Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Đánh giá thực chất kết quả 3 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719

Thúy Hồng - 16:00, 26/06/2023

Sáng 26/6, tại Tp. Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang), Ủy ban Dân tộc phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi từ năm 2021 - 2023; Giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023 - 2025 và định hướng triển khai giai đoạn 2026 - 2030. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025, Tổ trưởng Tổ công tác về Chương trình MTQG 1719; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Đinh Thị Phương Lan; Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Vinh Tơr - Tổ phó Tổ công tác về Chương trình MTQG 1719; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn - Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Tuyên Quang đồng chủ trì Hội nghị.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh phát biểu khai mạc Hội nghị
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh phát biểu khai mạc Hội nghị

Dự Hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm, đại diện lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang. Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh miền núi phía Bắc cùng 300 đại biểu là cán bộ, doanh nghiệp, HTX của 19 tỉnh miền núi phía Bắc.

Hội nghị nhằm đánh giá, nắm bắt những khó khăn trong việc triển khai thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2021 - 2023 tại các địa phương vùng miền núi phía Bắc. Qua đó, tìm ra những giải pháp tháo gỡ vướng mắc để thực hiện hiệu quả Chương trình trong giai đoạn 2023 - 2025 và định hướng triển khai trong giai đoạn tới.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết: Thời gian vừa qua, triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia nói chung trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã được các cơ quan Trung ương và địa phương tích cực triển khai. Tuy nhiên, qua đánh giá tại các hội nghị của Quốc hội và Chính phủ kết quả so với yêu cầu còn chậm, chưa đáp ứng được mong muốn của Chương trình và mong mỏi của Nhân dân.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh thông tin, vừa qua, Quốc hội cũng đã tiến hành các hoạt động giám sát, lớn nhất là cuộc giám sát tối cao của Quốc hội. Kết quả giám sát sẽ được báo cáo với Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023. Hiện nay Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội đang tiến hành giám sát việc triển khai Chương trình tại các bộ, ngành, các địa phương và tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, thì đây cũng là một chủ đề được Quốc hội rất quan tâm thảo luận.

Quốc hội đã ban hành 2 nghị quyết. Thứ nhất là Nghị quyết chung của kỳ họp. Thứ hai là Nghị quyết chuyên đề về chất vấn trong đó có lĩnh vực công tác dân tộc. Trọng tâm là việc triển khai Chương trình MTQG 1719. Tại Nghị quyết đã nêu là giao cho Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và các cơ quan chủ trì các Chương trình mục tiêu quốc gia tiến hành việc rà soát lại toàn bộ các chương trình, các nội dung mục tiêu nguồn lực, để báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi, để làm sao cho chương trình để triển khai nhanh nhất.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện về đẩy mạnh việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình MTQG 1719, trong đó nêu rõ Ban Chỉ đạo quốc gia các Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ tiến hành tổ chức cuộc họp chung của 3 chương trình vào tháng 7. Trước đó, thì các bộ, ngành chủ trì các chương trình tiến hành sơ kết 3 năm.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cũng thông tin, hiện nay, cơ bản tất cả các nội dung này đã hoàn thành, Thủ tướng Chính phủ đã  ký ban hành Nghị định 38 sửa đổi Nghị định 27. Theo đó, hai bộ là Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài chính sẽ căn cứ vào Nghị định sửa đổi mới để rà soát, điều chỉnh 2 thông tư, gồm Thông tư 15 của Bộ Tài chính và Thông tư 02 của Ủy ban Dân tộc.

“Tại Hội nghị hôm nay, điều chúng tôi mong muốn nhất là chúng ta có 10 dự án, các đối tượng, địa bàn, đã được phân định theo các Quyết định và các văn bản hướng dẫn kèm theo cơ bản tương đối rõ ràng. Nhưng một câu hỏi được Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đặt ra: Tại sao có nguồn vốn của Trung ương lại mắc kẹt như thế. Câu hỏi đặt ra là do cơ chế, do thủ tục hành chính, do công tác phối hợp, hay là do ta xác định địa bàn đối tượng, hay nội dung các dự án có những vấn đề gì cần phải điều chỉnh hay không”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh nhấn mạnh.

Ông Hà Việt Quân - Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG 1719 báo cáo tại Hội nghị
Ông Hà Việt Quân - Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG 1719 báo cáo tại Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị, ông Hà Việt Quân - Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG 1719 cho biết: Với sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương; sự nỗ lực, quyết tâm cao và tính chủ động trong phối hợp của cơ quan chủ trì Chương trình với các bộ, cơ quan Trung ương, thành viên Tổ công tác, đến nay cấp Trung ương đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, ban hành văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện về Chương trình MTQG 1719.

Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn, nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 của Chương trình MTQG 1719 đã được cấp có thẩm quyền thông qua là 50.000 tỷ đồng. Trên cơ sở Nghị quyết số 517/NQ-UBTVQH ngày 22/5/2022 và Nghị quyết số 659/NQ-UBTVQH ngày 14/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao 49.555,593 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các địa phương thực hiện Chương trình. Các địa phương đã hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Chương trình.

Năm 2022 đã phân bổ tổng số 14.429 tỷ đồng vốn của chương trình từ ngân sách Trung ương (gồm: 9.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 5.429 tỷ đồng vốn sự nghiệp); số vốn năm 2023 là 26.433,812 tỷ đồng. Đối với 19 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, tổng số vốn được giao giai đoạn 2021 - 2023 là 26.536.057 triệu đồng (gồm 14.994.003 triệu đồng vốn đầu tư phát triển và 11.542.054 triệu đồng vốn sự nghiệp), trong đó nguồn vốn từ các tỉnh thực hiện Chương trình bằng ngân sách địa phương là 3.162.153 triệu đồng (chiếm khoảng 11.92%) cụ thể: Năm 2022 (bao gồm cả kinh phí năm 2021) nguồn vốn chương trình được phân bổ 15.898.453 triệu đồng. Năm 2023 là 26.079.399 triệu đồng.

Kết quả thực hiện giải ngân Chương trình MTQG 1719 nguồn vốn được giao giai đoạn 2021 - 2023 đến thời điểm 31/5/2023 của 19 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc là 5.695.016 triệu đồng, đạt 21.46%; gồm vốn đầu tư phát triển là 4.892.539 triệu đồng vốn sự nghiệp là 802.477 triệu đồng.

Theo ông Hà Việt Quân, Chương trình MTQG 1719 mới được đưa vào tổ chức tại thực tiễn địa phương từ nửa cuối năm 2022, tuy nhiên bằng sự nỗ lực và tính chủ động của nhiều địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện và lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh, mà một số chỉ tiêu ước đến 31/12/2023 hoàn thành, vượt mục tiêu kế hoạch được giao, như: Tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào DTTS của 19 tỉnh khu vực phía Bắc bình quân đạt 3,61% (đạt so với mức trên 3% mục tiêu kế hoạch giao). Trong đó một số địa phương đã vượt mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao, như: Lai Châu (193,3%), Thái Nguyên (168%), Tuyên Quang (166,7%)...; 99,2/100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 90,1/100% trường, lớp học được xây dựng kiên cố; 92,3/100 trạm y tế được xây dựng kiên cố; 98,6/99% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia…

Bên cạnh những kết quả đạt được, sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc. Nguyên nhân mặc dù Chương trình có quyết định triển khai từ năm 2021, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến giữa năm 2022, kế hoạch vốn ngân sách Trung ương mới được giao thực hiện các Chương trình MTQG, nên việc phân bổ vốn tại các địa phương chậm, ảnh hưởng đến công tác thực hiện và giải ngân năm 2022, nhất là đối với các dự án quy mô lớn. Song song với đó, việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình của một số địa phương, đơn vị nhất là một số UBND cấp huyện, cấp xã thời gian đầu ban hành còn chung chung, chưa sát với yêu cầu phát triển của địa phương hoặc do nhiệm vụ và giải pháp chưa gắn với thực tiễn nên phải điều chỉnh, bổ sung.

Nhu cầu nguồn lực để thực hiện 3 chương trình MTQG tại địa phương là rất lớn (nhất là vốn đầu tư phát triển). Tuy nhiên trên thực tiễn, việc lồng ghép các nguồn vốn thực hiện bị hạn chế bởi các quy định về địa bàn thực hiện, nhiều địa phương gặp khó trong xác định sự trùng lặp về “địa bàn”, được hiểu là trong phạm vi nào (xã, thôn, bản hay đối tượng thực hiện cụ thể), do đó gặp khó khăn trong việc lập, xây dựng kế hoạch.

Ông Đầu Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại Hội nghị
Ông Mai Xuân Bình - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại Hội nghị

Đặc biệt Chương trình MTQG 1719 có nội dung rộng, quy mô lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực thuộc thẩm quyền trách nhiệm quản lý của nhiều ngành, nên khó tránh khỏi những vấn đề phát sinh về quy định, nội dung hướng dẫn trong quá trình hoàn thiện cơ chế chính sách. Hiện nay còn sự thiếu đồng bộ và chưa đầy đủ hướng dẫn thực hiện cụ thể đối với cơ chế lồng ghép nguồn lực, phân cấp phân quyền trong quy định tại Luật, văn bản pháp lý được ban hành từ cấp trung ương nên nhiều địa phương gặp lúng túng, vướng mắc trong thực tiễn triển khai chính sách.

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã đánh giá, nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Chương trình tại cơ sở.

Ông Mai Xuân Bình - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Vùng DTTS và miền núi tỉnh Thanh Hóa gồm 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã có xã, thôn miền núi, với 174 xã, thị trấn/1.551 thôn, bản, khu phố.

Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã góp phần thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của tỉnh; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi giảm từ 19,9% xuống còn 15,19% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025 (giảm 4,81%), tỷ lệ hộ nghèo DTTS năm 2022 giảm từ 27,23% xuống còn 19,86% (giảm 7,37%); thu nhập bình quân đầu người khu vực miền núi năm 2022 đạt 38,12 triệu đồng, thu nhập bình quân của người DTTS và miền núi năm 2022 đạt 34,6 triệu đồng.

Trong năm 2023 Thanh Hóa được phẩn bố nguồn vốn là 984.349 triệu đồng (vốn kế hoạch giao năm 2023 là 759.892 triệu đồng, vốn kế hoạch giao năm 2022 kéo dài sang năm 2023 là 224.457 triệu đồng). Trong đó vốn đã được HĐND tỉnh phân bổ chi tiết là 798.485 triệu đồng, bằng 81% kế hoạch, vốn chưa phân bổ chi tiết là 185.864 triệu đồng, bằng 19% kế hoạch. Tính đến ngày 13/6/2023 Thanh Hóa mới giải ngân được 68.844 triệu đồng, bằng 8,62% kế hoạch.

Ông Nguyễn Thế Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại Hội nghị
Ông Nguyễn Thế Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại Hội nghị

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc triển khai thực hiện chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua có một số khó khăn, vướng mắc. Các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều nội dung, cơ chế thực hiện và cách thức triển khai mới so với giai đoạn trước, trong khi đó Trung ương còn chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, dẫn đến lúng túng trong quá trình thực hiện ở địa phương, nhiều nội dung mặc dù đã được bố trí vốn nhưng không thể triển khai, phải thực hiện điều chỉnh hoặc chậm được giải ngân.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ, đối với tỉnh Thanh Hóa tỷ lệ vốn đối ứng ngân sách địa phương hằng năm thực hiện Chương trình MTQG vùng đồng bào DTTS và miền núi tối thiểu bằng 10% tổng vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ. Tuy nhiên, do Chương trình được phê duyệt và quy định tỷ lệ vốn đối ứng sau thời điểm quyết định kế hoạch vốn trung hạn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025, nên việc bố trí vốn đối ứng thực hiện theo tỷ lệ quy định là rất khó khăn.

Còn ông Nguyễn Thế Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết: Theo nguồn vốn giao cho các địa phương thực hiện được phân bố đến từng dự án, do vậy các địa phương không chủ động trong công tác ưu tiên nguồn lực cho các dự án có nhu cầu ưu tiên bổ sung nguồn vốn để thực hiện. Đồng thời không thực hiện việc điều chỉnh nguồn vốn từ các dự án khó có khả năng giải ngân nguồn vốn sang các dự án có thể triển khai dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, một số nội dung chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân nhưng các địa phương được giao nguồn vốn đầu tư phát triển, do vậy sẽ không có khả năng thực hiện nếu không có sự điều chính các quy định, hướng dẫn của Trung ương.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Đinh Thị Phương Lan phát biểu tại Hội nghị
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Đinh Thị Phương Lan phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, bà Đinh Thị Phương Lan - Phó Chủ tịch của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho biết: Có thể nói, Chương trình MTQG 1719 là một Chương trình rất đặc thù, vì nó là tổng hợp của nhiều ngành, cơ quan, lĩnh vực cùng thực hiện. Mặt khác, đây là giai đoạn đầu tiên triển khai thực hiện, nên rất nhiều các văn bản quản lý, hướng dẫn ban hành mới, không kế thừa được nhiều như 2 Chương trình còn lại. Tuy nhiên đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, trong đó có vai trò quan trọng của Ủy ban Dân tộc đã lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng, tham mưu xây dựng đầy đủ các văn bản để quản lý, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.

Nhiều vướng mắc, bất cập đã được Chính phủ kịp thời nắm và quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chức năng tháo gỡ; việc triển khai các Dự án, Tiểu dự án đã thu được kết quả bước đầu. Mặc dù còn có nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng theo báo cáo phục vụ Đoàn Giám sát của Quốc hội, đến thời điểm hiện tại, Chương trình đã giải ngân khá cao (43,76% so với kế hoạch); cơ quan chủ trì Chương trình là Ủy ban Dân tộc đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao, cam kết, cố gắng phấn đấu hoàn thành 100% các chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra của Chương trình.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cũng thông tin, thời gian tới Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục tổ chức sơ kết Chương trình ở 2 khu vực Tây Nam Bộ và Miền Trung - Tây Nguyên. Đây là cơ sở quan trọng để tổng hợp đề xuất kiến nghị Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện các Chương trình MTQG dự kiến được tổ chức vào tháng 7. Qua đó có những đánh giá thực chất kết quả triển khai thực hiện chương trình báo cáo tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Tin cùng chuyên mục