Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Du lịch

Đánh thức Mù Cang Chải

Lê Đức Dục - 11:24, 22/01/2023

Lần đầu tiên huyện miền núi Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) tổ chức Lễ hội hoa Tớ dày đúng vào dịp lễ Giáng sinh và đón năm mới 2023. Mùa này những cánh rừng ở Mù Cang Chải hồng rực sắc hoa Tớ dày, trong tiết trời se sắt lạnh, ngồi dưới cội hoa uống ngụm trà Púng Luông trong sương sớm và nhìn những cánh hoa phớt hồng rơi nhẹ, ngỡ chốn bồng lai tiên cảnh cũng chỉ đến như thế này.

Ông Nông Việt Yên, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải trồng hoa “Tớ dày” (tên tiếng Mông của loài hoa mai anh đào) khi tham gia chương trình tình nguyện “Ngày cuối tuần về cùng dân”.  
Ông Nông Việt Yên, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải trồng hoa “Tớ dày” (tên tiếng Mông của loài hoa mai anh đào) khi tham gia chương trình tình nguyện “Ngày cuối tuần về cùng dân”.  

Giấc mơ hoa xuyên suốt bốn mùa…

Nhưng Mù Cang Chải không chỉ có hoa Tớ dày, không chỉ có những thửa ruộng bậc thang đẹp mê hồn mùa nước đổ hay mùa lúa chín, Mù Cang Chải đang ôm một “giấc mơ hoa” đúng nghĩa của từ này khi toàn Đảng bộ và Nhân dân huyện đang khát vọng biến mảnh đất xa xôi nhất của Yên Bái thành một thiên đường du lịch của Tây Bắc.

Trong một chuyến công tác lên huyện Mù Cang Chải, Bí thư Huyện ủy, ông Nông Việt Yên và Chủ tịch UBND huyện, ông Lê Trọng Khang đưa cho chúng tôi xem bản “Đề án xây dựng huyện Mù Cang Chải thành huyện du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030” và nhấn mạnh: Đây là quyết tâm của cán bộ và Nhân dân trong toàn huyện, phải nhìn rõ tiềm năng của Mù Cang Chải để phát triển. Phải thấy trước những thách thức để không lặp lại cái giá phải trả trong quá trình phát triển như nhiều địa phương khác trong nước và tiềm năng này không chỉ người dân Mù Cang Chải hay Yên Bái thấy mà phải để cho du khách trong và ngoài nước biết để đến với chúng tôi, để cùng đầu tư, cùng phát triển.

Theo Quốc lộ 32 từ TP. Yên Bái vào Nghĩa Lộ, qua Văn Chấn, đặt chân tới cửa ngõ phía Đông của Mù Cang Chải, khi vừa lên đèo Khau Phạ du khách đã sững sờ với thung lũng ruộng bậc thang mênh mông. Vẻ đẹp hùng vĩ đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích cấp quốc gia đặc biệt với gần 900ha ruộng (trong số 7.000ha của toàn huyện) nằm trên địa bàn các xã La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Chế Cu Nha, Kim Nọi, Mồ Dề và Lao Chải.

Sắc màu vùng cao. Ảnh: Trần Trung Hiếu
Sắc màu vùng cao. Ảnh: Trần Trung Hiếu

Từ vài năm nay, trên đỉnh đèo có thêm dịch vụ dù lượn ngắm thung lũng vàng mỗi mùa lúa chín, có dịch vụ trực thăng ngắm toàn cảnh Mù Cang Chải từ trên cao. Điều đặc biệt của ruộng bậc thang chính là vẻ đẹp ấy kết hợp hoàn hảo từ thiên nhiên và con người. Nếu vẻ đẹp của ngọn núi, dòng sông, hang động, mặt hồ… là vẻ đẹp tự nhiên thuần phác thì ruộng bậc thang là tạo tác của bao nhiêu đời người, thấm đẫm mồ hôi và tài nghệ mở ruộng trên chính mảnh đất sinh sống của gia đình, dòng tộc, đời đời nối nhau. Chính mồ hôi qua bao thế kỷ thấm xuống những mảnh ruộng để làm nên vẻ đẹp đặc biệt ấy.

Rừng - cội nguồn và tương lai!

Hệ sinh thái rừng của Mù Cang Chải rất rộng lớn với hơn 82.000ha rừng. Trong đó, khu bảo tồn loài và sinh cảnh Chế Tạo rộng 20.108,2ha, nằm trên địa bàn các xã Chế Tạo, Púng Luông, Nậm Khắt, Dế Xu Phình, Lao Chải. Khu bảo tồn đa dạng về thảm thực vật và hệ động vật trong đó có nhiều loài động vật quý hiếm.

Với Mù Cang Chải, rừng cũng là một tiềm năng du lịch không thua gì sức hấp dẫn của những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ kia. Đi qua những cánh rừng xanh ngút mắt, sau mỗi cánh rừng lại có những địa danh du lịch gọi mời : Thung lũng Nậm Khắt, đỉnh núi Lùng Cúng, núi Tháp Trời, ruộng mâm xôi ở xã La Pán Tẩn, bãi đá cổ Lao Chải, rừng sơn tra Háng Gàng, hệ thống hang động tự nhiên bản Pú Cang, thác Bảy Tầng...

 Khu du lịch ngắm ruộng bậc thang ở La Pán Tẩn của Công ty Du lịch xanh Thịnh Đạt.  Ảnh: Lê Đức Dục
 Khu du lịch ngắm ruộng bậc thang ở La Pán Tẩn của Công ty Du lịch xanh Thịnh Đạt.  Ảnh: Lê Đức Dục

Sự muộn màng trong việc kết nối giao thông đã khiến Mù Cang Chải mất đi nhiều lợi thế để phát triển, nhưng chính sự cách biệt ấy cũng góp phần làm cho mảnh đất này còn giữ nguyên bản sắc tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên, nhất là rừng. Đi qua Quốc lộ 32, nhìn những rừng thông chạy dọc theo hai bên đường, xuyên qua các địa bàn trung tâm huyện mới thấy sự miệt mài của những người dân. Giữ được những cánh rừng này, chắc chắn một ngày không xa Mù Cang Chải là thiên đường du lịch của Tây Bắc chứ không phải là những đô thị mà bê tông cốt thép đã đánh bạt thiên nhiên như nhiều địa chỉ du lịch khác.

Cũng không thể nói về “huyện du lịch” với những sự chuẩn bị “vi mô”, trên địa bàn Mù Cang Chải đang có một quần thể du lịch tầm cỡ chuẩn bị đưa vào khai thác với quy mô lên tới 250 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Du lịch xanh Thịnh Đạt.

Đánh thức “người đẹp ngủ trong rừng” trong chuyện cổ tích cần có chàng hoàng tử, còn để đánh thức “người đẹp Mù Cang Chải” cần sự vào cuộc đồng bộ của nhiều ban, ngành, tổ chức mà trước hết là sự kết nối giao thông. Dù rằng giao thông thuận lợi sẽ kéo theo sự đông đúc du khách, từ nhu cầu lưu trú của sự đông đúc này dẫn đến xây dựng nhà nghỉ, khách sạn nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Nếu đáp ứng vội vàng cho nhu cầu này mà không có biện pháp quản lý cụ thể, chắc chắn những sai lầm như các đô thị du lịch khác sẽ bị lặp lại. Bởi thế trong Đề án xây dựng Mù Cang Chải thành huyện du lịch chúng tôi rất tâm đắc với phần bài học từ những đô thị, địa phương du lịch đi trước. Thấy được điều này, có nghĩa là Mù Cang Chải đã bắt đầu những bước đi vững chắc cho hành trình mới trong thời kỳ mới.

Tin cùng chuyên mục
Về Nam Định gặp những người giữ nghề “thổi ra tiền”

Về Nam Định gặp những người giữ nghề “thổi ra tiền”

Bằng những công cụ thô sơ, người dân ở thôn Xối Trì (xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) đã sản xuất ra những đồ dùng bằng thủy tinh từ đơn giản như bóng đèn, chai, lọ, nắp phích đến vật dụng cầu kỳ theo yêu cầu của khách hàng.