Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Chương trình OCOP: Tạo sức lan toả, nâng cao giá trị sản phẩm Việt Nam

Thúy Hồng - 16:41, 23/03/2021

Sáng 23/3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị toàn quốc Tổng kết Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020.


Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình OCOP quốc gia; đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; cùng đại diện lãnh đạo của 34 tỉnh thành và các doanh nghiệp, các Hợp tác xã (HTX) chủ thể OCOP tiêu biểu. Về phía Ủy ban Dân tộc có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải tham dự Hội nghị. 

Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 7/5/2018 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020. Sau gần 3 năm triển khai Chương trình OCOP, có 4.469 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên của 59 tỉnh, thành phố, vượt 1,86 lần so với mục tiêu giai đoạn 2018-2020.

Hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại đã được chú trọng triển khai từ Trung ương đến địa phương. Các địa phương đã tổ chức 66 hội chợ về sản phẩm OCOP (cấp tỉnh, huyện) với trên 10.000 gian hàng; 1.016 hợp đồng, bản ghi nhớ hợp tác giữa các chủ thể OCOP và đơn vị thương mại được ký kết; trong đó, 354 chủ thể có sản phẩm được phân phối ổn định trong các hệ thống siêu thị, nhất là Central Retail, Saigon Coop, Mega Market... và một số siêu thị địa phương.

Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã được các địa phương triển khai hiệu quả như: Hội chợ OCOP thường niên của tỉnh Quảng Ninh; chuỗi sự kiện kết nối sản phẩm các vùng miền của thành phố Hà Nội; nhịp cầu xúc tiến thương mại và đầu tư gắn với OCOP của tỉnh Đồng Tháp;... Từ đó, góp phần tạo sức lan tỏa, nâng cao hình ảnh sản phẩm và thương hiệu OCOP Việt Nam trên thị trường.

Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, góp phần giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Kết quả đánh giá của các địa phương cho thấy, có 60,7% chủ thể OCOP đạt từ 3 sao trở lên có doanh thu tăng bình quân 17,6%/năm; giá bán các sản phẩm sau khi được chính thức công nhận OCOP tăng bình quân 12,2%.


Các tập thể được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
Các tập thể được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: Sau 3 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP, góp phần tạo việc làm cho lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. 

“Nhiều sản phẩm được gắn sao OCOP có chất lượng rất tốt, mẫu mã của sản phẩm vùng núi không kém gì các sản phẩm tinh xảo của miền xuôi, thậm chí là quốc tế. Số lượng các sản phẩm đạt 3 sao trở lên đạt gần 4.500. Điều này cho thấy sự thành công của chương trình trong giai đoạn 1”, ông Cường cho biết.

Các tập thể, cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Các tập thể, cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được khi triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chương trình OCOP là nội dung, nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Chương trình đã góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng chỉ ra một số khó khăn trong thực hiện chương trình đó là: Một số địa phương vào cuộc còn chậm; một số nơi còn chạy theo phong trào, chưa dựa vào đặc trưng, lợi thế của địa phương để phát triển sản phẩm; nhiều sản phẩm mới chú ý đến mẫu mã, bao bì, chưa chú ý đến chất lượng; công tác xúc tiến thương mại còn manh mún; nguồn vốn cho Chương trình OCOP còn khó khăn...

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đại biểu thăm quan các gian hàng OCOP bên lề Hội nghị
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đại biểu thăm quan các gian hàng OCOP bên lề Hội nghị

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời gian tới, phát triển Chương trình OCOP phải trên cơ sở cung - cầu, gắn với điều kiện, tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng miền để làm chứ không thực hiện theo phong trào; chú trọng các loại hình kinh tế tham gia OCOP, trong đó HTX, doanh nghiệp phải là "đầu tàu" trong liên kết nông dân sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm. Chính phủ và các địa phương cũng sẽ xây dựng cơ chế, chính sách, hỗ trợ về vốn, đất đai, thuế, khoa học công nghệ để doanh nghiệp, HTX, các tổ chức, cá nhân... phát triển sản phẩm OCOP.

Công bố hệ thống quản lý và giám sát sản phẩm OCOP quốc gia trên website: http/ocopvietnam.gov.vn
Công bố hệ thống quản lý và giám sát sản phẩm OCOP quốc gia trên website: http/ocopvietnam.gov.vn

Tại Hội nghị,  nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhân dịp này, cũng diễn ra Lễ tổ chức công bố hệ thống quản lý và giám sát sản phẩm OCOP quốc gia trên website: http/ocopvietnam.gov.vn