Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Đánh thức “mỏ vàng” dược liệu để giúp đồng bào thoát nghèo

PV - 11:31, 09/07/2019

Phó Giáo sư. Tiến sĩ Trần Văn Ơn, Trưởng bộ môn Thực vật, Đại học Dược Hà Nội được rất nhiều người biết đến, bởi trong lĩnh vực chuyên ngành, ông đã có hơn 100 bài báo, công trình nghiên cứu đăng tải trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế. Đặc biệt, trong suốt những năm tháng qua, ông luôn miệt mài, lặn lội khắp những vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống để nghiên cứu hỗ trợ, giúp bà con thoát nghèo từ “mỏ vàng” dược liệu.

Phó GS. Tiến sĩ Trần Văn Ơn trong phòng thí nghiệm. Phó GS. Tiến sĩ Trần Văn Ơn trong phòng thí nghiệm.

Là người con dân tộc Sán Chay, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, gia đình vốn có truyền thống về y học: ông ngoại là thầy lang nổi tiếng trong vùng, chị gái cũng theo học ngành Y, từ bé, Trần Văn Ơn đã luôn nung nấu trong lòng, sau này sẽ theo nghề y truyền thống của gia đình...

Những năm tháng theo học Đại học Dược, Trần Văn Ơn đã được các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành trong khoa thực vật học của Trường tận tình dìu dắt, nâng đỡ, trở thành sinh viên giỏi của trường. Để trau dồi thêm trình độ, kiến thức, Trần Văn Ơn đã tranh thủ mọi cơ hội đi học các khoá học về thực vật ở nước ngoài và nghiên cứu sinh trở thành Tiến sĩ Dược học. Trần Văn Ơn đã trực tiếp tham gia các dự án như “Bảo tồn nguồn gene cây thuốc tại Vườn Quốc gia Ba Vì (hợp tác Việt Nam-Australia); đề tài “Tăng cường cơ sở khoa học cho công tác bảo tồn trên trang trại đa dạng sinh học nông nghiệp ở Việt Nam”.

Nhìn thấy sự giàu có của tài nguyên dược liệu, Tiến sĩ Ơn ngày đêm đau đáu, làm sao để phát triển tiềm năng ấy để biến Việt Nam thành vườn thuốc của thế giới. Vác ba lô đi khắp 3 vùng Bắc, Trung, Nam quần quật nghiên cứu, lăn lộn thực tế, nhà khoa học Trần Văn Ơn đã phát hiện ra dây thìa canh, loài cây có tác dụng mạnh mẽ trong điều trị tiểu đường. Từ năm 2006–2010, công trình nghiên cứu cấp Bộ mang tên “Sàng lọc các dược liệu và bài thuốc có tác dụng điều trị đái tháo đường” do PGS.TS Trần Văn Ơn cùng cộng sự tiến hành đã chứng minh tác dụng của loài cây này. Hiện nay, dây thìa canh đã được đưa vào sản xuất.

PGS. Tiến sĩ Ơn cho biết, trong vùng đồng bào DTTS có nhiều bài thuốc quý, được làm từ dược liệu có giá trị rất cao. Ông mong muốn, khôi phục lại những bài thuốc quý của các dân tộc, đồng thời phát triển nguồn gien quý từ thực vật đang ngày càng mất dần. “Mình cần phải xắn tay lên làm, chứ không thể để những ý tưởng khoa học chỉ là trên những tờ giấy. Đồng bào dân tộc đã quen với đặc sản nghèo khó, lại không có nhiều cơ hội phát triển như ở thành phố nên mình muốn thổi lửa vào họ, tạo động lực cho họ thoát nghèo, phải làm giàu trên chính mảnh đất của mình”, Tiến sĩ Ơn chia sẻ.

Từ vai trò cố vấn chuyên môn, định hướng kinh doanh, dấu chân của nhà khoa học này đã in khắp vùng đồng bào DTTS để đánh thức khát vọng vươn lên thay đổi cuộc sống của đồng bào. Ông đã tìm ra hướng đi gắn dược liệu với phát triển kinh tế, văn hoá cộng đồng, quyết tâm thay đổi từ tâm hồn người dân đến vườn cây thuốc ở những nơi mình đến.

Đơn cử như Công ty Cổ phần kinh doanh các sản phẩm bản địa Sa Pa của chàng thanh niên Lý Láo Lở (Tả Phìn, SaPa) với sự hướng dẫn của Tiến sĩ Trần Văn Ơn ra đời, với sản phẩm đầu tay là “Thuốc tắm người Dao” là một minh chứng rõ nét.

Công ty của Lở bây giờ đã “trưởng thành”, vừa sản xuất thuốc đóng gói vừa là địa điểm tắm thuốc lá người Dao- hai hình thức bổ trợ cho nhau. Khách du lịch đến đây sẽ được trải nghiệm, ngâm mình trong những chiếc thùng tắm nước nóng già với thứ màu nâu huyền bí được nấu từ những loại lá thuốc khác nhau, vừa ngắm phong cảnh hùng vỹ của núi rừng Tây Bắc qua những ô cửa kính.

Tính đến nay, PGS.Tiến sĩ Trần Văn Ơn đã đồng hành với bà con xây dựng và phát triển 15 hợp tác xã, công ty cổ phần tại cộng đồng để phát triển dược liệu ở Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên... Những công ty, doanh nghiệp của chính họ không chỉ tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có, phát huy lợi ích của những bài thuốc, sản vật bản địa mà còn giải quyết vấn đề việc làm cho nhiều đồng bào địa phương. Năm nay, PGS, Tiến sĩ Ơn bước sang tuổi 53, hằng ngày, ngoài công việc giảng dạy trên lớp, ông dành hết niềm đam mê nghiên cứu dược liệu và sẵn sàng lên đường khi có bà con nào cần giúp đỡ.

Đó cũng là lý do mà ông được sinh viên, đồng bào dân tộc gọi là “Nhà khoa học của núi rừng”.

HỒNG PHÚC

Tin cùng chuyên mục
Nhật Bản trồng cỏ biển để thu giữ carbon giúp phòng, chống biến đổi khí hậu

Nhật Bản trồng cỏ biển để thu giữ carbon giúp phòng, chống biến đổi khí hậu

Nhằm giúp chống biến đổi khí hậu khi Nhật Bản đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, Nhật Bản đã triển khai dự án khôi phục hệ sinh thái tự nhiên dọc bờ biển của thành phố cảng Yokohama, phía Nam Tokyo, bằng cách trồng rong lươn - loại cỏ biển màu xanh nhạt.