Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có thêm 4 di sản văn hóa độc đáo

Minh Nhật - 8 giờ trước

Ngày 14/5/2025, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng vừa ký các quyết định về việc công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, có thêm 4 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.

Thêm 4 di sản vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Thêm 4 di sản vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Theo đó, 4 di sản được Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng ký gồm: Quyết định số 1350/QĐ-BVHTTDL ngày 14/5/2025, quyết định đưa nghệ thuật trình diễn dân gian “Nghệ thuật diễn tấu trống Chhay-dăm của người Khmer huyện Tri Tôn và Thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Tại Quyết định số 1351/QĐ-BVHTTDL ngày 14/5/2025, quyết định đưa lễ hội truyền thống “Hội hát Chèo tàu Tổng Gối xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Tại Quyết định số 1352/QĐ-BVHTTDL ngày 14/5/2025, quyết định đưa tập quán xã hội và tín ngưỡng “Nghi lễ cúng rừng của người Pa Dí huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Tại Quyết định số 1353/QĐ-BVHTTDL ngày 14/5/2025, quyết định đưa nghề thủ công truyền thống "Nghề đan lát của người Tày xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai" vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Nghệ thuật diễn tấu trống Chhay-dăm

Múa trống Chhay-dăm là một điệu múa dân gian độc đáo, là loại hình sân khâu đặc biệt, gắn bó mật thiết với đồng bào dân tộc Khmer
Múa trống Chhay-dăm là một điệu múa dân gian độc đáo, là loại hình sân khâu đặc biệt, gắn bó mật thiết với đồng bào dân tộc Khmer

Múa trống Chhay-dăm là một điệu múa dân gian độc đáo, là loại hình sân khâu đặc biệt, gắn bó mật thiết với đồng bào dân tộc Khmer. Đây là điệu múa không thể thiếu trong các ngày lễ tết như Chôl Chnăm Thmây, Sen Đôn Ta, Oóc-om-bóc và có thể biểu diễn mọi nơi từ sân khấu, sân chùa hay sân nhà với những động tác thoải mái, lạc quan.

Trống Chhay-dăm là loại trống bịt da một mặt, tang trống được làm bằng thân cau già đụt rỗng ruột, mỗi tiết mục múa Chhay-dăm thường có từ 4 - 6 trống Chhay-dăm, hai cái Cuôl (chiêng) cùng với Chul (chũm chọe) và Krap (gõ sênh).

Múa trống Chhay-dăm có động tác đánh trống, múa trống và múa tay, lúc múa đơn, lúc múa đôi, múa ba, múa tư và cả múa tập thể. Động tác đánh trống gồm những động tác đơn giản như vỗ lên mặt trống hay phức tạp hơn như đánh bằng cùi chỏ, bằng gót chân hoặc bất ngờ đánh vào trống của nhau, rồi vừa múa vừa làm xiếc với trống.

Cái khó nhất của người biểu diễn múa trống chính là gõ và múa kết hợp phải nhịp nhàng, chính xác từ chi tiết nhỏ nhất. Khi đánh trống bằng tay, cùi chỏ, gót chân phải kết hợp với nhào lộn nhưng vẫn phải đảm bảo âm thanh vang, không mất tiếng, đồng thời lúc nhào lộn phải ôm chặt trống vào người tránh để chạm sàn diễn, gây âm thanh lốp cốp, ảnh hưởng đến cảm xúc của người xem.

Hội hát Chèo tàu Tổng Gối

Người dân tổng Gối đã sáng tạo ra loại hình nghệ thuật diễn xướng độc đáo Chèo tàu để ca ngợi ân đức của tướng Văn Dĩ Thành.
Người dân tổng Gối đã sáng tạo ra loại hình nghệ thuật diễn xướng độc đáo Chèo tàu để ca ngợi ân đức của tướng Văn Dĩ Thành.

Lễ hội truyền thống Chèo tàu Tổng Gối (gồm bốn làng: Thượng Hội, Thúy Hội, Vĩnh Kỳ và Phan Long) diễn ra trong 2 ngày 14 và 15 tháng giêng hằng năm, tại Khu di tích lịch sử Lăng Văn Sơn và Miếu Voi Phục, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng.

Theo tích xưa kể lại, tướng Văn Dĩ Thành là một người con thuộc dòng dõi quan lại triều Trần, sinh ra ở vùng tổng Gối xưa. Là một người học rộng tài cao, thông thạo kinh sử, ông đã có công chiêu mộ binh lính, huấn luyện quân nhân chống lại giặc Minh. Ông nổi tiếng với 6 lời thề ước và chỉ huy đội đánh đâu thắng đấy. Dưới sự lãnh đạo tài tình của ông, quân giặc đã chịu nhiều tổn thất nặng nề. Sau khi ông hy sinh trên đất tổng Gối, để ca ngợi ân đức của tướng Văn Dĩ Thành, người dân tổng Gối đã sáng tạo ra loại hình nghệ thuật diễn xướng độc đáo Chèo tàu. Vào dịp Rằm tháng Giêng hằng năm, người dân ở Tổng Gối (nay là xã Tân Hội) lại tổ chức lễ hội truyền thống hát Chèo tàu.

Lễ hội nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa phi vật thể Chèo tàu của địa phương; phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, khơi dậy lòng tự hào dân tộc; thiết thực phục vụ nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần và đời sống tâm linh của nhân dân trên địa bàn.

Phần hội: Gồm có màn bắn pháo hoa, trống hội, chương trình nghệ thuật chào mừng và các hoạt động hát Màn trống hội, múa rồng, lân, các trò chơi dân gian.

Đặc sắc nhất trong lễ hội là màn hát Chèo tàu với các làn điệu đối đáp giữa hai tàu – là những chiếc thuyền rồng bằng gỗ, không để hạ thủy mà chèo tượng trưng trên cạn. Mỗi tàu 13 người gồm bà chúa tàu, 2 cái tàu và 10 con tàu. Khi biểu diễn, bà chúa tàu đánh thanh la, 2 cái tàu lĩnh xướng và các con tàu hát họa theo. Phía sau là đôi voi với hai quản tượng có nhiệm vụ thổi tù và làm hiệu.

Nội dung của các bài hát trong diễn xướng Chèo tàu là những bài hát riêng và những bài hát đối đáp của “tàu” và “tượng”, đều nhằm ca ngợi công đức của Thành hoàng Tổng Gối Văn Dĩ Thành. Hát Chèo tàu Tân Hội gồm 20 làn điệu, được chia thành các hình thức như: Hát trình, hát thuyền và hát bỏ bộ.

Nghi lễ cúng rừng của người Pa Dí huyện Mường Khương

Cúng rừng là một nét văn hóa tín ngưỡng độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số tại huyện Mường Khương(Lào Cai)
Cúng rừng là một nét văn hóa tín ngưỡng độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số tại huyện Mường Khương(Lào Cai)

Cúng rừng là một nét văn hóa tín ngưỡng độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số tại huyện Mường Khương nói chung, Đồng bào người Pa Dí ở thôn Sa Pa, thị trấn Mường Khương nói riêng. Tổ chức lễ cúng rừng đầu năm với nhiều nghi thức đặc sắc và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Lễ cúng rừng thường được tổ chức vào cuối tháng giêng hằng năm.

Tin cùng chuyên mục