Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Đánh thức tiềm năng vùng phên giậu: Khơi thông dòng vốn về “vùng trũng” (Bài 2)

Tùng Nguyên - 14:23, 19/09/2022

Đưa Trung du và miền núi Bắc Bộ (TD&MNBB) thoát khỏi “vùng trũng” trong phát triển là ý chí, định hướng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, là khát vọng của 14,7 triệu người dân ở 14 tỉnh. Giai đoạn 2021 - 2025, dòng vốn lớn tiếp tục được bố trí để hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng này, điều quan trọng là các tỉnh vùng TD&MNBB phải gỡ các “nút thắt” trong phát triển.

“Nút thắt” trong phát triển

Nếu nói giao thông là huyết mạch của nền kinh tế, thì đối với vùng TD&MNBB, huyết mạch này vẫn chưa thông suốt. Vì vậy, Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 26-KL/TW ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị khóa XI đã nêu rõ, một trong những nhiệm vụ hàng đầu để phát triển vùng TD&MNBB, là ưu tiên xây dựng và nâng cấp hệ thống giao thông, nhất là đường bộ, từ đó tạo cơ sở liên kết vùng.

Thu nhập bình quân nhân khẩu 1 tháng chia theo vùng và nhómthu nhập năm 2021. (Nguồn: Tổng cục Thống kê)
Thu nhập bình quân nhân khẩu 1 tháng chia theo vùng và nhóm thu nhập năm 2021. (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Với nguồn lực khổng lồ từ ngân sách Nhà nước (chỉ riêng giai đoạn 2013 - 2020 là hơn 121.000 tỷ đồng) và các nguồn vốn huy động khác, hiện vùng TD&MNBB đã hình thành hệ thống đường cao tốc kết nối với Thủ đô Hà Nội và các trung tâm kinh tế vùng, các cửa khẩu, cảng biển quốc tế, như: Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn), Hà Nội - Lào Cai, Hòa Lạc - Hòa Bình, Hà Nội - Bắc Giang, Bắc Giang - Lạng Sơn… Toàn vùng còn có gần 7.000 km quốc lộ, trong đó, các tuyến có quy mô đường cấp 3 đồng bằng với 2 làn xe trở lên chiếm 20% (hơn 1.400 km)…

Hệ thống giao thông nông thôn ở vùng TD&MNBB cũng đã được đầu tư, kết nối tới tận thôn bản từ nguồn vốn Chương trình 135, vốn xây dựng Nông thôn mới… Đến nay, cơ bản các xã trong vùng đã có đường ô tô đến trung tâm; đường về các thôn, bản đại đa số đã được cứng hóa.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát, kiểm tra tiến độ dự án cảng hàng không Sa Pa (Lào Cai) chiều 27/8/2022. (Ảnh: chinhphu.vn)
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát, kiểm tra tiến độ dự án cảng hàng không Sa Pa (Lào Cai) chiều 27/8/2022. (Ảnh: chinhphu.vn)

Nhưng vùng TD&MNBB vẫn còn đó những cung đường hiểm trở, là “nút thắt" trong kết nối vùng. Điều này đã được chính “tư lệnh” ngành Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đánh giá một cách khách quan rằng, vùng TD&MNBB dù đã có 11 tuyến cao tốc - là phương thức vận tải chủ yếu, quan trọng nhất, giữ vai trò kết nối vùng với Thủ đô Hà Nội, kết nối liên tỉnh, kết nối các cửa khẩu quốc tế (Trung Quốc, Lào) nhưng còn nhỏ hẹp; mạng lưới đường tỉnh, đường huyện quy mô và chất lượng thấp.

“Huyết mạch” kinh tế không thông suốt đã khiến các địa phương vùng TD&MNBB luôn đứng tốp đầu cả nước, về Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI), dù đây là khu vực nghèo nhất. Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ số SCOLI của các tỉnh vùng TD&MNBB cao, là do nhiều hàng hóa không sản xuất tại chỗ, phải vận chuyển từ các tỉnh miền xuôi lên; trong khi giao thông đi lại khó khăn, giá cước vận tải hàng hóa cao.

“Nút thắt” về hạ tầng giao thông đã tác động đến việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vùng TD&MNBB. Đặc biệt là, việc thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo cứ trầy trật, dù nguồn lực bố trí cho lĩnh vực này là không hề nhỏ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát, kiểm tra tiến độ dự án cảng hàng không Sa Pa (Lào Cai) chiều 27/8/2022. (Ảnh: chinhphu.vn)
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát, kiểm tra tiến độ dự án cảng hàng không Sa Pa (Lào Cai) chiều 27/8/2022. (Ảnh: chinhphu.vn)

Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, giai đoạn từ 2005 - 2020, ngân sách Trung ương bố trí 46.692,756 tỷ đồng để các tỉnh TD&MNBB triển khai công tác giảm nghèo, an sinh xã hội. Tuy nhiên, TD&MNBB hiện vẫn là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, thu nhập bình quân đầu người (GRDP) lại thấp nhất cả nước.

Theo Kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2021 của Tổng cục Thống kê (được công bố tháng 7/2022), trong 6 vùng kinh tế thì Đồng bằng sông Hồng là vùng có GRDP cao nhất (5,026 triệu đồng/người/tháng), thấp nhất là vùng TD&MNBB (2,837 triệu đồng/người/tháng). Trong khi đó, TD&MNBB là vùng có tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều cao nhất (14,4%), tiếp đến là các vùng Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (11% và 6,5%). Vùng có tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều thấp nhất là Đông Nam Bộ (0,3%).

Kiến tạo cơ hội mới

Sự phát triển của vùng TD&MNBB rõ ràng chưa tương xứng với nguồn lực đã “rót” vào khu vực này. Bởi, không chỉ có nguồn vốn của Nhà nước hỗ trợ, mà vùng TD&MNBB còn được đầu tư từ các chương trình, dự án khác.

Theo bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, chỉ tính riêng trong năm 2020, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành của vùng đạt 278,3 nghìn tỷ đồng, gấp 1,2 lần so với năm 2015. Vốn đầu tư nước ngoài vào các tỉnh TD&MNBB cũng ngày càng tăng lên.

 Đường lên các tỉnh TD&MNBB vẫn còn những cung đường hiểm trở. (Trong ảnh: Đèo Trắng trên quốc lộ 6 nối liền hai huyện Mai Châu và Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình)
Đường lên các tỉnh TD&MNBB vẫn còn những cung đường hiểm trở. (Trong ảnh: Đèo Trắng trên Quốc lộ 6 nối liền hai huyện Mai Châu và Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình)

Cụ thể, năm 2019, số dự án đầu tư nước ngoài của cả vùng đạt 148 dự án. Riêng năm 2020, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tổng số dự án đầu tư vào vùng chỉ đạt 79 dự án, giảm hơn 46% so với năm 2019, tổng vốn cấp mới đạt hơn 1.106 triệu USD, giảm hơn 27%.

Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng TD&MNBB đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra ngày 27/8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các địa phương tập trung giải ngân vốn đầu tư công; chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu ưu tiên xây dựng các tuyến cao tốc kết nối vùng, sân bay, cửa khẩu quốc tế cho TD&MNBB, hình thành một số cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế vùng.

Giai đoạn 2021 - 2025, vùng TD&MNBB tiếp tục đón dòng vốn lớn để phát triển. Giai đoạn này, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ đã dành tới 221.900 tỷ đồng (tương đương 9,6 tỷ USD) của vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các tỉnh TD&MNBB, cao hơn 2 tỷ USD so với giai đoạn trước để thực hiện các chương trình, dự án.

Điển hình phải kể đến 3 chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi). Chỉ tính riêng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng TD&MNBB được đầu tư khoảng gần 80 nghìn tỷ đồng.

Cùng với đó, vùng TD&MNBB đang tiếp nhận rất nhiều dự án đầu tư nước ngoài lớn. Hà Giang có 6 dự án, Hòa Bình có 2, với tổng quy mô của các dự án này lên tới hơn 14.000 tỷ đồng. Lạng Sơn có hai dự án, nhưng cũng có quy mô khá lớn, trong đó Dự án điện gió BayWa r.e. Wind Projects Việt Nam là hơn 8.000 tỷ đồng…

Rõ ràng, cơ hội phát triển mới đã được kiến tạo đối với các tỉnh vùng TD&MNBB. Điều quan trọng nhất là làm thế nào để gỡ các “nút thắt” hiện có của vùng, đặc biệt là hạ tầng giao thông - “điểm nghẽn” trong liên kết vùng của các địa phương lâu nay, như khẳng định của ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang là: “Không có giao thông sẽ không giải quyết được vấn đề kết nối giữa các tỉnh, giữa vùng kinh tế và cả liên kết nội vùng”.

Vì thế, lãnh đạo các địa phương vùng TD&MNBB đề xuất Chính phủ ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống mạng lưới giao thông kết nối hiện đại, đồng bộ. Đề xuất làm thêm đường cao tốc, làm sân bay Sa Pa, mở rộng Sân bay Điện Biên Phủ đã được nêu ra với mục tiêu tạo liên kết vùng.

Giao thông đi lại khó khăn, chi phí vận chuyển cao nên Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian ở các địa phương vùng TD&MNBB rất cao. (Ảnh minh họa)
Giao thông đi lại khó khăn, chi phí vận chuyển cao nên chỉ số giá sinh hoạt theo không gian ở các địa phương vùng TD&MNBB rất cao. (Ảnh minh họa)

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã khẳng định: “Mong muốn của chúng tôi là mở không gian phát triển. Đề xuất làm sân bay không phải chỉ cho Lào Cai mà cho cả vùng. Khách tới Sa Pa rồi đến các tỉnh trong vùng, như thế sân bay Sa Pa không chỉ của Lào Cai mà của cả Yên Bái…”.

Đề xuất của các địa phương vùng TD&MNBB nhận được sự ủng hộ của Chính phủ, các bộ ngành và các chuyên gia. Như chia sẻ của PGS. TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Đường bộ (Đại học Giao thông vận tải), địa bàn vùng DTTS và miền núi rất rộng, lại chia cắt. Để đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng giao thông thì cần tích cực huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, từ các thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong đó cần sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước, đầu tư trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên đầu phát triển những công trình có tính đột phá, tạo điều kiện liên kết vùng.

Cùng với việc tháo gỡ “nút thắt” về hạ tầng kinh tế thì các địa phương vùng TD&MNBB phải đặc biệt chú ý tạo nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Bởi thực tế, TD&MNBB hiện vẫn đang “nghèo” nguồn nhân lực chất lượng cao.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục
Quyết sách giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Nam phát triển bền vững

Quyết sách giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Nam phát triển bền vững

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719) được xem là một quyết sách đặc biệt giúp Quảng Nam thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện, đến nay, Chương trình đã bước đầu phát huy hiệu quả, làm đổi thay bộ mặt của vùng DTTS và miền núi của tỉnh.