Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Đánh thức tiềm năng du lịch đêm ở vùng DTTS và miền núi: Cần một cách làm chuyên nghiệp (Bài cuối)

Thúy Hồng - 12:19, 13/06/2024

Du lịch đêm được kì vọng đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, khai thác tiềm năng hoạt động du lịch, dịch vụ, quảng bá văn hóa và nền ẩm thực đặc trưng, thu hút du khách đến với vùng DTTS và miền núi. Song để làm được điều này, ngoài việc tạo ra được sản phẩm đặc sắc, cũng cần hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy việc khai thác tiềm năng du lịch đêm.

Cần tạo sản phẩm du lịch đêm mang đậm dấu ấn vùng, miền để thu hút du khách đến trải nghiệm, khám phá
Cần tạo sản phẩm du lịch đêm mang đậm dấu ấn vùng, miền để thu hút du khách đến trải nghiệm, khám phá

Tạo sản phẩm đậm dấu ấn vùng, miền 

Phát triển du lịch đêm sẽ giúp tăng khả năng thu hút khách, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch, góp phần đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhìn nhận, du lịch đêm giúp tăng cường tiêu dùng, mua sắm và dịch vụ về đêm thúc đẩy sự phát triển và đầu tư trong ngành Du lịch, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho cả người dân địa phương và du khách. Du lịch đêm cũng tạo nên một không gian văn hóa mới và độc đáo, cho phép khách du lịch tương tác với văn hóa địa phương. Hoạt động cũng giúp quảng bá và bảo tồn văn hóa truyền thống, nghệ thuật và ẩm thực của địa phương.

Để phát triển kinh tế đêm, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 1129 ngày 27/7/2020 về phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam; trong đó giao nhiệm vụ cho Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) xây dựng thí điểm, ban hành một số sản phẩm du lịch đêm.

Theo đó, Bộ VHTTDL đã lựa chọn 12 tỉnh, thành phố để tập trung thực hiện một số sản phẩm du lịch ban đêm. Các địa phương này phát triển kinh tế, sản phẩm du lịch đêm theo mô hình phát triển các khu phố đi bộ, chợ đêm, tổ hợp giải trí... Mục tiêu Đề án nhằm phát huy lợi thế các dịch vụ ban đêm để phát triển sản phẩm du lịch đêm ở Việt Nam đa dạng, đặc sắc, bền vững, có chất lượng và giá trị gia tăng cao...

Một số sản phẩm du lịch đêm tiêu biểu đã được các địa phương xây dựng, như "Tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám - tinh hoa đạo học", "Đêm Hà Nội - điểm chạm của những xúc cảm", "Đêm cố đô Hoa Lư - Ninh Bình" ,"Quận 1 - Sắc màu đêm"...

Du lịch đêm giúp tăng cường tiêu dùng, mua sắm và dịch vụ về đêm thúc đẩy sự phát triển và đầu tư trong ngành Du lịch, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho cả người dân địa phương và du khách
Du lịch đêm giúp tăng cường tiêu dùng, mua sắm và dịch vụ về đêm thúc đẩy sự phát triển và đầu tư trong ngành Du lịch, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho cả người dân địa phương và du khách

Tuy nhiên, trong cả nước hiện có khoảng trên 20 chợ đêm, nhưng rất nhiều chợ đêm na ná giống nhau và không có nhiều sản phẩm đặc thù mang tính bản địa. Các sản phẩm du lịch đêm tại các địa phương vẫn còn đơn điệu, chủ yếu diễn ra dưới hình thức khu phố đi bộ, mua sắm, ẩm thực, chợ đêm; quy hoạch không gian riêng, nhận thức về phát triển du lịch đêm còn hạn chế và chưa có cơ chế đặc thù.

Theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, du lịch là sản phẩm của ngành kinh tế tổng hợp, liên quan nhiều cấp, ngành. Các địa phương cần giải bài toán quy hoạch, xác định địa điểm, khu để phát triển kinh tế đêm cũng như xây dựng cho mình sản phẩm du lịch đặc sắc mang đậm dấu ấn vùng, miền.

Các địa phương cũng cần phối hợp với Bộ trong phát triển một số nhóm sản phẩm dựa trên văn hóa để tăng thêm trải nghiệm cho du khách. Chẳng hạn, các tỉnh có thể mở thêm các cửa hiệu mua sắm, sản phẩm ẩm thực... Làm được những việc này, sản phẩm du lịch đêm sẽ tránh đơn điệu và thành công hơn.

Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách

Từ cuối năm 2023 đến nay, du lịch là một trong những điểm sáng nhất của nền kinh tế. Năm 2024, ngành Du lịch đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch ước đạt 850.000 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, tập trung phát triển du lịch đêm là một trong những giải pháp cần được triển khai nhanh chóng.

Tuy nhiên, hiện nay hoạt động phát triển du lịch đêm mới chỉ được khai thác ở quy mô nhỏ, mang tính riêng lẻ, manh mún tại một số khu vực, chưa gây được ấn tượng.

Để phát triển du lịch đêm trở thành mũi nhọn của ngành Du lịch cần cách làm bài bản, chuyên nghiệp
Để phát triển du lịch đêm trở thành mũi nhọn của ngành Du lịch cần cách làm bài bản, chuyên nghiệp

Một điểm yếu nữa thể hiện ở quy hoạch, không gian phát triển, xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích còn hạn chế. Việc lồng ghép tích hợp kinh tế đêm với các ngành như du lịch, nông nghiệp, nông thôn; giao thông phát triển đô thị; văn hóa ẩm thực chưa thực sự được quan tâm, đẩy mạnh.

Để giải quyết những tồn động trong phát triển các sản phẩm du lịch đêm, từ khâu quy hoạch, cho đến cơ chế, chính sách, thị trường, tạo ra sản phẩm du lịch đêm, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin, du lịch thông minh... Đồng thời, cần tăng cường tính liên kết giữa các địa phương, các tác nhân trong chuỗi du lịch gắn với sản phẩm du lịch đêm.

Đặc biệt các địa phương chọn thế mạnh của từng vùng để tập trung khai thác, tạo ra sản phẩm đặc trưng, tránh trùng lặp; chỉ khi sản phẩm du lịch về đêm trở nên phong phú thì việc phát triển du lịch đêm mới hiệu quả.

Việc lồng ghép tích hợp kinh tế đêm với các ngành như du lịch, nông nghiệp, nông thôn, văn hóa ẩm thực chưa thực sự được quan tâm, đẩy mạnh
Việc lồng ghép tích hợp kinh tế đêm với các ngành như du lịch, nông nghiệp, nông thôn, văn hóa ẩm thực chưa thực sự được quan tâm, đẩy mạnh

Theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL, để có giải pháp căn cơ, Bộ đã đề xuất cần giải bài toán quy hoạch, lực lượng lao động, chế độ chính sách cho những hoạt động biểu diễn, nghiên cứu thị trường…Hướng tiếp cận trong thời gian tới là Bộ VHTTDL sẽ gợi mở một số nhóm sản phẩm dựa trên văn hóa từng địa phương; phát triển các loại hình ẩm thực; đáp ứng nhu cầu mua sắm. Vấn đề này cần tiếp tục nghiên cứu và cần có lộ trình để đảm bảo tính hiệu quả của du lịch đêm.

“Du lịch đêm” là hướng đi đúng đắn để phát triển du lịch, nhất là ở vùng DTTS và miền núi. Để du lịch đêm có thể trở thành “con gà đẻ trứng vàng” của ngành Du lịch, thì cần phải có một chiến lược bài bản, chuyên nghiệp và phù hợp; Đồng thời, các sản phẩm phải được xây dựng dựa trên yếu tố văn hóa bản địa. Có như vậy, sản phẩm du lịch đêm tạo động lực để phát triển kinh tế đêm, góp phần thúc đẩy kinh tế -xã hội vùng DTTS và miền núi./.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.