Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Đất trời Xuân Quản Bạ

Bút ký của Cao Xuân Thái - 09:20, 08/02/2021

Tôi rời khỏi TP. Hà Giang vào buổi sớm, đến địa phận Chum Vàng, Chum Bạc, cảnh sắc đã không còn heo hút. Thấp thoáng những mái nhà dân nép mình dưới vườn cây ăn quả tươi tốt, ngô trải dài mướt mát, rì rào trong cái rét tê tái những ngày đông muộn...

Núi Đôi Quản Bạ như tác phẩm nghệ thuật giữa những núi đá trùng điệp. (Ảnh: TL)
Núi Đôi Quản Bạ như tác phẩm nghệ thuật giữa những núi đá trùng điệp. (Ảnh: TL)

Đến Minh Tân, huyện Vị Xuyên (Hà Giang), con đường mở rộng thênh thang, nơi đây đang hình thành một thị tứ mới sôi động. Đây cũng là điểm đầu của con đèo Pác Xum nổi tiếng, con đường đột ngột dâng cao, khúc khuỷu, tôi chợt nhớ câu thơ của ai đó còn truyền tụng đến giờ: “Muỗi Pác Xum, hùm làng Đán”. Ấy là chuyện của những năm xa xưa. Bởi vậy, cuộc sống mới hôm nay gợi biết bao điều tốt đẹp về một vùng biên viễn…

Hết con đèo Pác Xum, lại bắt đầu hành trình vượt lên Cổng trời Quản Bạ. Ngoái lại phía sau là cả một thế giới kỳ ảo. Con đường tựa sợi dây chão khổng lồ uốn lượn quanh lưng núi, những chiếc xe tải chở hàng, xe chở khách bé nhỏ như đồ chơi của tuổi thơ nhẫn nại, chậm chạp vượt dốc. Cánh rừng già Phong Quang im lìm, mây trắng vắt ngang như bức tranh thủy mặc mới dừng lại ở nét vỡ vạc chấm phá…

Chưa hết ngỡ ngàng bởi cảnh sắc dưới chân con đèo nổi tiếng ấy, bàn chân tôi đã chạm vào địa phận Quản Bạ. Cổng trời Quản Bạ là cổng Thiên Đàng (đầu thế kỷ XX, người Pháp lên đây đã đặt tên cho nó). Dịch từ tiếng Anh HEAVEN trên tấm bảng hiệu lớn UBND huyện dựng lên cách đây vài năm, nó mang màu sắc quảng cáo và gợi cho du khách sự tò mò, khao khát, khám phá và chinh phục. Nó còn khẳng định, Quản Bạ không còn bỡ ngỡ trước nền kinh tế thị trường, với lợi ích to lớn của ngành công nghiệp không khói. Bởi vậy, những năm gần đây, khách Tây, Tàu, trong Nam, ngoài Bắc lên với Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc ngày càng tăng, nhất là vào dịp mùa Thu, mùa Xuân, hoặc phiên chợ tình Khau Vai độc đáo vào tháng 3 hằng năm…

Vào Xuân. (Ảnh TL)
Vào Xuân. (Ảnh TL)

Hiện giờ Cổng trời Quản Bạ có nhà hàng giới thiệu nhiều mặt hàng đặc sản của địa phương, lầu vọng cảnh khang trang để khách tham quan nghỉ chân, thả mắt ngắm nhìn toàn cảnh Tam Sơn. Ấn tượng nhất vẫn là Thạch Nhũ đôi nằm chếch phía Bắc thung lũng Tam Sơn rộng tới hàng ngàn ha.

“Không cài then Cổng trời mở tung/Gió hào phóng thổi qua rừng quế/Thơm hương như thể/Lá mềm môi em”… Cổng trời Quản Bạ bây giờ là vậy, có rất nhiều điểm nhấn, là cửa ngõ lên với Cao nguyên đá phía Bắc, những trang huyền thoại về xứ sở này cứ lần lượt được hé mở sau điệp điệp, trùng trùng của núi non, mây trắng đến nao lòng. Đó là sức sống, thân phận đời người, bản sắc văn hóa, truyền thống đấu tranh cách mạng và cả những câu chuyện tình đã trở thành bất hủ…

Quản Bạ đang ấm lên, đẹp dần lên trong mắt bè bạn bốn phương. Nhiều đoàn khách khi lên tới Hà Giang mặc dù đã không quản ngại 46km đèo dốc để lên Quản Bạ, họ có ý kiến rằng, cơ sở nghỉ ngơi Quản Bạ rất tốt, yên tĩnh, các dịch vụ cũng khá, đặc biệt có nhiều đặc sản ngon và lạ…

Nếu Tam Sơn là trung tâm, thì các điểm du lịch của Quản Bạ đều nằm trong bán kính vừa phải, nghĩa là khi thăm thú các điểm du lịch này, buổi chiều vừa đủ cho khách trở về Quản Bạ để phục hồi sức khỏe. Chưa đâu như Quản Bạ, thế mạnh về du lịch rất phong phú, tiện lợi và sinh động.

 Đường lên Quản Bạ. (Ảnh TL)
Đường lên Quản Bạ. (Ảnh TL)

Điểm du lịch đầu tiên phải kể đến là hang Khố Mỷ (Tùng Vài) với nhiều vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí, những khối đá, nhũ đá buông rủ, lạ, óng ánh bởi ánh nắng mặt trời soi chiếu. Còn là suối Tiên (Thái An), Thạch Sơn Thần (Quyết Tiến), núi đất nguyên sinh núi Ba Tiên (Thái An), Núi Đôi (thị trấn Tam Sơn)…

Gắn liền với các điểm du lịch, hoạt động văn hóa văn nghệ… là những đặc sản nổi tiếng như rượu ngô Thanh Vân, hồng không hạt, thảo quả muối, chè Tùng Vài, thổ cẩm Lùng Tám… Cách trung tâm huyện không xa là thôn Nặm Đăm - Làng Văn hóa du lịch cộng đồng với những ngôi nhà trình tường thấp thoáng sau rặng đào, lê đang dâng đầy hoa… Cùng các lễ hội: Cấp sắc, Lễ cúng cơm mới, Lễ hội cầu mùa…

Huyện Quản Bạ cũng đang chỉ đạo trồng cây xanh, chủ yếu là đào phai, cây lê, lát da đồng… một kế hoạch thiết thực và đầy ý nghĩa, các loại cây quý hiếm này được trồng trên địa phận thôn Cóoc Mạ, dọc Quốc lộ 4C, thôn Nặm Đăm và dọc sông Tráng Kìm ngược lên phía Bắc.

Ngước nhìn lên Cổng trời Cán Tỷ, tạt sang Bát Đại Sơn, tôi bắt gặp một vùng đá núi trập trùng, miên man không dứt mà thổn thức trước vẻ đẹp kỳ vĩ của xứ sở này. Hoa đào, hoa lê đã trắng hồng quanh làng bản. Tôi mang theo mùa hoa thắm và cả mùa Xuân vùng cao về xuôi mà khuyên nhủ bè bạn rằng: Hãy lên với Quản Bạ mùa Xuân này…

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Ở tuổi 60, nhưng ngay từ thuở 15, 16, ông Kha Văn Hưng đã say mê với nhạc cụ truyền thống dân tộc Thái của mình. Bao năm qua, ông dành biết bao tâm sức học hỏi để sử dụng, chế tác được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào. Điều ông Hưng trăn trở, mong mỏi nhất là thế hệ trẻ trong bản tiếp nối truyền thống cha ông để giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.