Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Đồng bào ở Mù Cang Chải thoát nghèo nhờ thay đổi phương thức sản xuất

Trọng Bảo - 15:59, 22/10/2021

Huyện vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái) có trên 90% là đồng bào dân tộc Mông. Với thói quen sản xuất theo kiểu tự cung, tự cấp nên cuộc sống của bà con luôn nghèo khó. Nhưng những năm gần đây, đã có sự thay đổi đáng kể, đồng bào đã mạnh dạn chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa.

Cây hồng giòn đã và đang trở thành cây xóa nghèo cho bà con nông dân huyện Mù Càng Chải
Cây hồng giòn đã và đang trở thành cây xóa nghèo cho bà con nông dân huyện Mù Cang Chải

Chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Thào Nhà Của, ở bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải, người đi đầu trong việc trồng cây hồng giòn. Ông Của nhớ lại, năm 2009, cán bộ khuyến nông xã và phòng Nông nghiệp huyện về tuyên truyền, hướng dẫn hỗ trợ giống hồng giòn để bà con trồng. Gia đình ông Của đã mạnh dạn làm đất, đào hố trồng 100 gốc hồng. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, bón thêm nguồn phân chuồng từ chăn nuôi của gia đình, diện tích hồng giòn của gia đình ông phát triển tốt.

“Bắt đầu từ năm 2017, vườn hồng cho thu hoạch, với năng suất mỗi cây trung bình 40 - 50 kg, với giá bán dao động 25 - 35 nghìn đồng/kg đã mang lại cho gia đình thu nhập ổn định khoảng 80 triệu đồng/năm. Đặc biệt, chất lượng quả thơm ngon nên hồng thu hái đến đâu bán hết đến đó, nên gia đình rất yên tâm với cây trồng này. Bây giờ, cả xã đã có trên 30ha hồng rồi”, ông Của cho biết

Hộ gia đình anh Sùng A Páo, ở bản Trống Là, xã Hồ Bốn lại chọn mô hình chăn nuôi lợn thịt làm hướng thoát nghèo. Năm 2020, anh Páo mạnh dạn vay vốn, xây dựng chuồng trại theo quy mô trang trại để chăn nuôi lợn. Chuồng lợn luôn duy trì số lượng trên 100 con trở lên. Mỗi năm gia đình xuất hàng chục tấn lợn thịt mang về nguồn thu không nhỏ.

“Nhà mình đất sản xuất không nhiều, nên có muốn mở rộng trồng trọt cũng khó. Trên này bà con trồng ngô, trồng lúa, sắn… nhiều lắm, nên nguồn thức ăn chăn nuôi dồi dào và giá cũng phải chăng, nên gia đình quyết định chọn chăn nuôi lợn để tăng thu nhập”, anh Páo cho biết .

Mù Cang Chải là huyện vùng cao với trên 90% dân số là đồng bào Mông, kinh tế của huyện chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Để khuyến khích người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đã có nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước để giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. 

Với bà con nông dân Mù Cang Chải bây giờ sản xuất nông nghiệp đang chuyển dần sang làm kinh tế nông nghiệp
Sản xuất nông nghiệp đang được nông dân phát triển theo hướng hàng hóa

Thay đổi  nếp nghĩ, cách làm

Ông Phạm Tiến Lâm, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Mù Cang Chải cho biết: Sau nhiều năm kiên trì tuyên truyền vận động, xây dựng các mô hình điểm để bà con học tập làm theo, đến thời điểm này, ý thức của người dân đã có sự thay đổi rõ rệt. 

Theo đó, những năm qua, bà con đã tranh thủ các nguồn hỗ trợ, học hỏi lẫn nhau, thay đổi tư duy, tiếp thu các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa những loại cây trồng, con giống có giá trị kinh tế cao vào canh tác và chăn nuôi, mang lại nguồn thu nhập ổn định, giúp nhiều người dân thoát nghèo, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều hộ khá giả.

“Nhìn chung hiện nay bà con đã thay đổi phương thức từ sản xuất nông nghiệp chuyển sang làm kinh tế nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích canh tác”, ông Lâm khẳng định.

Thống kê của ngành Nông nghiệp, giai đoạn 2016 - 2020, huyện Mù Cang Chải đã xây dựng được 35 mô hình về phát triển nông nghiệp. Trong đó, có 20 mô hình trồng trọt, 15 mô hình chăn nuôi… Đồng thời, huyện cũng làm tốt việc quản lý vật tư nông nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa và năng suất lao động cho người dân.

Mô hình trồng hoa hồng ở xã Nậm Khắt mang lại cho bà con nông dân thu nhập cao
Nhiều hộ ở xã Nậm Khắt đã mạnh dạn đưa cây hoa hồng vào trồng để tăng thêm thu nhập

Thông tin về định hướng phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, ông Lê Trọng Khang, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất và đời sống; tập trung xây dựng các mô hình tạo ra sản phẩm có giá trị tăng cao, có tính cạnh tranh trên thị trường; xây dựng các mô hình liên kết trong sản xuất, nhất là trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ; ưu tiên, lựa chọn các sản phẩm chủ lực có số lượng lớn, chất lượng cao để thực hiện Chương trình OCOP…


Tin cùng chuyên mục
Giữ được rừng không ai khác chính là Nhân dân

Giữ được rừng không ai khác chính là Nhân dân

Giữ được rừng, không ai khác, chính là Nhân dân. Những cánh rừng được bảo vệ tốt, chỉ khi nào lợi ích của kinh tế rừng gắn liền với đời sống của mỗi hộ gia đình. Đó là những gì mà chúng tôi đã ghi nhận được ở tỉnh miền núi cực Bắc Hà Giang đã ngút ngàn màu xanh của rừng...