Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Đảng bộ huyện Lục Nam (Bắc Giang): Tạo đột phá trong phát triển vùng dân tộc thiểu số

Thúy Hồng - 09:59, 05/08/2020

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, Đảng bộ huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp tổ chức triển khai thực hiện và đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực, hoàn thành và hoàn thành vượt mức 17/17 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI đã đề ra, tạo “đòn bẩy” đưa huyện Lục Nam trở thành huyện phát triển khá của tỉnh Bắc Giang.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông (thứ 3 từ trái sang) và Bí thư Huyện ủy Lục Nam Thân Văn Dàn (thứ 2 từ trái sang) trò chuyện cùng các đại biểu tại Đại hội các DTTS huyện Lục Nam lần thứ III, năm 2019.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông (thứ 3 từ trái sang) và Bí thư Huyện ủy Lục Nam Thân Văn Dàn (thứ 2 từ trái sang) trò chuyện cùng các đại biểu tại Đại hội các DTTS huyện Lục Nam lần thứ III, năm 2019.

Phát triển kinh tế là mục tiêu trọng tâm

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo thực hiện các mục tiêu theo lộ trình từng năm, bám sát các chỉ tiêu Đại hội. Theo đó Đảng bộ huyện đã ban hành và triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm để hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa ứng dụng khoa học - kỹ thuật (KH-KT), công nghệ cao, dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, xây dựng thương hiệu và công tác quảng bá, xúc tiến thương mại; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.

Nhờ đó, quy mô sản xuất một số cây trồng, vật nuôi có lợi thế của địa phương đã tăng nhanh, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp chất lượng, như: Trà hoa vàng Lựu Chanh; khoai lang Bắc Lũng; vùng trồng cây ăn quả trên 6.500ha như tại các xã Lục Sơn, Vô Tranh, Nghĩa Phương; vùng lúa chất lượng tập trung với diện tích khoảng 700ha cùng hơn 30 mô hình nhà màng, nhà lưới để sản xuất rau, quả an toàn theo gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, UBND huyện còn huy động mọi nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho Nhân dân phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), nhất là người dân vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK), vùng DTTS của huyện. Minh chứng như tại Lục Sơn là xã ĐBKK của huyện, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 17%. Nhờ được đầu tư các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, tập huấn chuyển giao KH-KT đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao, nhiều hộ gia đình, đảng viên làm kinh tế giỏi.

Ông Đăng Văn Thành, thôn Vĩnh Tân, xã Lục Sơn cho biết: Từ năm 2013, nhờ được tập huấn KH-KT, chuyển đổi cây trồng, gia đình ông đã mạnh dạn chuyển đổi cây hồng kém hiệu quả sang trồng nhãn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với diện tích 1ha nhãn, mỗi năm gia đình ông Thành thu lãi khoảng 150 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông còn tận dụng hoa nhãn nuôi được 100 đàn ong lấy mật, mỗi năm thu khoảng 80 triệu đồng, góp phần nâng cao thu nhập của gia đình, trở thành hộ gia đình có thu nhập khá của thôn. Nhiều năm liền ông Thành được công nhận là đảng viên phát triển kinh tế giỏi của địa phương.

Đảng bộ huyện Lục Nam (Bắc Giang): Tạo đột phá trong phát triển vùng dân tộc thiểu số 1

Thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững

Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ huyện Lục Nam cũng đã thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, đặc biệt là đối với vùng ĐBKK, vùng DTTS và miền núi. Hoàn thành vượt 17/17 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020. Tỷ trọng ngành Nông nghiệp giảm dần còn 29,6%; tỷ trọng ngành Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp và xây dựng chiếm 42,2%; thương mại, dịch vụ chiếm 28,2%...

Đảng bộ huyện cũng đã chỉ đạo triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế đối với các xã, thôn ĐBKK và vùng đồng bào DTTS, như: Chương trình 135 về xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cộng đồng cho các xã, thôn, bản ĐBKK; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho vùng đồng bào DTTS… với tổng nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ trên 534 tỷ đồng, hỗ trợ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội gần 560 tỷ đồng để phát triển sản xuất.

Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 3,87%. Trong đó, các xã ĐBKK tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,98%, bình quân giảm 9,35%/năm, thu nhập bình quân đạt 3.023 USD/người/năm tương đương 70 triệu đồng/người/năm. Toàn huyện đã có 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), chiếm 56% số xã; bình quân toàn huyện đạt 15,76 tiêu chí/xã; có 8 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu; 1 xã đạt xã NTM nâng cao.

Nói về những kết quả đạt được trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, phát triển kinh tế của địa phương, ông Thân Văn Dàn, Bí thư Huyện ủy Lục Nam cho biết: Địa phương xác định, tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, KT-XH. Thông qua các nguồn lực được đầu tư, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện rõ rệt; thu nhập của đại bộ phận dân cư nông thôn không ngừng tăng lên; người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa xã hội ngày càng tốt hơn.

Những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua là tiền đề quan trọng để cán bộ, Nhân dân huyện Lục Nam tiếp tục thi đua phấn đấu thực hiện thắng lợi chỉ tiêu nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020 - 2025, rút ngắn khoảng cách giữa các xã vùng ĐBKK với các xã, thị trấn khác trong huyện, đưa Lục Nam phát triển là huyện khá của tỉnh, đạt chuẩn NTM vào năm 2024.