Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Đạo diễn Lê Việt: Đưa múa dân gian dân tộc đến gần hơn với giới trẻ

Hồng Minh - 21:08, 27/03/2020

Được biết đến là một biên đạo múa, đạo diễn cho nhiều chương trình nghệ thuật có tiếng, đạo diễn Lê Việt, Đoàn trưởng Vũ đoàn Phương Việt (TP. Hồ Chí Minh) đang từng ngày truyền ngọn lửa đam mê với những điệu múa dân gian dân tộc đến gần hơn với thế hệ trẻ đam mê nghệ thuật múa.

Một tiết mục múa được đạo diễn Lê Việt biên đạo với chất liệu dân tộc Mông.
Một tiết mục múa được đạo diễn Lê Việt biên đạo với chất liệu dân tộc Mông

Từ nhỏ, có lẽ do năng khiếu bẩm sinh nên Lê Việt đã thích nhảy múa rồi mê dàn dựng các điệu múa. Những năm học THPT, Lê Việt đã đảm nhận vai trò dàn dựng chương trình văn nghệ cho thầy cô của mình tham gia hội diễn ngành Giáo dục. Trong suốt 18 năm qua, anh giữ vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ Múa dân gian của Trung tâm Văn hóa Quận 6 (TP. Hồ Chí Minh), dàn dựng nhiều chương trình dự thi toàn thành phố, toàn quốc. Bên cạnh đó, anh còn phụ trách các lớp năng khiếu và đội tuyển cho Nhà Thiếu nhi Quận 6.

Nhuần nhuyễn mọi thể loại múa, song Lê Việt gắn bó hơn cả với múa dân tộc, anh bỏ công nghiên cứu, dàn dựng các tiết mục múa đặc sắc ở thể loại này.

Đạo diễn Lê Việt cho biết: “Nghệ thuật múa vốn học rất khó, đặc biệt việc thực hành nghệ thuật múa dân gian dân tộc lại càng khó hơn. Múa dân gian dân tộc luôn có những đòi hỏi khắt khe đối với biên đạo, diễn viên múa về trình bày đúng tính chất, giá trị, kỹ thuật của múa dân gian dân tộc. Cũng như chuyển thể các bài múa từ chất liệu thực tiễn đời sống lên sàn diễn làm sao cho chính xác, đẹp, mang tính đặc trưng riêng biệt, độc đáo, hấp dẫn”.

Với gần 20 năm tích lũy kinh nghiệm làm nghề, tham gia chấm thi các cuộc thi múa, đạo diễn Lê Việt nhận thấy, rất nhiều biên đạo trẻ khi dựng tác phẩm, vở múa dân gian thường có sự nhầm lẫn giữa dân tộc này với dân tộc khác, đem động tác múa của dân tộc này gắn vào âm nhạc của dân tộc khác, hay lấy âm nhạc của dân tộc này đưa vào tác phẩm với phục trang của dân tộc khác… Điều này vô tình phản ánh sai những giá trị đặc sắc, tính đặc trưng riêng biệt của từng dân tộc và cả sự đúng đắn mang tính thực tiễn của tác phẩm múa.

“Nếu những động tác múa lấy cảm hứng từ văn hóa dân tộc Mông có nhịp điệu vui tươi, rộn ràng, thì những động tác múa từ văn hóa Thái nhẹ nhàng, duyên dáng, uyển chuyển…Việc thể hiện đúng bản sắc, động tác, trang phục của múa dân gian dân tộc chính là hành động hiệu quả của việc kế thừa và phát huy nghệ thuật dân tộc truyền thống, góp phần bảo tồn, gìn giữ và lưu truyền cho thế hệ mai sau”, đạo diễn Lê Việt chia sẻ.

Trong xã hội hiện đại, việc kế thừa, phát huy giá trị của múa dân gian sẽ giúp bảo tồn loại hình nghệ thuật này, từ đó, cũng tạo nên những tác phẩm hay, đặc sắc, đậm đà bản sắc dân tộc, đưa múa Việt Nam ngày càng phát triển. Để giúp các bạn trẻ tiếp cận dễ dàng với múa dân gian, dân tộc, vừa qua, đạo diễn Lê Việt đã cùng các cộng sự của mình ra mắt kênh Youtube “Múa cùng Lê Việt” hướng dẫn những động tác múa dân gian, dân tộc cơ bản.

Đạo diễn Lê Việt mong rằng, dự án “Múa cùng Lê Việt” sẽ là cầu nối để mọi người có thể đến gần hơn với bộ môn nghệ thuật độc đáo này, bên cạnh đó còn là cơ sở cho các biên đạo trẻ tham khảo, tìm hiểu thêm về các dân tộc khác nhau trên đất nước. Từ đó tạo tiền đề để cho các bạn trẻ thêm yêu nghệ thuật của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.