Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Đánh thức tiềm năng du lịch đêm ở vùng DTTS và miền núi: Tránh tình trạng “coppy” các mô hình (Bài 2)

Thúy Hồng - 12:15, 13/06/2024

Mặc dù thời gian qua, mô hình “kinh tế đêm” được các địa phương quan tâm phát triển và đã có bước khởi sắc, song kinh tế du lịch đêm vẫn phát triển chưa xứng tiềm năng. Sản phẩm du lịch đêm còn tương đối đơn điệu, mờ nhạt, na ná nhau. Công tác quy hoạch không gian riêng cho du lịch chưa thực sự được đầu tư bài bản, nên vẫn chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh của các địa phương.

Không gian phố đi bộ Mộc Châu
Không gian phố đi bộ Mộc Châu

Thiếu tính đặc sắc

Vài năm trở lại đây, ở nhiều địa phương trên cả nước đã cho tổ chức nhiều mô hình phố đi bộ hoạt động sôi nổi, hiệu quả, hấp dẫn nhiều khách du lịch. Không khó để kể tên một số phố đi bộ như: Phố đi bộ Kỳ Lừa (TP. Lạng Sơn), Phố đi bộ đêm Bắc Hà (Lào Cai), Phố đi bộ- Chợ đêm Mộc Châu (Sơn La)… Các tuyến phố đi bộ, chợ đêm đã có nhiều hoạt động trải nghiệm về bản sắc văn hóa truyền thống đặc trưng, ẩm thực dân tộc độc đáo, không gian thiết kế ấn tượng… đã là điểm đến không thể thiếu đối với du khách khi đến du lịch tại các địa phương này.

Trong những phố đi bộ, chợ đêm ở phía Bắc, thì phố đi bộ, chợ đêm Mộc Châu, Sơn La luôn là một địa điểm thu hút được nhiều du khách đến tham quan trải nghiệm. Tuyến phố được thiết kế thành các khu vực chợ đêm, phim trường Nhật bản dành cho giới trẻ, khu nhà trưng bày hiện vật giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc Thái; khu tổ hợp ăn uống, dãy ki-ốt bán đồ thổ cẩm dân tộc; khu bán đồ ăn vặt, ăn nhanh; khu bán đồ nông sản Mộc Châu...

Tuy nhiên, nhiều du khách sau khi trải nghiệm vẫn chia sẻ rằng, các hoạt động này vẫn còn đơn điệu, chưa thực sự cuốn hút được du khách. Theo anh Lê Hùng Điệp, Giám đốc Công ty lữ hành Châu Mộc, chợ đêm ở mỗi địa phương đều có những nét đẹp riêng biệt. Ví như, chợ đêm Mộc Châu được đầu tư lớn, có quy mô và được tổ chức chuyên nghiệp, các gian hàng đa dạng được bày biện trong không gian sạch đẹp. Tuy nhiên, Ban Tổ chức nên có thêm những gian hàng giới thiệu đặc sản địa phương, bảng thông tin về các sản phẩm đặc trưng vùng miền, hay một số trò chơi dân gian hấp dẫn, thân thiện để du khách có thêm nhiều trải nghiệm hơn.

Các địa phương chưa tạo được sản phẩm du lịch đêm thực sự đặc sắc
Các địa phương chưa tạo được sản phẩm du lịch đêm thực sự đặc sắc

Qua khảo sát một số chợ đêm, phố đi bộ ở một số địa phương miền núi phía Bắc, vẫn còn rất nhiều chợ đêm na ná giống nhau và không có nhiều sản phẩm đặc thù mang tính bản địa chưa thực sự thu hút khách du lịch.

Ông Vũ Văn Tuyên, Phó Chủ tịch Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam cho rằng, việc tạo đà phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch đêm tại Việt Nam, được xem là hướng đi phù hợp xu hướng quốc tế, giúp đa dạng hóa sản phẩm du lịch, kéo dài thời gian lưu trú, tăng khả năng chi tiêu của du khách, tạo nhiều việc làm, tăng doanh thu ngành Du lịch và các ngành liên quan. Tuy nhiên, điều cốt lõi nhất là phải tạo ra được những sản phẩm du lịch đêm đặc thù, tạo điểm nhấn để thu hút được du khách trải nghiệm.

Theo ông Vũ Văn Tuyên, phải xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng nhất của địa phương để tạo được ấn tượng. Mỗi khu phố đi bộ phải có sản phẩm đặc thù chứ không phải bán tràn lan các sản phẩm giống nhau và khách du lịch không biết đâu là sản phẩm của Việt Nam.

Vấn đề mới và khó, không chỉ một ngành làm được

Để phát triển mô hình du lịch đêm, nhiều địa phương đã mở hàng loạt chợ đêm, phố đi bộ nhằm thu hút du khách. Qua hoạt động thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, có những mô hình phố đi bộ thành công, có mô hình vắng, không có khách tới, nhiều tuyến phố còn thiếu quy hoạch, chưa có không gian phù hợp, chưa thật sự hấp dẫn du khách. Các không gian văn hóa, chưa đủ sức giúp du khách cảm thụ, hiểu hơn về giá trị của nơi đó, cảm thấy gắn bó và muốn quay lại tìm hiểu.

Các phố đi bộ, chơ đêm còn thiếu quy hoạch. (Trong ảnh: Các gian hàng tại phố đi bộ đêm Mộc Châu được quy hoạch, thiết kế khá bài bản)
Các gian hàng tại phố đi bộ đêm Mộc Châu được quy hoạch, thiết kế khá bài bản

Được khai trương đưa vào hoạt động từ tháng 10/2019, tuyến phố đi bộ Kim Đồng ở TP. Cao bằng thu hút đông đảo du khách đến tham quan trải nghiệm. Tuyến phố được thiết kế nằm trên con phố sầm uất bậc nhất của TP. Cao Bằng, với diện tích hơn 2ha, với trục chính là phố Kim Đồng, dài hơn 600m. Từ 19-23 giờ các ngày thứ sáu và thứ bảy hằng tuần, tại phố đi bộ diễn ra các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ đường phố phục vụ du khách.

Phố đi bộ Kim Đồng được thiết kế các khu vui chơi, giao lưu văn hóa, chợ ẩm thực với các gian hàng phục vụ ăn uống, bán đồ lưu niệm, đặc sản… Các khu phố ẩm thực, mặc dù đã quy hoạch, phân khu riêng nhưng dọc phố Kim Đồng vẫn có hàng loạt các quầy bán đồ nướng mọc lên san sát, mùi đồ ăn, khói bụi từ than nướng đồ lan tỏa nồng nặc hết toàn khu phố.

Anh Nguyễn Ngọc Triệu, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Du lịch quốc tế Halo Trips cho biết: Tôi thường xuyên thiết kế các tuor cho khách đến du lịch trải nghiệm tại Cao Bằng; trong đó có không gian phố đi bộ Kim Đồng. Tuy nhiên, phố đi bộ ở đây chỉ mới dừng lại ở mức ăn uống, đi bộ để thư giãn. Không gian văn hóa của phố đi bộ chưa thực sự đặc sắc, chưa hấp dẫn du khách tiếp tục quay trở lại để trải nghiệm, khám phá.

Các địa phương khi mở phố đi bộ đều hướng đến mục tiêu để không gian đi bộ trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng, là điểm đến thú vị, tạo ra không gian vui chơi, thư giãn cho cộng đồng dân cư, du khách trong và ngoài nước; là nơi giao lưu văn hóa các vùng miền và thế giới, là nơi giới thiệu các sản phẩm du lịch bản địa đặc sắc…

 Tuy nhiên, nếu ngay từ đầu chúng ta không có kế hoạch và chiến lược bài bản, quan tâm phát triển sẽ dẫn đến các phố đi bộ không thu hút được du khách và "biến tướng" trở thành những chợ đêm hỗn độn.

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam  cho rằng, việc mở các phố đi bộ cần tìm nét mới lạ “hút” du khách. Chất lượng kết nối không gian và các giá trị văn hóa - nghệ thuật cũng cần được quan tâm bên cạnh số lượng. 

Bởi lẽ không phải tuyến phố đi bộ nào cũng đáp ứng được hiệu quả về kinh tế, văn hóa, du lịch… như kì vọng ban đầu. Nếu chúng ta “coppy” các mô hình rồi tổ chức chợ búa, là xóa nhòa bản sắc của từng khu vực và nguy cơ thất bại rất cao.

Một góc không gian phố đi bộ đêm Bắc Hà, Lào Cai
Một góc không gian phố đi bộ đêm ở huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai

Vừa qua, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ngày 5/6 tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội cũng đã đặt câu hỏi rằng, du lịch đêm là hướng đi đúng đắn, nhưng hiện còn đơn điệu, sản phẩm chưa đặc sắc để thu hút du khách. Thậm chí, loại hình này tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội.

Trả lời tại phiên chất vấn về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng đã thẳng thắn nhìn nhận, du lịch đêm là vấn đề mới và khó, không chỉ một ngành làm được. Nhiều nơi không làm thì thiếu, nhưng làm xong có khi bỏ lại. Nhiều địa phương chỉ được một thời gian, sau đó khách không đến nữa.

Có thể thấy rằng, để du lịch đêm thực sự là động lực phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế của các địa phương, thì cần giải bài toán quy hoạch, xác định địa điểm, khu để phát triển kinh tế đêm cũng như xây dựng cho mình sản phẩm du lịch đặc sắc mang đậm dấu ấn vùng, miền.

Tin cùng chuyên mục
Hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc tại Quảng Ngãi

Hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc tại Quảng Ngãi

Hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức nhằm quảng bá, tôn vinh giá trị văn hóa các DTTS, khơi dậy khát vọng, lòng tự hào về bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc.