinh tế đẩy mạnh phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, khuyến khích, hướng dẫn người dân tham gia chương trình OCOP.

 Ðồng thời, tăng cường mở các lớp tập huấn xây dựng các sản phẩm OCOP, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa các sản phẩm OCOP mới như: nấm hương, nước uống đóng chai, ngũ cốc…; xây dựng điểm giới thiệu, bán hàng; tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài Thành phố.

Hy vọng, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, chương trình OCOP của huyện Đan Phượng chắc chắn sẽ tiếp tục đạt được những kết quả mới, góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm hàng hóa nông sản, góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, và đưa Đan Phượng hoàn thành sớm mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.