Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Đi Chợ tình Ba Tiên

PV - 10:33, 25/06/2019

Hàng năm, du khách đến với Cao nguyên đá Đồng Văn, ngoài khám phá, trải nghiệm Chợ tình huyền thoại Khau Vai hay Chợ tình phong lưu ở Du Già mỗi năm một lần, thì nay còn có một chợ tình mới, mỗi tuần họp chợ một lần nhưng luôn thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước, đó là Chợ tình Ba Tiên. Chợ được họp tại ngã ba thôn Cán Hồ và Lũng Hầu, xã Thái An, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.

Phụ nữ Mông làm mèn mén tại Chợ tình Ba Tiên. Phụ nữ Mông làm mèn mén tại Chợ tình Ba Tiên.

Vào chiều thứ 6 hàng tuần, khi hoàng hôn dần lặng xuống, bà con ở các bản làng xa xôi từ khắp các nẻo đường náo nức kéo về Chợ tình Ba Tiên với bao lời hò hẹn, chẳng nề hà đồi núi hay dốc, suối trập trùng. Lúc màn đêm buông xuống, âm thanh nói cười của các đôi trai gái và những điệu hát giao duyên, tiếng sáo của chàng trai Mông khiến không gian trở nên thơ mộng hơn. Tiếng sáo vi vu, tiếng khèn Mông du dương trầm bổng gọi bạn tình da diết, các cô gái sặc sỡ váy hoa, thẹn thùng e ấp đợi chờ…

Chị Giàng Thị Súa, xã Đường Thượng, Yên Minh (Hà Giang), chia sẻ: Chợ Ba Tiên nằm ngay trên đường liên xã Thái An (Quản Bạ) sang xã Đường Thượng (Yên Minh) nên cứ chiều tối thứ 6, thanh niên xã chúng tôi hay thành lập đội sang sớm để chọn chỗ đẹp ngồi tâm sự. Chợ đông vui lắm! Lúc mới đến, đôi nào cũng rủ nhau mua sắm, ở đây khá nhiều hàng hóa, từ trang phục đến đồ ăn và các đồ gia dụng nữa... Sau đó, các đôi trai gái rủ nhau thưởng thức bát thắng cố, mèn mén rồi nhâm nhi chén rượu ngô và đi chơi hội đến rạng sáng hôm sau mới lưu luyến chia tay.

Trong đêm hội đông đúc ấy, xuất hiện cả những gương mặt đã ở tuổi xế chiều, mong gặp lại người xưa, để hỏi nhau rằng: Dạo này có khỏe không? Con cái vợ chồng có hạnh phúc không? Cây ngô trên rẫy có xanh tốt không? Họ gặp nhau để cùng nói về những câu chuyện bình dị, mộc mạc thế thôi.

Hay có những người đi chợ tình chỉ để gặp bạn bè, cùng nhau uống chén rượu sau những mùa nương rẫy nhọc nhằn, cạnh nồi thắng cố quen thuộc. Họ ngồi bàn thắng cố góc chợ hay trên mỏm đá tâm sự, nhảy múa, uống rượu rồi hát suốt đêm đến sáng không biết mệt. Hẳn là một đêm không ngủ với những ai có mặt giữa không gian văn hóa lãng mạn này.

Những cô gái Mông má đỏ hây hây, e ấp như cánh đào phai trong nắng sớm. Từng bước đi uyển chuyển, xoay tròn nếp váy xòe cùng áo vải thêu cầu kỳ màu đen huyền bí, pha với màu trắng tinh khôi và xanh non dịu dàng. Còn các cô gái Dao tươi tắn trong trang phục đen phối đỏ nổi bật cùng hoa văn tinh xảo làm khuôn mặt bừng sáng, mỗi bước chân vang lên tiếng nhạc reo từ bộ trang sức nhiều vòng bạc chạm khắc cầu kỳ. Nam thanh, nữ tú cùng vui trong tiếng khèn, chân xoay theo điệu múa, rung rinh tà váy, xoắn xuýt người đi, kẻ ở.

Ông Vàng Vần Chính, Chủ tịch UBND Xã Thái An, huyện Quản Bạ cho biết: Để bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn; phát huy nét đẹp chợ tình Ba Tiên, chính quyền xã thường xuyên vận động bà con nhân dân vệ sinh môi trường chợ; duy trì giao thương, các sản phẩm hàng hóa địa phương và các tiểu thương. Cứ 2 tuần/lần, xã tổ chức chương trình giao lưu văn hóa văn nghệ các dân tộc để nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Trước đây, chợ họp tối thứ 6 các cán bộ, công chức xã thường nghỉ cuối tuần nên việc phân công trực chợ, hay quản lý chợ gặp nhiều khó khăn. Vậy nên từ tháng 7 chợ sẽ chuyển xuống họp vào tối thứ 5 hàng tuần để đảm bảo công tác quản lý chợ được tốt hơn. Đồng thời, xã Thái An sẽ tiếp tục kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa để mở rộng quy mô chợ, hoàn thiện các công trình hạng mục để thúc đẩy phiên chợ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và đẩy mạnh ngành du lịch của địa phương.

HỒNG MINH - V. MAI

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.