Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Đánh thức tiềm năng vùng phên giậu: Nhân lực chất lượng cao - khâu đột phá để phát triển (Bài 3)

Tùng Nguyên - 17:53, 21/09/2022

Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2045 có khoảng 50% số tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ (TD&MNBB) nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá của cả nước. Để thực hiện mục tiêu này, một trong những nhiệm vụ được đặt ra là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, coi đây là một trong những khâu đột phá để phát triển nhanh và bền vững vùng TD&MNBB.

Học sinh, sinh viên đang học tập tại hệ thống trường chuyên biệt là nguồn LĐ có trình độ kế cận cho LLLĐ hiện có ở vùng TD&MNBB. (Trong ảnh: Giờ học tin học của học sinh Trường PTDTNT - THCS Tân Sơn, Phú Thọ - Ảnh: TTXVN)
Học sinh, sinh viên đang học tập tại hệ thống trường chuyên biệt là nguồn LĐ có trình độ kế cận cho LLLĐ hiện có ở vùng TD&MNBB. (Trong ảnh: Giờ học tin học của học sinh Trường PTDTNT - THCS Tân Sơn, Phú Thọ - Ảnh: TTXVN)

Thiếu lao động trình độ cao

Tại thời điểm năm 2010, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tiến hành điều tra tình hình lao động (LĐ) – việc làm tại 6 vùng kinh tế trọng điểm và 02 thành phố lớn (Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh). Kết quả điều tra cho thấy, Trung du và miền núi Bắc bộ (TD&MNBB) là vùng có dân số tham gia lực lượng lao động (LLLĐ) cao nhất so với dân số trong độ tuổi LĐ toàn vùng, với 6,942 triệu người (chiếm 84, 3%).

Tuy nhiên, trong 6,942 triệu LĐ của vùng thì chỉ có 3,6% LĐ đã qua đào tạo nghề sơ cấp, 4,6% LĐ có trình độ trung cấp, 2,0% LĐ có trình độ cao đẳng và 3,3% LĐ có trình độ đại học. Trình độ chuyên môn kỹ thuật (CMKT) của LLLĐ vùng TD&MNBB chỉ “nhỉnh” hơn vùng thấp nhất là Đồng bằng sông Cửu Long.

10 năm sau, trình độ CMKT của LLLĐ ở vùng TD&MNBB đã được nâng lên, nhưng nhìn chung vẫn dưới mức sàn của cả nước. Báo cáo Điều tra lao động – Việc làm năm 2020 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng số LLLĐ toàn vùng TD&MNBB là hơn 7,665 triệu người; trong đó có 20,5% LĐ đã qua đào tạo (tỷ lệ chung cả nước là 24%).

Đáng chú ý, tỷ lệ lao động có trình độ đại học năm 2020 ở vùng TD&MNBB đã tăng lên, chiếm 7,5% tổng số LLLĐ toàn vùng, nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ chung cả nước (11,1%). So với một số vùng kinh tế trọng điểm khác thì tỷ lệ lao động có trình độ đại học ở vùng TD&MNBB thấp hơn rất nhiều (Đông Nam bộ là 16,2%, Đồng bằng sông Hồng là 15,2%, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là 9,5%).

Các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển giáo dục dân tộc hiện hành đã và đang tiếp sức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng. (Trong ảnh: Giờ học của cô và trò Trường PTDT - THCS Định Hóa - Ảnh: TL)
Các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển giáo dục dân tộc hiện hành đã và đang tiếp sức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng. (Trong ảnh: Giờ học của cô và trò Trường PTDT - THCS Định Hóa - Ảnh: TL)

Thiếu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao nên vùng TD&MNBB khó thu hút doanh nghiệp đến đầu tư, nhất là khi đã qua thời thu hút đầu tư bằng LLLĐ giá rẻ. Theo thống kê, năm 2020, toàn vùng chỉ có 26.470 doanh nghiệp, bằng 4% tổng số doanh nghiệp cả nước; mật độ doanh nghiệp ở thời điểm 31/12/2020 là 2,7 doanh nghiệp/1.000 dân, chỉ bằng 1/3 mật độ chung cả nước.

Như Điện Biên, đến hết năm 2021 toàn tỉnh có 1.220 doanh nghiệp đang hoạt động. Ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này cho rằng, về mặt khách quan, điều kiện tự nhiên nhiều vùng có hạ tầng kinh tế - xã hội không đồng bộ, giao thông cách trở, khó thu hút được các trí thức trẻ về làm việc, khó thu hút doanh nghiệp đến đầu tư.

Mặt khác, thiếu lao động trình độ cao nên có doanh nghiệp đầu tư, cũng chưa hẳn đã giải quyết việc làm cho LLLĐ địa phương vùng TD&MNBB, mà lại “hút”lao động có tay nghề, có chuyên môn ở các địa phương khác. Như Bắc Giang, theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, trong số hơn 300.000 LĐ làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thì có tới 1/3 là lao động nhập cư.

Tỷ lệ qua đào tạo của LLLĐ ở vùng TD&MNBB đã tăng lên, nhưng chủ yếu là đào tạo dưới 3 tháng, trong lĩnh vực nông nghiệp. (Trong ảnh: Một lớp học nghề của nông dân xã San Thàng, TP. Lai Châu - Ảnh: TL)
Tỷ lệ qua đào tạo của LLLĐ ở vùng TD&MNBB đã tăng lên, nhưng chủ yếu là đào tạo dưới 3 tháng, trong lĩnh vực nông nghiệp. (Trong ảnh: Một lớp học nghề của nông dân xã San Thàng, TP. Lai Châu - Ảnh: TL)

Đón đầu cơ hội

Trong khuôn khổ Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị, về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng TD&MNBB đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tổ chức ngày 27/8/2022, đã diễn ra chương trình xúc tiến đầu tư vào địa bàn này. Theo đó, rất nhiều dự án đã được trao, với quy mô rất lớn sẽ hiện diện tại vùng TD&MNBB trong thời gian tới.

Đó là dự án mở rộng đầu tư thêm 2.227 tỷ đồng của Công ty JA Solar Investment (Hồng Kông) tại Bắc Giang; hay 2 dự án trồng mắc ca công nghệ cao tại Điện Biên của Công ty cổ phần Liên Việt Mường Chà và Công ty cổ phần Mắc ca Kinh Bắc Điện Biên. Hàng ngàn tỷ đồng cũng đã được cam kết đầu tư tại Phú Thọ, Tuyên Quang, Lai Châu, Lạng Sơn…

Số lượng doanh nghiệp đầu từ vào vùng TD&MNBB chưa tương xứng với tiềm năng. (Trong ảnh: Nhà máy xi măng Điện Biên)
Số lượng doanh nghiệp đầu từ vào vùng TD&MNBB chưa tương xứng với tiềm năng. (Trong ảnh: Nhà máy xi măng Điện Biên)

Vì thế, các chuyên gia dự báo, làn sóng lao động nhập cư về các tỉnh TD&MNBB sẽ gia tăng, khi vùng này có thêm nhiều dự án lớn đã được cam kết triển khai trong thời gian tới. Điều này là thách thức giải quyết việc làm cho LĐ tại chỗ còn thiếu trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các địa phương vùng TD&MNBB.

Từ thực tế địa phương, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho rằng, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng, thì cần phát triển hài hòa giữa giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp; nhưng đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và cần cả quá trình. Trong khi đó, hiện nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đã đưa LĐ của họ vào làm việc tại các khu công nghiệp. Tính đến 31/12/2021, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 512 doanh nghiệp sử dụng 5.791 LĐ nước ngoài. Đây là cơ hội để đào tạo, nâng cao tay nghề cho LĐ địa phương.

“Điều cần thiết là sớm có cơ chế để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tham gia vào việc đào tạo cấp chứng chỉ đào tạo nghề cho người lao động. Khi có cơ chế, các doanh nghiệp có công nghệ mới, kỹ thuật mới có thể tham gia đào tạo nghề cho lao động tại địa phương”, ông Dương nhấn mạnh.

Đề xuất của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, là một gợi mở rất đáng chú ý để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là LĐ người DTTS. Đây cũng có thể là một giải pháp để các địa phương TD&MNBB giải bài toán đào tạo nghề, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2025 có trên 50% lao động, là người DTTS trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi 2021 - 2030; gaii đoạn I: 2021 - 2025.

Doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đã đưa LĐ của họ vào làm việc tại các khu công nghiệp là cơ hội để đào tạo, nâng cao tay nghề cho LĐ địa phương. (Trong ảnh: Công ty TNHH Siflex Việt Nam tại Bắc Giang hiện có 84 LĐ nước ngoài đang làm việc)
Doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đã đưa LĐ của họ vào làm việc tại các khu công nghiệp là cơ hội để đào tạo, nâng cao tay nghề cho LĐ địa phương. (Trong ảnh: Công ty TNHH Siflex Việt Nam tại Bắc Giang hiện có 84 LĐ nước ngoài đang làm việc)

Phương án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ việc vùng TD&MNBB có thêm nhiều nhà đầu tư, thêm nhiều dự án là hoàn toàn có cơ sở. Bởi chiếu theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê thì, hiện vùng TD&MNBB đã có khoảng 39.091 LĐ có trình độ trung cấp (tương ứng với tỷ lệ 5,1% trong tổng số LĐ hơn 7,665 triệu LĐ trong độ tuổi tham gia LLLĐ của vùng); có khoảng 26.827 lao động có trình độ cao đẳng (tương ứng 3,5%) và khoảng 57.487 lao động có trình độ đại học (tương ứng 7,5%).

Theo báo cáo ngày 30/7/2021 của Ủy ban Dân tộc về Tổng kết Nghị quyết số 26/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cả nước đã hỗ trợ đào tạo nghề cho khoảng trên 1,1 triệu LĐ người DTTS, chiếm hơn 14% trên tổng số gần 8 triệu người DTTS trong độ tuổi LĐ. Hiện đang thí điểm tổ chức đặt hàng trình độ Trung cấp, Cao đẳng nghề với 26 cơ sở đào tạo để đào tạo cho 8.555 LĐ là người DTTS thuộc hộ nghèo, hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp có khó khăn về kinh tế.

Dự bị cho LLLĐ đã qua đào tạo hiện có của vùng, là hàng trăm nghìn học sinh các cấp và sinh viên là con em các tỉnh TD&MNBB đang học tập tại các cơ sở giáo dục trên cả nước. Đáng chú ý trong đó có số lượng lớn học sinh, sinh viên là người DTTS đang được nuôi dưỡng, đào tạo theo xu thế tiếp cận khoa học – công nghệ tại hệ thống trường chuyên biệt của vùng.

Theo Kết quả Điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2019, TD&MNBB là vùng có hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) và trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) nhiều hơn so với các vùng khác trong cả nước, và liên tục gia tăng về số lượng. Nếu như năm 2015, toàn vùng có 270 trường (86 trường PTDTNT, 184 trường PTDTBT) thì đến năm 2019 tăng lên 951 trường (135 trường PTDTNT, 815 trường PTDTBT).

Với các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển giáo dục dân tộc hiện hành (đầu tư cơ sở vật chất trường lớp; thu hút giáo viên, cán bộ quản lý giỏi; miễn học phí, hỗ trợ tiền ăn, hỗ trợ gạo, …), thì những học sinh, sinh viên tại các trường chuyên biệt vững tâm trên hành trình tiếp cận tri thức mới. Đây là nguồn nhân lực chất lượng cao kế cận, liên tục được bổ sung cho vùng TD&MNBB.

Rõ ràng, cơ hội phát triển toàn diện, bền vững đã mở ra cho vùng TD&MNBB, nhất là khi có Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị chỉ đường dẫn lối. Điều kiện đủ lúc này là, các địa phương trong vùng làm thế nào để nắm bắt thời cơ để vượt lên chính mình, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển.

 Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục
Quyết sách giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Nam phát triển bền vững

Quyết sách giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Nam phát triển bền vững

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719) được xem là một quyết sách đặc biệt giúp Quảng Nam thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện, đến nay, Chương trình đã bước đầu phát huy hiệu quả, làm đổi thay bộ mặt của vùng DTTS và miền núi của tỉnh.