Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Đánh thức tiềm năng Y Tý

Trọng Bảo - 05:39, 20/04/2021

Là xã xa nhất của huyện Bát Xát (Lào Cai), những năm gần đây kinh tế - xã hội của xã biên giới Y Tý đã có bước chuyển biến tích cực. Đặc biệt, mới đây UBND tỉnh đã công bố quy hoạch Y Tý thành đô thị du lịch, đây sẽ là cơ hội để xã vùng biên bứt phá.

Đồng bào Hà Nhì thu hoạch của sâm đất
Đồng bào Hà Nhì thu hoạch củ sâm đất

Nằm cách trung tâm huyện Bát Xát gần 80km, Y Tí là vùng đất biên viễn sở hữu nhiều tiềm năng nhưng chưa được đánh thức. Ai đã từng đến nơi đây, hẳn sẽ rất khó quên vẻ đẹp của biển mây bồng bềnh dưới thung lũng, những thửa ruộng bậc thang vàng óng mùa lúa chín, những ngôi nhà trình tường độc đáo của đồng bào Hà Nhì…

Những năm trước, bà con nơi đây chủ yếu sản xuất nông nghiệp với cây ngô, cây lúa, vất vả quanh năm nhưng cuộc sống cũng còn vô vàn khó khăn. Vài năm trở lại đây, nhiều cây trồng mới đã được đưa vào gieo trồng nâng cao thu nhập cho bà con. 

Đặc biệt, cây Hoàng Sin Cô (hay còn gọi là sâm đất) vài năm nay, là thứ quà không thể thiếu đối với mỗi du khách khi đến với Y Tý. Đây cũng là cây trồng mang lại thu nhập cho người dân Y Tý.

Cây sâm đất được trồng từ trước tết Nguyên đán, đến tháng 9, tháng 10 hằng năm, khi cây trổ hoa màu vàng tươi, cũng là vào mùa thu hoạch. Hấp thụ nắng mưa, sương gió, khí trời mát mẻ, nguồn nước tinh khiết của đại ngàn Ý Tý ở độ cao trên 2.000 m so với mực nước biển, sâm đất ở đây có những đặc tính và giá trị không ở nơi nào có được.

Trước đây, trên đồng ruộng của gia đình chị Phà Giá Nhò chủ yếu để trồng ngô, lúa. Cách đây vài năm, chị Nhò là người đầu tiên mạnh dạn đưa cây sâm đất vào trồng, tiếng lành đồn xa, củ sâm đất được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh biết tới; sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Năm 2020, gia đình chị thu gần 40 triệu đồng từ bán củ sâm đất.

Ngoài các cây trồng truyền thống như lúa ngô thì người dân Y Tý đã đưa vào nhiều loại cây trồng mới như cây dược liệu với gần 100ha đương quy và xuyên khung, cây sâm đất; một số hộ đã đầu tư nuôi cá nước lạnh cho thu nhập cao; nhiều hộ gia đình chuyển sang làm dịch vụ du lịch cộng đồng Homestay...

“Cây này thì có từ lâu rồi, trước đây bà con vẫn lấy ăn, nhưng trồng ít. Thấy củ ngon, ngọt gia đình mình trồng thử. Khi có nhiều người đến mua nên mỗi năm trồng mở rộng thêm một ít. Trồng cây này không vất vả như trồng ngô, lúa mà thu nhập lại cao hơn nhiều lần”, chị Nhò chia sẻ.

Hiện nay, toàn xã Y Tý có gần 30ha trồng cây sâm đất, mỗi năm cho doanh thu bình quân gần 5 tỷ đồng. Câu chuyện đưa cây sâm đất vào trồng mở rộng thành hàng hóa của đồng bào Hà Nhì, đồng bào Mông chỉ là một trong những bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi của bà con nông dân trên mảnh đất vùng biên này. 

Ông Ngô Quốc Cường, Bí thư Đảng ủy xã Y Tý cho biết: Trước đây, bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao thu nhập được cấp ủy, chính quyền địa phương đặt quyết tâm rất cao, với mục đích cuối cùng đó là nâng cao thu nhập cho bà con trên cùng diện tích canh tác.

"Hết năm 2020 thu nhập bình quân đầu người đạt trên 25 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 26,32%”, ông Cường phấn khởi thông tin.

Y Tý tiềm ẩn nhiều nét đẹp độc đáo trong văn hóa của đồng bào Hà Nhì, đồng bào Mông...để phát triển du lịch
Y Tý tiềm ẩn nhiều nét đẹp độc đáo, thể hiện bản sắc văn hóa của đồng bào Hà Nhì, đồng bào Mông...để phát triển du lịch

Đặc biệt, tháng 7/2020, UBND tỉnh Lào Cai đã công bố quy hoạch Y Tý trở thành đô thị du lịch, với mục tiêu đưa mảnh đất vùng biên này có tên trên bản đồ du lịch trong và ngoài nước. Theo đó, đô thị Y Tý nằm trong tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa đến năm 2040; thuộc chương trình nâng cấp đô thị theo đề án "Phát triển mạng lưới đô thị tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030". Y Tý cũng được định hướng trở thành trung tâm hành chính mới của huyện Bát Xát, đáp ứng xu thế phát triển của tỉnh Lào Cai. 

Hy vọng, đây sẽ là "cú hích" quan trọng đánh thức tiềm năng, để Y Tý vươn lên phát triển mạnh mẽ, với mục tiêu phấn đấu, đến năm 2025 thu nhập bình quân đạt 50 triệu đồng/người/năm (tăng gần gấp đôi so với năm 2020); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10%...

Nằm ở độ cao từ 1.600 - trên 2.000m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ quanh năm, thiên nhiên hoang sơ, thơ mộng, với những bản làng dân tộc Hà Nhì, Mông, Dao giàu bản sắc văn hóa. Y Tý là vùng đất có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch; là điểm đến hấp dẫn của du khách bốn phương trong những năm gần đây.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Hàng loạt khó khăn vướng mắc trong giao đất, giao rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp

Nghệ An: Hàng loạt khó khăn vướng mắc trong giao đất, giao rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp

Vị trí đất được cấp ở xa, địa hình giao đất giao rừng đi lại khó khăn, sai lệch diện tích giữa hồ sơ và thực địa, nhu cầu người dân lớn nhưng quỹ đất ít… là những khó khăn, vướng mắc đang gây ảnh hưởng lớn đến việc giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp ở Nghệ An.